Cần dứt điểm!

09/09/2015 10:31

(Baonghean) - Hơn 8 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động, nhưng đến nay, việc xóa bỏ các phương tiện này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tình trạng trên, ngày 26/8/2015, UBND tỉnh có Công văn số 5950 về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm xe công nông, xe cơ giới tự chế trên địa bàn tỉnh…

Đến nay, người dân huyện Diễn Châu vẫn chưa thể quên được vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 14/7, tại xã Diễn Đoài. Hôm đó, chiếc xe công nông vào rừng chở keo thì bị lật khiến 10 người bị thương. Trước đó, vào ngày 16/6, trên QL1A đoạn qua địa bàn xã Diễn Thịnh cũng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa một xe công nông với xe ô tô 4 chỗ. Nguyên nhân được xác định là do xe công nông chở vật liệu cồng kềnh, khi vượt lên không làm chủ được tốc độ, gãy tay lái khiến xe lật ngửa giữa đường.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đã tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các loại phương tiện bị đình chỉ. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ giải quyết "phần ngọn" của vấn đề. Theo Trung tá Lê Thanh Nghị, Phó phòng CSGT tỉnh thì việc phát hiện và xử lý các xe cộng nông, xe cơ giới tự chế thuộc diện bị đình chỉ lưu hành còn gặp nhiều khó khăn. Các xe này chủ yếu hoạt động tại các tuyến đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng quá mỏng, trong khi người dân thường chọn những giờ nghỉ để chạy nên rất khó để phát hiện và xử lý. Vì thế, nhiệm vụ xử lý chủ yếu được giao về cho các đội CSGT ở các huyện. Thiếu tá Đào Hồng Nguyên, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Nam Đàn) cho biết, trong 2 năm (2013 - 2014), lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 11 trường hợp và tịch thu 11 phương tiện, trong đó chủ yếu là xe công nông đầu dọc tự chế. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyên thì việc xử lý xe công nông còn chưa đạt hiệu quả cao là do sự phối hợp của các ngành còn hạn chế, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, có trường hợp khi bị tịch thu phương tiện còn cản trở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Xe công nông ngang nhiên lưu hành trên Quốc lộ 46.  (Ảnh chụp tại địa phận xã Nam Lĩnh, Nam Đàn)
Xe công nông ngang nhiên lưu hành trên Quốc lộ 46. (Ảnh chụp tại địa phận xã Nam Lĩnh, Nam Đàn)

Thực tế cho thấy, hầu hết số xe công nông đang lưu thông trên địa bàn tỉnh đều do các cơ sở cơ khí sử dụng đầu máy nông nghiệp và chế thêm phần thùng. Những phương tiện này không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, ít được sửa chữa, không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Hầu hết các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế đang hoạt động là nơi tập hợp rất nhiều cái "không": Không đăng ký, đăng kiểm; không có giấy phép; không đèn sáng; không còi. Còn tài xế thì không có bằng lái và phần lớn đều "mù" Luật Giao thông đường bộ. Chính vì vậy, các phương tiện này được xem là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua. Sau khi Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc cấm xe công nông, xe cơ giới được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm rà soát, vận động người dân chấp hành nghiêm túc. Theo đó, đã ban hành Quyết định về phạm vi, thời gian hoạt động, cấm xe công nông lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ và có thông báo chỉ được phép lưu hành trên đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm giải quyết khó khăn cho người dân có phương tiện thuộc diện bị đình chỉ lưu hành theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548 ngày 29/4/2009 về việc hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới tự chế 3,4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. UBND tỉnh đã hỗ trợ 9.036 phương tiện với số tiền gần 51.692 tỷ đồng, để các chủ phương tiện thay thế hoặc chuyển đổi.

Theo số liệu từ Ban ATGT tỉnh đến năm 2012 , một số huyện như Anh Sơn, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông cơ bản đã xóa bỏ hết xe công nông, xe cơ giới tự chế. Trong khi đó, đối với một số huyện thì số lượng xe công nông vẫn còn nhiều. Cụ thể như Nam Đàn còn 101 chiếc, chủ yếu là xe công nông đầu dọc; Diễn Châu còn khoảng 50 chiếc xe tự chế, tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kỷ. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại số lượng xe công nông, xe cơ giới tự chế trên địa bàn theo yêu cầu của UBND tỉnh. Ông Lê Văn Sỹ, Phó phòng Công Thương huyện Nam Đàn cho biết: “Đối với đầu máy nông nghiệp thì trên địa bàn huyện năm 2013 có 207 chiếc và không loại trừ việc người dân lắp thêm thùng phía sau để vận chuyển hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng. Do các máy này đều có giấy tờ hợp lệ, là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình nên trong giải quyết có phần chưa quyết liệt”.

Đặc biệt, tại Thành phố Vinh và huyện Quỳ Châu hiện vẫn còn khoảng 89 chủ phương tiện xe công nông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi của Nhà nước. Nguyên nhân là việc hoàn thiện hồ sơ và trình lện các cấp có thẩm quyền chậm. Vì vậy, nhiều người dân vẫn đang sử dụng xe công nông mà chưa thanh lý, hủy bỏ. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND Thành phố Vinh giao cho phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính lập hồ sơ theo quy định và tham mưu cho UBND xem xét bố trí ngân sách thành phố để hỗ trợ chuyển đối. Ngay từ thời điểm này thì các phương tiện này không được lưu thông trên các tuyến đường. Khi phát hiện thì lực lượng Công an sẽ tịch thu và tổ chức thanh lý, hủy bỏ công khai theo quy định. UBND thành phố cũng giao trách nhiệm cho các đồng chí Chủ tịch UBND phường, Trưởng Công an phường, xã nếu để xe công nông, xe cơ giới tự chế lưu hành trái phép thì phải chịu trách nhiệm.

Trước tình trạng trên, ngày 26/8/2015, UBND tỉnh có Công văn số 5950 về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm xe công nông, xe cơ giới tự chế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Công an tỉnh tham mưu thành lập đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy đối với xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh lưu hành trên địa bàn. Đối với các địa phương, UBND tỉnh đề nghị rà soát, lập danh sách và thông báo cho các chủ phương tiện phải thực hiện ngay việc thanh lý, hủy bỏ triệt để xe công nông, xe cơ giới tự chế đang hoạt động trước ngày 30/9. Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Những năm trước đây, qua kiểm tra đã phát hiện có nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp xe công nông, xe cơ giới tự chế. Mặc dù đoàn đã đề nghị huyện vận động, tuyên truyền chủ xưởng chấp hành việc đình chỉ hoạt động, nhưng nhiều cơ sở chưa thực hiện nghiêm. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các địa phương và lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. Lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý chưa nghiêm, còn cả nể nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, ban đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giải quyết dứt điểm tình trạng xe công nông, xe cơ giới tự chế lưu hành trên đường.

Có thể thấy để giải quyết tận gốc nguy cơ tiềm ẩn TNGT từ xe công nông, xe tự chế, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Trong đó, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp đã nhận tiền mà không thực hiện chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề. Ngoài ra, cần có sự phối hợp tích cực từ chính quyền các xã, phường, MTTQ, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân cũng như các chủ phương tiện về những quy định của Luật Giao thông đường bộ, không được phép tham gia lưu thông trên quốc lộ... mới mong hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra từ các loại xe này.

Phạm Bằng