Tận dụng cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực do TPP mang lại
(Baonghean.vn) - Tận dụng cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực do TPP mang lạilà một trong những nội dung của Hội nghị Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Cơ hội và thách thức do Sở Công thương tổ chức sáng 22/9 tại TP. Vinh.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Cùng dự có lãnh đạo và cán bộ UBND các huyện, thành phố và thị xã; Giám đốc và Trưởng phòng Nghiệp vụ XNK các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Đồng chí Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Chương trình hội nghị gồm các chuyên đề do đồng chí Nguyễn Hồng Dương - Vụ phó Vụ châu Mỹ, Bộ Công thương trực tiếp truyền đạt, nhằm phổ biến những thông tin cơ bản về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, các giải pháp cần triển khai thực hiện và những điều cần biết về cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương - Vụ phó Vụ châu Mỹ, Bộ Công thương nêu bật những cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, đồng thời đề cập một số giải pháp. |
Một khi TPP được ký kết, dự báo nhiều lĩnh vực của Việt Nam sẽ có khả năng phát triển, những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, giày dép, hàng điện tử,… Việc gia nhập TPP giúp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế,....
Bên cạnh đó, vẫn có không ít thách thức cần được nhận diện rõ hơn trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi cách hành xử để tận dụng cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực của hiệp định kinh tế chiến lược này. Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội và đã trở thành môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới.
Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới đang chuyển thành một hệ thống liên kết ngày càng chặt chẽ. Trong bối cảnh đó, TPP đã và đang trải qua tiến trình đàm phán với sự tham gia của 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, hiện còn vướng mắc một số khó khăn trong các lĩnh vực đàm phán như: thương mại hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, thị trường đầu tư, sở hữu trí tuệ,…
Trong khuôn khổ hội nghị, giảng viên cũng khái quát những nét nổi bật về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vấn đề đặt ra cho Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập cuối năm nay.
Theo đó, ASEAN là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia Đông Nam Á, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. AEC là khối kinh tế khu vực của ASEAN dự định thành lập vào năm nay, nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên. AEC đặt ra cho Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng một số vấn đề về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực,…
Hội nghị đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các đại biểu, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện “Chương trình hành động của Nghệ An tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2574/QĐ-UBND ngày 22/6/2015.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN