Chuyển động tích cực trong quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ

11/12/2015 19:07

(Baonghean) - Công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ nói chung, được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và có nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra những chuyển động tích cực.

Những chuyển động tích cực

Phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) có dân số đông, thành phần chủ yếu là cán bộ hưu trí và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ dân trí cao. Cấp ủy phường xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tác phong làm việc hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ.

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy phường, cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ trong ban chấp hành chiếm tới 40% và nữ trong ban thường vụ là 60%. Hiện tại phường có 7 vị trí “chủ chốt” là nữ, gồm phó bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND xã; phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã và các chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc, hội liên hiệp phụ nữ, hội chữ thập đỏ, hội TNXP.

Đại  biểu HĐND tỉnh và huyện Quỳ Châu tìm hiểu đời sống của người dân xã Châu Bính (Quỳ Châu).
Đại biểu HĐND tỉnh và huyện Quỳ Châu tìm hiểu đời sống của người dân xã Châu Bính (Quỳ Châu).

Ở phường Hưng Bình, công tác đánh giá năng lực cán bộ hàng năm được thực hiện dân chủ, khách quan và đúng thực chất. Gắn với đó là mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ nữ theo đúng quy hoạch đã được Ban Thường vụ Thành ủy Vinh phê duyệt.

Điển hình có Bí thư Đảng ủy phường - đồng chí Hoàng Thị Thanh Loan, sinh năm 1981, luôn khẳng định là một cán bộ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Và tại Đại hội Đảng bộ phường, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cán bộ nữ trong ban chấp hành đảng bộ cũng chiếm tỷ lệ gần 27%.

Theo đồng chí Ngô Thị Hường - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vinh: Thành ủy Vinh luôn đưa ra chỉ tiêu “cứng”, nhất thiết phải có cán bộ nữ trong ban thường vụ và phấn đấu có 20% tỷ lệ nữ trong Ban chấp hành Thành ủy và cơ sở. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở của thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt gần 28%; tỷ lệ nữ trong ban thường vụ cơ sở là 21,48%. Riêng năm 2015, thành phố đã bổ nhiệm 23 cán bộ nữ làm quản lý các cấp, chiếm 56,1% tổng số cán bộ được bổ nhiệm.

Cán bộ nữ tỉnh và huyện luôn luôn sâu sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân Quỳ Châu
Cán bộ nữ tỉnh và huyện luôn luôn sâu sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân Quỳ Châu

Đối với Quỳ Châu, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án số 06/ĐA-HU, ngày 28/10/2011 về đào tạo cán bộ dân tộc ít người, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, giai đoạn 2011 - 2015.

Đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho rằng: Song song với đào tạo, bồi dưỡng, cấp ủy các cấp cũng đã quan tâm bố trí, đề bạt, tạo môi trường để cán bộ nữ tham gia vào các vị trí chủ chốt ở các xã, thị trấn; trưởng, phó các phòng, ban, ngành cấp huyện. Đây là điều kiện đảm bảo cho Đại hội Đảng bộ huyện và cấp cơ sở ở Quỳ Châu hoàn thành đảm bảo tốt cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và cơ sở, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đều vượt chỉ tiêu quy định.

Cụ thể, Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu, khoá XXV đã bầu 11/37 đồng chí nữ vào ban chấp hành, chiếm 29,7%, trong đó có 2 cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, chiếm 18,18%. Ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ bình quân trong ban chấp hành chiếm 21,67%.

Thời gian qua, công tác cán bộ nữ đã có nhiều chuyển động tích cực. Minh chứng rõ nhất là thông qua Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp trên cơ sở đạt bình quân 16,6%, tăng 1,5% so với nhiệm kỳ trước; cấp cơ sở đạt 18,94%, tăng gần 3% so với nhiệm kỳ trước và tỷ lệ nữ tham gia vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 tăng 3,7% so với nhiệm kỳ trước.

Một số vấn đề đặt ra

Có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù về mặt chủ trương, quan điểm và các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở đều rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tuy nhiên thái độ chỉ đạo của một số cấp ủy còn thiếu kiên quyết và để nói thực sự quan tâm thì chưa nhiều. Minh chứng rõ nhất là ở một số cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh, tỷ lệ nữ vẫn đang ở dưới mức “sàn” phấn đấu theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đạt 15%

Đồng chí Lê Thị Hoài Nam - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: Trong thực tiễn, khi khuyết một vị trí cán bộ, cân nhắc giữa 1 bên là nam, 1 bên là nữ thì tâm lý của một số cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu vẫn muốn chọn cán bộ nam hơn, mặc dù năng lực, ý thức, trách nhiệm của cán bộ nữ không thua kém. Ở một số nơi, công tác cán bộ nữ chỉ là giải pháp tình thế khi yêu cầu bắt buộc, chứ chưa thật sự quan tâm chủ động có tính dài hơi, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho cán bộ nữ và mạnh dạn đề bạt, bố trí, sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng chưa cố gắng vươn lên nguyên nhân do tự ti cũng có, ngại va chạm cũng có, muốn an phận chăm lo gia đình cũng có. Dẫn đến nguồn cán bộ nữ để cho các cấp ủy bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và sử dụng ít hơn nam giới, mặc dù số cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan đảng, chính quyền đang ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ đáng kể..

Đặc biệt tại nhiều cơ quan, đơn vị có trên 30% lao động nữ nhưng vẫn không bố trí cán bộ nữ tham gia vào ban lãnh đạo theo quy định, gồm Sở Y tế với 67% cán bộ, công chức, viên chức nữ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 59%; Sở Ngoại vụ có 54,54%; Sở Thông tin - Truyền thông 53%...

Mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X); Quyết định 2351/QĐ-TTg, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011 - 2020, đề ra: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Vấn đề này đang đặt ra trách nhiệm cho các cấp ủy và từng ngành, đơn vị, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN