Cứu sống nạn nhân bị đâm xuyên thắt lưng qua hậu môn

03/12/2015 07:42

Một ca tai nạn lao động hi hữu vừa được các bác sĩ BVĐK Saint Paul (Hà Nội) cứu sống. Bệnh nhân bị thanh sắt dài 2m, đường kính 20mm đâm xuyên từ vùng thắt lưng L4 xuống tầng sinh môn, qua lỗ hậu môn.

Ca bệnh chưa từng gặp

BS Phạm Văn Khiết, BVĐK Saint Paul cho biết, bệnh nhân là nam, 34 tuổi, quê tại Thanh Hóa, hiện đang là công nhân lao động ở Hà Nội. Khoảng 19h ngày 30/11/2015, bệnh nhân được xe cứu thương 115 đưa đến cấp cứu tại BVĐK Saint Paul trong tình trạng sốc do đau, có một thanh sắt dài khoảng 2m, đường kính 20mm đâm xuyên từ vùng thắt lưng L4 xuống tầng sinh môn, qua lỗ hậu môn.

Trước đó, theo kể lại, nam thanh niên này đang ngồi dưới tầng một của công trình xây dựng thì bị một thanh sắt rơi từ tầng 4 xuống gây chấn thương nặng. Sau vụ tai nạn hi hữu này, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, tiếp đó được đưa đi cấp cứu tại BVĐK Saint Paul.

Theo BS. Khiết, qua thăm khám ban đầu, bệnh nhân không có dấu hiệu liệt hai chi dưới, không có dấu hiệu tổn thương mạch máu. Kết quả hình ảnh chụp X-quang thấy rõ hình ảnh dị vật đâm xuyên từ thắt lưng xuống tầng sinh môn. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đi mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật đã làm việc tích cực, khẩn trương sau hơn 3 giờ đồng hồ phẫu thuật đã cứu sống bệnh nhân.

Hình ảnh X-quang cho thấy rõ, thanh sắt đâm xuyên từ thắt lưng xuống tầng sinh môn bệnh nhân.
Hình ảnh X-quang cho thấy rõ, thanh sắt đâm xuyên từ thắt lưng xuống tầng sinh môn bệnh nhân.

BS. Nguyễn Tất Thắng, người trực tiếp phẫu thuật cho ca bệnh này cho biết: “Đây là ca bệnh chưa từng gặp. Chúng tôi đã tiến hành mổ thành sau xương cùng lấy dị vật, khâu vết thương trực tràng và làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Cuộc mổ kéo dài, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhân luôn trong tư thế nằm sấp. Đó là chưa nói đến vết thương rất phức tạp, tổn thương rộng, chúng tôi nghi ngờ tổn thương nhiều tạng trên cơ thể bệnh nhân. Với tổn thương nặng nề chưa từng gặp như vậy, chúng tôi tiên lượng bệnh nhân khó qua khỏi, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên với hi vọng cứu sống người bệnh, “còn nước còn tát”, dưới sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo BV, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn khẩn trương 5 chuyên khoa gồm: cột sống, tiêu hóa, tiết niệu, mạch máu, thần kinh đưa ra giải pháp tối ưu cứu sống bệnh nhân”.

Thách thức trong gây mê hồi sức

Theo BS gây mê Trần Nguyễn Nhật, bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng shock do đau và do mất máu. Lúc này tâm lý bệnh nhân vẫn hoảng loạn do đau, không hợp tác với bác sĩ.

Kíp gây mê tiến hành gây mê cho bệnh nhân.
Kíp gây mê tiến hành gây mê cho bệnh nhân.

"Tư thế bệnh nhân nằm sấp rất khó khăn cho chuẩn bị gây mê và hồi sức trong mổ. Gây mê nằm sấp thực sự là một thách thức với người bác sĩ gây mê. Trong khi đó, bệnh nhân này được xác định mới ăn (dạ dày đầy), nằm sấp trong quá trình gây mê có thể nôn trào ngược vào đường thở, cho nên đòi hỏi kíp mổ phải thảo luận và suy tính kỹ. Các bác sĩ đã rất khẩn trương chuẩn bị nhân lực toàn ê kíp. Chuẩn bị phương án Gây mê hồi sức tối đa cho mọi tình huống có thể xảy ra. Lập 2 ven ngoại vi cỡ lớp G16. Xét nghiệm máu và chế phẩm máu cùng nhóm ngay lập tức. Kíp quyết định tiền mê, giảm đau tốt, ngủ sâu, bù dịch và keo tích cực... Quyết định đặt nội khí quản trong tư thế sấp gần như hoàn toàn. Do chuẩn bị tối đa nên quá trình gây mê diễn ra thuận lợi. Khi bệnh nhân đã ổn định, các bác sĩ tiến hành làm thêm ven lớn và hồi sức tích cực trong mổ”- BS. Nhật cho biết thêm.

Điều đáng nói, quá trình phẫu thuật kiểm soát tốt nên gây mê hồi sức bệnh nhân cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Sau thời gian phẫu thuật do bệnh nhân có những tổn thương phức tạp và trong tình trạng còn nhiều nguy cơ nên đã được chuyển về khoa Hồi sức ngoại theo dõi tích cực sau mổ. Bệnh nhân sau mổ đã được rút ống nội khí quản, phục hồi rất nhanh và tiến triển ngoại khoa tốt.

Từ ca bệnh này, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần hết sức chú ý đảm bảo an toàn khi lao động để tránh những tai nạn đáng tiếc, nguy hiểm đến tính mạng xảy ra.

Theo SKĐS

TIN LIÊN QUAN