Đại biểu Quốc hội bức xúc về việc trang tin điện tử "nấu cháo trên lưng nhà báo"
Bài phát biểu về tình trạng vi phạm bản quyền trong báo chí, những khó khăn của báo chí trong tình hình hiện nay của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ, nhất là báo giới.
Mở đầu bài phát biểu trong phiên thảo luận về Luật Báo chí sửa đổi tại Quốc hội ngày 26/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, phải nói rằng Luật Báo chí sửa đổi là dự luật hết sức quan trọng, rất cấp thiết và ... cũng là Luật rất khó. Đồng thời, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng, trách nhiệm của Ban soạn thảo và các đánh giá bao quát, sâu sát của cơ quan thẩm tra.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường |
“Tôi cho rằng, Luật Báo chí sửa đổi phải tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển mạnh và bền vững, hạn chế thấp nhất các tồn tại giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, dự luật cũng phải hướng đến mục tiêu xa hơn là báo chí Việt Nam thích ứng, cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế mới, cùng chung tay với Đảng, Nhà nước xử lý các vấn đề đối nội, đối ngoại và cả những vấn đề mang tính toàn cầu”- Đại biểu Thường nhấn mạnh.
Quản lý thế nào với truyền thông xã hội?
Trong bài phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Phi Thường đề cập sự bùng nổ của internet với mức độ bành trướng của truyền thông xã hội đã thay đổi địa vị của báo chí truyền thống. Thống kê cho thấy, năm 2013 cả thế giới có 2,8 tỷ người sử dụng internet chiếm 39%. Ở Việt Nam con số đó là 31%. Trong đó số người sử dụng truyền thông xã hội thông qua điện thoại di động chiếm khoảng 26% dân số.
“Bên cạnh một số lợi ích đem lại thì truyền thông xã hội cũng đang hằng ngày gây nên nhiều tác động đến xã hội đặc biệt là đến hệ thống báo chí. Các chuyên gia truyền thông hiện nay đã ví, truyền thông xã hội mới thực sự là xu thế báo chí trong tương lai”- Đại biểu Thường nhấn mạnh.
Giải thích về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, chỉ với một chiếc điện thoại người sử dụng chúng biến chúng thành một tòa soạn báo, thành một tờ báo, thành một trường quay, xưởng in, thành một sạp báo. Một công dân với sự hỗ trợ của công nghệ cũng có thể trở thành một phóng viên, một biên tập viên, một Tổng biên tập...
Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Phi Thường, nguyên nhân là do một số tác động cụ thể:
Thứ nhất là thói quen tiếp nhận thông tin thay đổi (việc tìm tin, chọn tin, xem tin, mua tin thay đổi, trao đổi thông tin, phản hồi thông tin sẽ khác).
Thứ 2, sự bùng nổ thông tin trên internet với tốc độ nhanh nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng tạo ra sự sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến địa vị của báo chí chính thống.
Thứ 3, trong bối cảnh bùng nổ thông tin đó, dường như lằn ranh giữa truyền thông xã hội và báo chí truyền thống không còn, dẫn đến một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả hẳn sang dùng thông tin trên mạng.
Thứ 4, việc tham gia không giới hạn các loại hình truyền thông xã hội đã dát mỏng miếng bánh kinh tế báo chí đẩy các tờ báo truyền thống thêm khó khăn. Một thống kê đáng suy ngẫm là trong một năm qua, con số sạp báo tại Hà Nội và TP HCM đều đã giảm hơn một nữa. Và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phi Thường băn khoăn trong dự thảo không quy định về đối tượng này.
“Có ý kiến cho rằng chúng ta mới tập trung túm “ông có tóc” còn ông “trọc đầu” thì chưa. Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản rồi, điều mà xã hội quan tâm nhất là phần “ quản” ông trọc đầu - (phần bức bối mà cả Luật Báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được)”- đại biểu Thường ví von.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, quy định như vậy mới tạo sự bình đẳng, môi trường lành mạnh để báo chí phát triển.
“Kinh nghiệm cho thấy khi có vụ việc nào đó thì trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng, dừng, chưa đưa thì truyền thông xã hội lại cày xới thỏa sức. Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn đủ kiên nhẫn để chờ đọc. Lâu dần báo chí mất bạn đọc, không chỉ làm báo chí sa sút, suy yếu mà còn làm cho tác dụng tuyên truyền của báo chí giảm sút...”- đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những băn khoăn của đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải đáp. Nếu quy định trong Luật báo chí, chúng ta vô hình chung đã thừa nhận báo chí tư nhân. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quản lý chặt chẽ việc này. Trong tương lai, có thể sẽ nâng Nghị định 72 lên thành Luật để quản lý.
Vi phạm bản quyền, “người làm thật ăn giả, kẻ làm giả ăn thật”
Một vấn đề khác mà đại biểu Nguyễn Phi Thường rất quan tâm đó là tình trạng vi phạm bản quyền, xào xáo, copy bài viết từ báo chí về trang tin tổng hợp.
“Thực tế là mặc dù có hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, nhưng khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hầu như là không thể. Luật Sở hữu trí tuệ là quá rộng và các cơ quan báo chí hiện tại chỉ có thể dựa vào ... ý thức tự giác là chính
Mặt khác, với một tờ báo điện tử cỡ trung bình thì một ngày xuất bản khoảng 300 tin, bài. Vậy quỹ thời gian để tiền kiểm, hậu kiểm rồi xử lý khiếu nại... là việc vô cùng khó khăn”- ĐB Thường nói.
Từ đó, đại biểu Thường lý giải vì sao tình trạng đạo tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là các đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất, nhưng một số các cơ quan báo chí cũng chạy theo trào lưu này làm “hiện tượng” lại trở thành “phổ biến”.
Một nguyên nhân khác, theo đại biểu Thường, là sự tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp (một loại hình truyền thông dị dạng) với điều kiện để được cấp phép là “được phép sao chép lại ít nhất 5 cơ quan báo chí”. Mà các trang điện tử này, do luật không cho phép tự làm nội dung, nên họ sẽ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở của các trang báo chí khác, chứ họ không thể tồn tại chỉ với nội dung từ 5 tờ báo.
“Vì số lượng loại website này quá nhiều, nên khả năng ngăn chặn là rất khó. Thực tế là loại trang tin này đã ‘ký sinh trên cơ thể báo chí’ để gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình trong khi họ không phải mất chút nào mồ hôi, công sức, tiền bạc”- Đại biểu Thường bức xúc.
Ông Thường cung cấp thêm, theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1600 trang tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần số các cơ quan báo chí điện tử và gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng “người làm thật thì ăn giả”, kẻ làm giả thì ăn thật. Trên thực tế với tốc độ cóp nhặt siêu tốc việc kiểm soát nội dung trên các trang tin này hết sức khó khăn, thế mới có chuyện sáng “đưa”, trưa “rút”... Báo chí đã yếu lại bị các loại tầm gửi hút hết dưỡng chất.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, dự thảo Luật lần này nên tính đến việc xóa bỏ khái niệm “ trang tin điện tử tổng hợp” và nhóm chúng về loại hình Website đơn thuần. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Như vậy chúng ta mới tạo môi trường lành mạnh để báo chí phát triển bình đẳng, để những cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|