Phát huy dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Nghệ An
(Baonghean) - Thời gian vừa qua, Nghệ An có nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư của nhiều quốc gia đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nhiều dự án của các nhà đầu tư từ Hàn Quốc đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đất nước Hàn Quốc có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam. Chính vì vậy, khi có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào Nghệ An đầu tư đã nhanh chóng hội nhập, phát huy hiệu quả của các dự án. Trong số các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nghệ An, các nhà máy dệt may và lắp ráp điện tử phát huy hiệu quả rõ nhất.
Sản xuất hàng điện tử ở Công ty BSE, Khu kinh tế Đông Nam. |
Tọa lạc ở Khu kinh tế Đông Nam, Nhà máy lắp ráp điện tử của Công ty TNHH BSE Việt Nam, quy mô 250 triệu sản phẩm/năm, hiện đang tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Còn ở Hưng Thịnh (TP. Vinh), nhà máy của Chi nhánh Công ty TNHH Emtech Việt Nam hiện đã có 3.100 lao động và đang tiếp tục tuyển thêm lao động để sản xuất các sản phẩm loa điện thoại di động. Ông Kim Jong Gun, Giám đốc điều hành chi nhánh Emtech (TP Vinh) cho biết: “Chúng tôi về Nghệ An mở nhà máy là bởi ở đây dồi dào nguồn lao động, nhà máy nằm trên đường tránh Vinh, giao thông đi lại thuận lợi. Công nhân sau khi được tuyển còn phải đào tạo thêm 2 tháng nữa mới làm được việc, thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người. Chúng tôi vào đầu tư, được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà máy hoạt động ổn định”.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12 dự án đầu tư của Hàn Quốc còn hiệu lực với vốn đăng ký 60,97 triệu USD, sử dụng trên 10.000 lao động địa phương như: Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam do Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam thành lập tại KCN Nam Cấm, tỉnh Nghệ An, tổng mức đầu tư 30 triệu USD, quy mô 250 triệu sản phẩm/năm; Dự án sản xuất loa điện thoại di động và các linh kiện điện tử khác, Chi nhánh Công ty TNHH Emtech Việt Nam tại Hưng Thịnh (TP. Vinh, Nghệ An), quy mô 96 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 3 triệu USD; Dự án trồng và xuất khẩu chuối của Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam có quy mô 200 ha được thực hiện tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành; Trung tâm Marketing và tư vấn đầu tư Việt Hàn, do các nhà đầu tư cá nhân (ông Nguyễn Quang Huy và Ông Choi II Jung) thực hiện, trụ sở tại tầng 2, Khách sạn Phương Đông (Thành phố Vinh). Ngoài ra còn có dự án Khu vui chơi, dịch vụ giải trí trên biển Cửa Lò, quy mô 150.000 lượt khách/năm; tổng mức đầu tư 0,25 triệu USD (đang có hiệu lực) và 5 dự án trong lĩnh vực dệt, may xuất khẩu/24,17 triệu USD.
Chuẩn bị hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc của Công ty Strongplus Elevator, Khu công nghiệp Nghi Phú (TP. Vinh). |
Về vốn ODA, Hàn Quốc có 1 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả là Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư với tổng mức đầu tư là 7,3 triệu USD. Sau 15 năm đi vào hoạt động, trường trở thành địa chỉ đào tạo nghề uy tín, mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động tỉnh Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung từ 800 - 1.000 sinh viên có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề. 90% sinh viên ra trường có kỹ năng nghiệp vụ vững vàng, tìm kiếm được việc làm. Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc còn tài trợ 62 ngàn USD vốn ODA cho Dự án nhà văn hóa cộng đồng khối Hải Bình, phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò) thông qua tổ chức Seoul International Friendship Organisations (SIFO) và Koreea Association of University Women (KAUW) - Hàn Quốc.v
Trân Châu