Cần thêm nguồn lực cho bậc học mầm non
(Baonghean) - Cơ sở vật chất bậc mầm non đã được đầu tư trong một thời gian dài, trong khi đó nhu cầu học tập của con em ngày càng cao đã gây áp lực rất lớn cho các trường học trong việc tiếp nhận cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc học này.
Thiếu và yếu
Trường Mầm non Cửa Nam (Thành phố Vinh) không nằm ở khu vực trung tâm, nhưng mấy năm nay cũng chịu áp lực trong công tác tuyển sinh. Mặc dù trường 2 tầng, nhưng hiện tại nhà trường đang nằm chung trong khuôn viên nhà văn hóa phường với diện tích sử dụng chỉ có 650 m2, không có sân chơi cho trẻ. Với điều kiện như vậy, nhà trường chỉ bố trí 7 nhóm lớp, còn 2 nhóm lớp được bố trí học tại nhà văn hóa khối 13 và khối 14. Hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán chung một phòng làm việc chật chội. Các phòng chức năng như y tế, âm nhạc, phòng tuyền thống, giáo dục thể chất đều không có... Do trường được xây dựng năm 2002, nay đã xuống cấp, các phòng học không có hành lang sau, hành lang trước chật chội, thiếu ánh sáng.
Thêm vào đó, công trình vệ sinh, theo quy định 10 cháu có 1 bệ vệ sinh nhưng hiện ở trường cứ 40 - 45 cháu thì có 2 bệ vệ sinh. Mặt khác, do nằm chung trong khuôn viên nhà văn hóa phường, thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động của phường, ảnh hưởng rất lớn đến dạy học và sinh hoạt của cô và trẻ. Theo cô Nguyễn Thị Thoa, Hiệu trưởng trường, do cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu, cho nên hiện tại nhà trường chỉ đáp ứng việc tiếp nhận khoảng 360 cháu, với mỗi nhóm lớp có 30 - 38 cháu tuổi nhà trẻ và 40 - 45 cháu tuổi mầm non nhưng cũng đã quá tải rồi. Trong khi đó nhu cầu học của con em trong phường rất lớn. Kết quả điều tra phổ cập hàng năm, trên địa bàn phường có khoảng trên 1.300 cháu trong độ tuổi mầm non, thì có khoảng 450 cháu học ở các trường mầm non dân lập, tư thục và nhóm trẻ gia đình.
Nơi rửa tay của trẻ ở Trường Mầm non xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). |
Không chỉ riêng Trường Mầm non Cửa Nam mà nhìn chung ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố đều chung tình cảnh “quá tải”, dẫn đến có một số trường như Hà Huy Tập, Lê Mao... phải tiến hành bốc thăm khi thực hiện tuyển sinh mới. Bà Lê Thị Phương, Phó phòng mầm non, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, cho biết: Hiện tại, toàn thành phố có 28 trường mầm non công lập và 27 trường dân lập, tư thục. Xét về hệ thống trường là khá lớn, tuy nhiên, bất cập hiện nay là hầu hết các trường công lập có quy mô nhỏ, chỉ có 3 - 4 trường đảm bảo về quy mô nhóm lớp theo quy định là từ 18 - 20 nhóm lớp, còn lại phần đa chỉ có 9 - 15 nhóm lớp.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay là do hạn chế về diện tích, trong khi đó một số trường do thiết kế xây dựng ban đầu chỉ 2 tầng nên muốn nâng cấp không thực hiện được; mặt khác theo quy định thì trường mầm non cũng chỉ xây dựng tối đa 3 tầng. Cho nên, một số trường mầm non cơ sở vật chất hết sức hạn chế, khuôn viên chật chội, không có phòng chức năng, nhà vệ sinh không đảm bảo. Cá biệt có 2 phường, gồm Lê Lợi và Hưng Phúc, hiện chưa có trường mầm non công lập, các gia đình đang phải gửi con cháu đi học nhờ ở các phường lân cận hoặc trường tư thục. Hiện tại, tỷ lệ huy động các cháu nhà trẻ đạt 27,8% và mẫu giáo là 91,4% (trong khi đó nhu cầu là 100%).
Giáo viên Trường Mầm non Cửa Nam (TP. Vinh) trang trí lại phòng học chuẩn bị cho năm học mới. |
Vấn đề cơ sở vật chất bậc học mầm non thiếu và yếu không chỉ xảy ra ở địa bàn Thành phố Vinh, nơi tập trung đông dân cư, quỹ đất hạn chế mà nó còn rơi vào ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Xã Giang Sơn (Đô Lương), năm 2007 được tách thành hai xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây. Theo đó, trường mầm non cũng được cho tách làm hai. Trường Mầm non Giang Sơn Tây được xây dựng năm 2009, là một dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng học kiên cố và 1 phòng học tạm, 1 phòng văn phòng từ nhà của hợp tác xã để lại. Trường có một nhà bếp, vẻn vẹn 20 m2 phục vụ việc nấu ăn bán trú cho trẻ. Trường có nhiều “không”: không có phòng chức năng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó, y tế, thư viện, kế toán, bảo vệ, phòng kho, nhà vệ sinh trong từng lớp học (chỉ có 1 nhà vệ sinh chung cho toàn trường)...
