Người tâm huyết với thương hiệu "cam Vinh"
(Baonghean) - Trên miền đất đỏ bazan Phủ Quỳ phì nhiêu đầy nắng gió trước nay được biết đến nhiều từ trồng mía, cao su, cà phê… Nhưng nay có một người đã âm thầm tạo dựng nên thương hiệu “cam Vinh”. Ông là Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành.
Tôi “diện kiến” ông vào một ngày đỉnh nắng, gió Lào rát bỏng. Lúc ấy ông đang xuống tận từng lô cam để chỉ đạo công nhân bơm tưới, kiểm tra sâu bệnh. Ông như bị hút vào niềm vui khi nhìn thấy từng lô cam “vượt hạn” quả sai lúc lỉu, không lâu nữa sẽ lại có một mùa cam bội thu...
Trò chuyện, Giám đốc Hoàng Minh nhớ lại: Năm 1979, đang học dở Trường Trung cấp nghiệp vụ quản lý Xuân Mai của Bộ Nông nghiệp, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến trường phía Bắc. Năm 1983 ông xuất ngũ, trở lại trường học tiếp rồi về làm việc tại Nông trường quốc doanh 3/2. Năm 1985, sau khi chia tách thành 2 nông trường, ông Minh về làm việc tại Nông trường Xuân Thành, rồi từ phòng kế hoạch lên làm Đội trưởng sản xuất, Chủ tịch công đoàn, Phó Giám đốc Nông trường và năm 2000 ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Nông trường. Lúc bấy giờ, nông trường gặp nhiều khó khăn, nợ bảo hiểm xã hội gần 600 triệu đồng, nợ các ngân hàng trên 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh. Ảnh: V.T |
Để “chèo lái” đơn vị vượt khó khăn, ngày một phát triển, ông Hoàng Minh đã cùng tập thể lãnh đạo nông trường bàn bạc, tìm giải pháp tối ưu nhất: Trước tiên phải giải quyết được các chính sách cho người lao động, để người lao động có niềm tin, yên tâm sản xuất, gắn bó với nông trường. Ông đã phải vận động vay 300.000 đồng/cán bộ, CNV trong công ty để trả dứt điểm số tiền nợ BHXH. Vì vậy quyền lợi của người lao động được bảo đảm, nhất là giải quyết được chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản của người lao động lâu nay tồn đọng… Tiếp đến là mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm tiền để trả nợ các khoản vay ngân hàng. Giai đoạn những năm 2005, ông Hoàng Minh đã cho đẩy nhanh diện tích trồng mía, do đầu ra cho mía khá ổn định. Nhờ đầu tư trồng mía theo hướng thâm canh, nên năng suất mía đạt cao, bình quân từ 80 - 100 tấn mía/ha, sản lượng mía đạt từ 60.000 - 62.000 tấn mía/năm, với các giống mía mới như Rốc 10, Quế Đường, MI…
Không dừng lại ở đó, ông Hoàng Minh nảy sinh ý tưởng phục hồi lại cây cam, trồng cam để tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Lúc này, một số địa phương vẫn duy trì trồng cam như vùng Xã Đoài, Nghi Diên (Nghi Lộc); Sông Con, An Ngãi (Tân Kỳ); Cờ Đỏ, Đông Hiếu, 1/5, Tây Hiếu (Nghĩa Đàn); nhất là Xuân Thành, 3/2 (Quỳ Hợp). Sau hơn 3 năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “cam Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An, dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhất là Sở Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Nông hóa thổ nhưỡng… ngày 17/11/2010, tại Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, UBND tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả tỉnh Nghệ An.
Theo ông Hoàng Minh, việc xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng, nhưng có quản lý và khai thác, phát triển được chỉ dẫn địa lý thì mới phát huy ý nghĩa, giá trị của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thực tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những người tiêu dùng ưa chuộng cam Vinh có thể mua được quả cam chính hiệu Vinh, với chất lượng đúng là chất lượng cam Vinh. Để đạt được điều đó, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên Hội Sản xuất và kinh doanh cam Vinh.
Sau khi đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả, ông Hoàng Minh thành lập Hiệp hội cam Vinh, xúc tiến đầu tư, tích cực phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Cây ăn quả Xuân Mai áp dụng đưa nhiều giống cam vào sản xuất như các loại cam V2, cam Xã Đoài chín muộn, cam Mát, quýt PQ… Năm 2010, mới chỉ có trên 230 ha cam, hiện nay công ty đã có trên 700 ha. Điều đặc biệt là khi chưa xây dựng được thương hiệu “cam Vinh”, thì thu nhập 1 ha chỉ đạt 20 - 25 triệu đồng, từ khi cam có thương hiệu đã đạt 250 - 300 triệu đồng/ha. Riêng trong năm 2014, công ty có 18 hộ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Công ty còn xây dựng được 2 tuyến đường nhựa nguyên liệu, giai đoạn I đã hoàn thành 5 km, giai đoạn II thi công 5 km đã hoàn thành 80% khối lượng, góp phần thuận lợi cho việc thu mua sản phẩm. Doanh thu của công ty ngày càng tăng cao, năm 2000 đạt 14,5 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 120 tỷ đồng.
Chăm sóc vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Đ.C |
Ông Hoàng Minh chia sẻ: Vùng cam tuy đã có thương hiệu nhưng vẫn phải duy trì bảo đảm được tính ổn định về quy hoạch, chất lượng, tính rải vụ của các loại giống và đầu ra ổn định nhằm tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín bền vững. Sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện Quỳ Hợp vẫn rất cần thiết, nhằm kêu gọi dự án để liên kết đầu tư phát triển vùng cam, xây dựng hệ thống chế biến, bảo quản, nghiên cứu các ứng dụng tiến bộ KHKT để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2000 đến nay, ông Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2011 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2015, ông được cụm thi đua Khối doanh nghiệp nông nghiệp suy tôn đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.
Văn Trường