Ước vọng bay lên

13/11/2015 08:24

(Baonghean) - Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ IV, năm 2015 do Báo Nghệ An tổ chức đã khép lại. Kết quả cuộc thi năm nay gây nhiều bất ngờ với đông đảo công chúng quan tâm đến lĩnh vực ảnh báo chí tỉnh nhà, bởi không có giải Nhất. Ban tổ chức trao đồng giải Nhì cho hai tác phẩm: “Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi bà mẹ Việt Nam anh hùng” của tác giả Trần Hải và “Cùng bay lên” của tác giả Hồ Đình Chiến.

Nếu như tác giả Trần Hải - phóng viên Báo Nghệ An đã có thâm niên gắn bó và đồng hành cùng giải ảnh của báo nhà, thì với Hồ Đình Chiến, đây lại là năm đầu tiên anh tham dự giải. Trong suốt 1 năm kể từ khi phát động đến khi cuộc thi khép lại, anh đã gửi tổng cộng 21 tác phẩm dự thi. 21 tác phẩm là 21 khoảnh khắc giá trị, phản ánh chân thực cuộc sống với tất cả những chuyển động muôn màu. Và, “Cùng bay lên” là một trong những khoảnh khắc giá trị đặc biệt như thế.

Nhân vật trong bức ảnh là những đứa trẻ ở bản Minh Tiến, xã Lượng Minh (Tương Dương). Những đứa trẻ buổi đến trường, buổi theo mẹ cha gùi ngô trên nương rẫy, nước da đen nhẻm và gầy gò vì thiếu thốn. Tác giả Hồ Đình Chiến xúc động kể lại hoàn cảnh sáng tác của mình: “Bấy giờ là những ngày trung tuần tháng 9/2015, tôi cùng các thành viên của CLB Ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người và CLB Ảnh xứ Nghệ thực hiện chuyến thiện nguyện ở bản Minh Tiến và bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh) - hai bản xa xôi, khó khăn vào bậc nhất của huyện Tương Dương. Chúng tôi mang theo rất nhiều sữa, cùng với sách vở, giấy bút, kẹo bánh, đèn ông sao và bóng bay… để tổ chức ngày hội Trung thu kết hợp trao quà nhân dịp đầu năm học mới. Đường vào bản rất hiểm trở, hết hành trình ô tô, chúng tôi phải chia nhau gồng gánh đồ đạc, đi bộ men theo bờ suối khoảng 2km …”

Cứ mải miết và háo hức thế, đoàn đến được bản Minh Tiến lúc 16h chiều. Bấy giờ, tất cả tập trung ở điểm trường bản Minh Tiến, Trường Tiểu học Lượng Minh - nơi có gần 100 đứa trẻ của bản đã đông đủ chờ đón sẵn. Những đứa trẻ vùng cao đủ mọi lứa tuổi, quần áo cũn cỡn trong tiết trời chiều ngả dần về lạnh, những đôi chân đen nhẻm xỏ trong chiếc dép hoặc chật, hoặc rộng quá cỡ… đang tròn đôi mắt ngơ ngác, có phần rụt rè trước đoàn người xa lạ. Chúng nhìn như không chớp vào phần quà được trao, chúng ngắm nghía chiếc đèn ông sao lấp lánh… Thương lắm những đứa trẻ non cao chưa từng có một Trung thu đúng nghĩa trong ký ức!

Tác giả Hồ Đình Chiến say sưa kể rằng, trong chuyến đi hôm đó, anh và các đồng nghiệp khác của mình đã ghi lại được rất nhiều bức ảnh đẹp, chân thực về trẻ em bản Minh Tiến. Nhưng với cá nhân anh, khoảnh khắc “vàng” đã đến vào những giây phút muộn màng: “17h chiều, trước khi kết thúc chuyến thiện nguyện, các thành viên của đoàn và những đứa trẻ ở bản cùng nhau thổi bóng bay để vui chơi. Khi đã đủ số lượng bóng cần thiết, chúng tôi phát cho các em. Và nếu như có một sự sắp đặt nào đó, thì chỉ có thể là sự sắp đặt diệu kỳ của khoảnh khắc, khi những đứa trẻ đứng kề bên nhau, cùng tung trái bóng và reo lên trong niềm vui tuổi thơ…”. Đúng khoảnh khắc ấy, tác giả Hồ Đình Chiến đã bấm máy. Anh bấm máy liên tục, với ống kính góc rộng, đặt tốc cao để “chống” lại ánh sáng yếu ớt của nền trời sẫm chiều.

“Cùng bay lên” đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. “Cùng bay lên” là một trong số hiếm những tác phẩm mà dù người mới ngắm ảnh lần đầu, hay ngay cả nhà phê bình nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng khó cưỡng lại sức hút từ sự trong trẻo, chân thực, từ giá trị của khoảnh khắc. Ngắm nhìn bức ảnh, không khỏi mỉm cười bởi nhiều nhân vật - đứa trẻ đã… tuột dép trong thời khắc nhảy cẫng lên theo trái bóng. Và lắng lòng một chút, sẽ cảm thấy như nghe được tiếng cười lảnh lót, tiếng động lao xao của những câu chuyện vui tưởng chừng không dứt. Bức ảnh thể hiện ước vọng hướng tới tương lai, mà những quả bóng bay đầy màu sắc kia như chiếc cầu nối nhiệm màu lên bầu trời thăm thẳm. Nếu như trên đời có thực một chiếc máy ảnh ghi lại được vừa hình ảnh, vừa âm thanh, thì có thể nói rằng, bức ảnh “Cùng bay lên” thực sự là một cú bấm đúng lúc và đầy khéo léo.

Bức ảnh là một khoảnh khắc đặc biệt, và đằng sau nó, người cầm máy cũng là một con người đặc biệt. Đặc biệt, bởi như Hồ Đình Chiến tâm sự, anh mới thực sự bước vào con đường nhiếp ảnh độ 1 năm lại nay, sau khi nhận chế độ hưu. Còn trước đây, anh là cán bộ của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Nghệ An. Nhiều người vẫn tấm tắc đầy tiếc nuối, rằng sao Hồ Đình Chiến không đến với nhiếp ảnh sớm hơn, khi niềm đam mê đã luôn chảy trong huyết quản? Hồ Đình Chiến có lý lẽ riêng của mình, còn tôi, tôi nghĩ, với tình yêu chẳng bao giờ là muộn. Khi con người Hồ Đình Chiến đã trải đủ thăng trầm, hỉ nộ của cuộc đời, “lăng kính” của anh - một nghệ sỹ sẽ biết tìm và soi tỏ những gì trong trẻo, nhân văn nhất. Như “Cùng bay lên” - khát khao và ước vọng của những đứa trẻ sơn cước, của anh và của chúng ta.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN