Thoái vốn Nhà nước tại 10 DN: Cơ hội để các "ông lớn" bứt lên

18/10/2015 17:55

Với doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước có thể sẽ mất đi lợi thế về ưu đãi chính sách, song đây sẽ là cơ hội vàng để bứt lên.

Chính phủ vừa quyết định thoái toàn bộ vốn cổ phần Nhà nước tại 10 doanh nghiệp (DN) lớn, gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - 45,1%), Tổng Công ty CP Bảo Minh (BMI - 50,7%), Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR - 40,4%), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP - 37,1%), Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP - 38,4%), Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%), Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM - 46,6%), Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC - 49,9%), Công ty CP FPT (FPT - 6%) và Công ty CP Viễn thông FPT (FTC - 50,2%).

1
Chính phủ quyết định thoái hết vốn khỏi Vinamilk

PV: Chính phủ vừa quyết định thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về quyết định này?Trao đổi với phóng viên VOV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, chủ trương Chính phủ thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Với doanh nghiệp, có thể sẽ mất đi lợi thế về ưu đãi, chính sách song đây sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp toàn quyền, chủ động quyết định chiến lược kinh doanh, đầu tư của mình.

Chuyên gia Vũ Chí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Theo tôi, đây là một động thái rất quyết liệt của Chính phủ trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp. Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối cùng phát triển 5 năm nhưng tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Do đó, Chính phủ phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy nhanh tiến trình này là điều hợp lý.

Có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ vọng lấy được 3-4 tỷ USD từ việc thoái vốn, nhưng liệu kỳ vọng đó có được không, bởi nó còn phụ thuộc vào thị trường.

PV: Vậy, để quá trình thoái vốn thu được kết quả tốt nhất chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch, phương án như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Cho đến giờ, Chính phủ chưa đưa ra kế hoạch cụ thể thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Nhưng, chắc chắn Chính phủ đã làm việc với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), bộ, ban, ngành để đi vào kế hoạch chi tiết. Nhưng đâu đó cái chi tiết tổng thể, cụ thể SCIC thoái vốn tại các doanh nghiệp vào thời điểm nào, giá vốn bán ra bao nhiêu, ở thị trường nào cho đến giờ vẫn chưa biết.

Chính phủ mới chỉ đưa ra chủ trương thoái vốn mấy ngày hôm nay. Chính phủ cần cụ thể hóa những chương trình để các thành phần kinh tế, người dân, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đấu thầu mua cổ phần, cổ phiếu đó. Chủ trương là đúng đắn, nhưng phải có một cơ quan đứng ra thực hiện chương trình này là SCIC hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hay Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư…

PV: Những khó khăn về cân đối ngân sách, liệu có phải là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ đưa ra quyết định đó trong thời điểm này, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Việc thoái vốn đã tính từ trước, nhưng do tiến trình chậm nên hiện tại Chính phủ mới đưa ra giải pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, những khó khăn trong cân đối ngân sách cũng là một trong những lý do tác động. Thời gian qua, Chính phủ phát hành trái phiếu để thu hút vốn nhưng tỷ lệ thành công không lớn trong khi nhu cầu trả nợ lớn, giá dầu sụt giảm khiến tăng áp lực ngân sách.

PV: Ở góc độ doanh nghiệp, sau khi thoái vốn, ông có cho rằng các doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi nhiều hơn?

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tự đi bằng chân của mình. Nếu, chương trình thoái vốn hoàn thiện thì tư nhân sẽ lãnh vai trò của Chính phủ quản lý những doanh nghiệp này. Chúng ta, biết trong nền kinh tế thị trường, không có gì tốt hơn là “cái gì của tư nhân trả lại cho tư nhân”. Chính phủ đảm nhiệm vai trò điều hành cả nền kinh tế, chỉ quản lý một số ngành nghề quan trọng với quốc gia.

PV: Doanh nghiệp liệu có lo mất đi lợi thế về mặt ưu đãi, chính sách?

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Với các doanh nghiệp, đây là cơ hội ngàn vàng để họ thực hiện quản lý theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu, với lãnh đạo các doanh nghiệp đây là sự đổi đời kinh khủng vì từ trước tới giờ mình có phần vốn Nhà nước nên còn được “ưu đãi”… Sau thoái vốn thì tự bươn chải, không còn ưu đãi về chính sách...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường phải làm ăn bài bản, cạnh tranh tất cả với các doanh nghiệp. Thành ra, tôi cũng hiểu được tâm lý lo lắng từ các lãnh đạo doanh nghiệp cho đến cán bộ công nhân viên. Nhưng theo tôi đây là cơ hội để họ chủ động trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

PV: Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ tác động như thế nào tới việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu: Một công ty làm ăn hiệu quả, báo cáo tài chính tốt chắc chắn có lợi cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài hơn là các cơ sở có vốn Nhà nước. Dĩ nhiên, có những nhà đầu tư nước ngoài nhằm vào những cơ sở có ưu đãi về chính sách nhưng dần dần các ưu đãi đó cần phải mất đi, nhất là khi Việt Nam tham gia vào TPP và các FTA. Như TPP, có những điều khoản chặt chẽ, yêu cầu DNNN phải từ bỏ ưu đãi, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần trong nền kinh tế./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN