Trao truyền vốn cổ

31/08/2015 15:16

(Baonghean) - Một ngày tháng Tám, chúng tôi trở lại Môn Sơn (Con Cuông) trong sắc nắng Thu nhuộm vàng dãy Bù Ông và cánh đồng Mường Qụa. Đồng bào các dân tộc cư trú trên mảnh đất biên cương này đang háo hức hướng về ngày vui Tết Độc lập (2/9). Điều bất ngờ trong lần trở lại này là được chứng kiến nhiều em nhỏ người Thái tự tay chế tác và sử dụng thành thạo một số nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình.

Dừng chân ở bản Cằng, chúng tôi ghé thăm nhà một người quen có năng khiếu và niềm say mê những làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc. Từ xa, những âm thanh, giai điệu vang lên rộn ràng như giục bước chân của khách miền xuôi. Thời điểm này, bà con đang tập trung làm cỏ cho rẫy ngô, rẫy lúa, sao chủ nhà lại có thể “say” với những giai điệu mượt mà?

Bước chân vào sân, rồi thật sự ngỡ ngàng khi thấy mấy em nhỏ, cả trai và gái đang ngồi trước hiên, cùng chăm chú vào việc kéo xi-xờ-lò và thổi pí (những loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái). Qua vẻ mặt và ánh mắt, chúng tôi “đọc” được niềm hứng thú và say mê đang trào dâng trong tâm hồn của những đứa trẻ bản Cằng.

Các em nhỏ ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) chơi nhạc cụ dân tộc.
Các em nhỏ ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) chơi nhạc cụ dân tộc.

Thực ra, mỗi khi đến bản làng người Thái, được thưởng thức những giai điệu mượt mà, đằm thắm và rộn ràng từ các loại nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, khèn bè, pí...) là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng việc những đứa trẻ mới lên 9, lên 10 sử dụng khá thuần thục nhạc cụ xi-xờ-lò và pí nhuôn thì rất hiếm thấy. Thông thường, ở lứa tuổi này các em chỉ mới thuộc những câu hát đồng dao và tập làm quen với nhạc cụ cổ truyền.

Hỏi chuyện Lương Thị Thu Hoài - cô bé sinh năm 2005, chúng tôi vỡ lẽ rằng các em nhỏ ở bản Cằng vừa học xong lớp chế tác và sử dụng nhạc cụ cổ truyền dân tộc Thái. Bước đầu, tập trung vào 2 nhạc cụ chính là xi-xờ-lò và pí. Lớp học do ông Lương Văn Nghiệp - người vừa được Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú làm giảng viên. Qua gần 2 tháng hè miệt mài học tập, từ việc cưa, xẻ cây nứa thành hình, tạo lỗ thoát hơi, làm dây kéo âm... đến việc kéo dây xi-xờ-lò và thổi pí là cả một chặng đường. Ở đó, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và cả niềm đam mê. Lớp học có rất nhiều bạn nhỏ nhưng không một ai bỏ cuộc giữa chừng, tất cả đều theo học đến buổi cuối cùng. Giờ đây, Hoài và các bạn tranh thủ luyện tập để biểu diễn vào dịp mừng Quốc khánh 2/9 năm nay.

Lương Thị Thu Hoài có một lợi thế là cháu nội của nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, nên từ khi lọt lòng đã được lắng nghe những âm thanh, giai điệu mượt mà và những khúc ca sâu lắng ân tình. Những điều ấy đã kết đọng, thấm sâu vào tâm hồn thơ trẻ và trở thành niềm đam mê. Hoài sớm được tham gia các hoạt động văn nghệ, năm 2014 em có mặt trong đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Con Cuông tham dự Liên hoan văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Và tại đây, Hoài được Ban tổ chức trao tặng danh hiệu giọng ca nhỏ tuổi hát dân ca có triển vọng. Vì thế, việc tham gia lớp học chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc và nhanh chóng trong tiếp thu, thuần thục trong các thao tác cũng là điều dễ hiểu. Ngồi cạnh Hoài là Vi Thị Diệu Thúy (SN 2004), cũng được đánh giá là một học viên nhỏ tuổi xuất sắc của lớp chế tác, sử dụng nhạc cụ. Từ nhỏ, Thúy cũng rất thích nghe tiếng khèn, tiếng pí, thích được nghe bà hát ru, hát khắp - lăm - nhuôn. Ngày thường, em thường sang nhà ông Nghiệp chơi với bạn Hoài, với hàng chục loại nhạc cụ đặt ở góc nhà và cảm thấy luôn thích thú. Khi biết tin có tổ chức lớp học, Thúy xin bố mẹ đăng ký tham gia. Chung bản hòa tấu với Hoài và Thúy là cậu bé Lô Thành Đạt (SN 2004), có năng khiếu làm pí và bắt đầu làm quen với chiếc khèn bè, cũng là một học viên của lớp. Hôm nay, 3 bạn rủ nhau luyện tập bản hòa tấu để sắp tới biểu diễn được thuần thục hơn. Những âm thanh rộn ràng, náo nức lại tiếp tục ngân vang, ở đó chúng tôi cảm nhận được niềm thiết tha, tự hào về làng bản, quê hương trong từng giai điệu.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp cho biết: “Lớp học chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc vừa kết thúc, tập hợp được 42 học viên, chủ yếu là học sinh lứa tuổi cấp tiểu học và THCS. Người cao tuổi nhất là 61 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là Lô Văn Huân, 8 tuổi. Nguồn kinh phí do Ban Dân tộc tỉnh và huyện Con Cuông hỗ trợ”. Về tính hiệu quả, theo ông Nghiệp lớp học tổ chức trong thời gian ngắn nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra, đó là tạo niềm say mê và hứng thú, giúp các học viên đạt được những kỹ thuật cơ bản trong chế tác và sử dung một số nhạc cụ dân tộc.

Bản Cằng là đơn vị dẫn đầu trong phong trào văn hóa - văn nghệ và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. CLB Dân ca - Nhạc cụ bản Cằng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận đạt chuẩn mô hình cấp tỉnh. Vì thế, việc phát hiện và bồi dưỡng thế hệ “măng non” làm nguồn kế cận cho mai sau là việc làm cần thiết. Được chứng kiến niềm say mê của các em nhỏ trong cách thể hiện bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc, chúng tôi tin rằng phong trào văn hóa - văn nghệ bản Cằng sẽ tiếp tục có những bước tiến dài.

Tường Anh