Chủ động phòng chống cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam
Do có đường biên giới dài với Trung Quốc, các hoạt động giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc lại diễn ra nhiều, nên nguy cơ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta rất cao.
Một cửa hàng bán gà ở quận Wan Chai, Hong Kong, Trung Quốc ngày 28/12/2014. |
Ngày 28/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo thông tin ngày 19/10/2015 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban quốc gia Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo thêm hai trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H7N9) tại thành phố Huzhou và Jinhua thuộc tỉnh Chiết Giang.
Theo đó, bệnh nhân nữ 55 tuổi, khởi phát bệnh ngày 18/9/2015 và bệnh nhân nam 53 tuổi, khởi bệnh ngày 21/9/2015. Cả hai bệnh nhân đều tiếp xúc với gia cầm và chợ gia cầm sống. Không có mối liên quan dịch tễ giữa hai bệnh nhân.
Cục Y tế dự phòng khẳng định: Tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H7N9). Tuy nhiên do có đường biên giới dài với Trung Quốc, các hoạt động giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc lại diễn ra nhiều, nên nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta rất cao.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh ở gia cầm và trên người nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập, kịp thời ngăn chặn, tránh lây lan.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, người dân không được ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), kể từ tháng 6/2015, virus cúm A(H7N9) tiếp tục được phát hiện trên gia cầm tại nhiều tỉnh của Trung Quốc và như vậy virus này vẫn tồn tại dai dẳng trên gia cầm.
Nếu vẫn theo mô hình lây nhiễm như các năm trước đây, số trường hợp nhiễm cúm trên người sẽ gia tăng trong những tháng tới. Thêm vào đó, một số trường hợp nhiễm rải rác sẽ được ghi nhận tại các khu vực bị ảnh hưởng hoặc lân cận. Đến nay, toàn cầu ghi nhận 573 trường hợp dương tính với cúm A(H7N9) ở người, trong đó 212 tử vong. Trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) được báo cáo từ Malaysia và Canada đều có tiền sử là đi từ Trung Quốc về.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả hành khách khi đến quốc gia có dịch cúm gia cầm không nên đến các trang trại gia cầm, tránh tiếp xúc với gia cầm tại chợ gia cầm sống hoặc vào khu vực giết mổ gia cầm, tránh tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào bị nhiễm phân của gia cầm hoặc động vật khác.
Du khách nên rửa tay bằng xà phòng và thực hiện biện pháp an toàn thực phẩm. Các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát cúm bao gồm giám sát hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng; rà soát các mô hình bất thường nhằm đảm bảo phát hiện; báo cáo chính xác các trường hợp nhiễm ở người theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005) và tiếp tục có kế hoạch ứng phó cấp quốc gia.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo áp dụng các biện pháp sàng lọc tại cửa khẩu, hạn chế đi lại hoặc giao thương quốc tế. Hành khách khi xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng trong khi du lịch hoặc sau khi trở về từ vùng dịch nên được chẩn đoán nhiễm cúm gia cầm.
Theo Tintuc