Cô Thái Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Giang Sơn Tây, cho biết: Do cơ sở vật chất hạn chế, cho nên, trong tổng số 407 cháu độ tuổi mầm non, nhà trường chỉ tiếp nhận được 250 cháu, trong đó ưu tiên các cháu nhóm 4 - 5 tuổi, chia ở 9 nhóm lớp, trong đó có 6 nhóm tại điểm trường và 3 nhóm lớp học tại các nhà văn hóa xóm. Còn nhóm nhà trẻ, nhà trường tập trung tuyên truyền để phụ huynh chia sẻ khó khăn cùng với nhà trường. Ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đô Lương, cho biết, những năm qua, huyện và các địa phương đã có những nỗ lực trong xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non, song thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường như mầm non Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Trù Sơn chưa đủ phòng học, đang phải mượn nhà văn hóa các xóm để tổ chức dạy học. Các trường mầm non Thuận Sơn, Trung Sơn, Đặng Sơn, Yên Sơn, Minh Sơn cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho hoạt động giáo dục. Một số trường đã đạt chuẩn trước đây 5 năm, nay cơ sở vật chất nhà cấp 4 đã xuống cấp...
Cần thêm nguồn lực cho bậc học mầm non
Xét trên bình diện chung cả tỉnh, có thể nói, cơ sở vật chất bậc học mầm non đang còn yếu nhất so với các bậc học khác. Nhất là các địa bàn Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, số phòng học tạm tương đối lớn, có lớp ghép 2 - 3 lứa tuổi. Công tác xã hội hóa còn gặp khó khăn, ngân sách đầu tư cho bậc học này chưa đáp ứng nhu cầu. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 53,6% phòng học mầm non kiên cố và số phòng học tạm còn nhiều với 346 phòng, trong đó phòng học cho trẻ 5 tuổi là 100 phòng. Nguyên nhân do một thời gian dài, bậc mầm non không được quan tâm đưa vào hệ thống bậc giáo dục phổ thông công lập của Việt Nam nên việc đầu tư cũng hạn chế, thiếu nền tảng (bậc học đi sau), dẫn đến có những khó khăn trong quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học.
Để đưa giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh phát triển theo đúng yêu cầu, đóng vai trò là vị trí bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND-VX về phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, mục tiêu được đưa ra, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trước năm 2015. Nâng tỷ lệ huy động cháu trong độ tuổi nhà trẻ đến trường lên 25% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Số trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 95% vào năm 2020, trong đó huy động 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Phấn đấu nâng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia lên 55% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Theo đó, ở mỗi địa phương cũng đã đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển bậc học này. Đơn cử như huyện Đô Lương đã ban hành các Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2015; Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011- 2015, trong đó có bậc mầm non. Đồng thời quan tâm quy hoạch đất cho giáo dục mầm non, bình quân tối thiểu 15m2/trẻ (có nhiều đơn vị 20 m2/trẻ). HĐND huyện đã có nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với tranh thủ các nguồn lực từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học, các dự án và huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng trường, lớp học. Số điểm trường lẻ tại các trường mầm non, từ 5-7 điểm lẻ (có nhiều trường hầu hết mượn nhà văn hóa xóm để dạy), đến nay, phần lớn chỉ còn 2 điểm/trường, có nhiều trường đã tập trung về 1 điểm trường (từ 107 điểm trường năm 2010 nay còn 67 điểm). Toàn huyện đã xây dựng hơn 150 phòng học kiên cố với số tiền đầu tư là gần 80 tỷ đồng, chủ yếu ngân sách xã, thị trấn và nhân dân đóng góp. Chính vì vậy, cơ sở vật chất các trường học mầm non từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên so với yêu cầu, cơ sở vật chất nhìn chung ở các trường mầm non chưa thể đáp ứng. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo, cho rằng, song song với kiến nghị của Sở đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo để tiếp tục phân bổ nguồn cho đề án phổ cập trẻ 5 tuổi nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho trường mầm non thì kiến nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường dân lập, tư thục nhằm giảm tải cho trường công lập. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo diện tích phòng học, tu bổ, sửa chữa khắc phục sự xuống cấp, hư hỏng của các nhà vệ sinh hiện nay trong các trường học.
Để giáo dục mầm non thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ..., thì cần phải có cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Muốn làm được điều này, bên cạnh ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ thì ở bậc học này cần được thực hiện xã hội hóa nhiều hơn, mạnh hơn để sớm khắc phục các tồn tại, bất cập về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các trẻ đều có quyền được đến lớp và thụ hưởng một môi trường giáo dục toàn diện ở bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mai Hoa