336 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp
(Baonghean)- Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Khi ngành điện lực và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói chung thì việc giải quyết vấn đề trên còn rất nan giải.
Vi phạm kéo dài
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện đang là thực trạng nhức nhối trong thời gian qua. Đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân là do vi phạm an toàn lưới điện. Ngày 19/11, một công nhân đang thi công công trình nhà ở cho Công ty chế biến gỗ PIHICO (Khu công nghiệp Nam Cấm) đã bị đường dây điện cao thế phóng điện vào người. Hậu quả công nhân này phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Được biết, công trình nhà ở đang xây dựng của Công ty chế biến gỗ PIHICO chỉ cách đường dây điện cao thế chưa tới 1m.
Trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn 2 tuần, ngành Điện đã tiến hành lập biên bản về việc công ty cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bất chấp nguy hiểm cho lao động. Tháng 8, ông Nguyễn Văn Hồng (xóm 10, xã Minh Thành, huyện Yên Thành khi đang xây nhà cho gia đình anh Lăng Tuấn Cảnh tại xóm Mới (xã Minh Thành) bị điện giật do để thước xây chạm vào đường dây điện chạy ngang qua phía trên. Vụ việc khiến anh Hồng bị bỏng nặng ở bàn chân và cánh tay phải.
Công nhân thi công công trình nhà ở Công ty chế biến gỗ PIHICO (khu công nghiệp Nam Cấm) đã bị đường dây điện cao thế phóng điện vào người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. |
Theo ông Tạ Quang Lịch - Phó phòng An toàn, Công ty Điện lực Nghệ An: phát sinh vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đang có chiều hướng gia tăng. Qua kiểm tra, rà soát của các chi nhánh điện lực, đầu năm 2015 đến nay có 11 trường hợp vi phạm mới phát sinh. Các vụ vi phạm này tập trung ở các tuyến đường dây dọc quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện... do các hộ dân cơi nới, xây nhà trên đất dịch vụ, đất lấn chiếm, đất được địa phương cấp. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị xây dựng các công trình như làm đường, thủy lợi, nhà ở nhưng không khảo sát và lập dự trù kinh phí để cải tạo hoặc di dời công trình điện dẫn đến vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện và vi phạm khoảng cách pha - đất.
Địa phương có số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp nhiều nhất là thành phố Vinh 67 vụ. Theo ông Nguyễn Minh Loan, Phó Giám đốc Điện lực thành phố Vinh thì hầu hết các vụ vi phạm là do lịch sử để lại. Trước đây, việc quản lý đất còn nhiều hạn chế nên chính quyền địa phương cấp đất cho các gia đình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Ban đầu, các gia đình này chỉ xây dựng nhà cấp 4 nhưng sau đó nhiều gia đình đã xây dựng nhà cao tầng nằm trong phạm vi bảo vệ. Để vận động các hộ vi phạm tự bỏ kinh phí ra cải tạo, di chuyển đường dây là rất khó vì kinh phí lớn; hơn nữa, muốn di dời cũng không tìm mặt bằng cho phù hợp.
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại khối 13, phường Bến Thủy (thành phố Vinh) tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. |
Còn trên địa bàn huyện Nghi Lộc, hiện có 16 vụ vi phạm về hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó chủ yếu là xây nhà trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Ở Nghi Lộc, nhiều gia đình trồng cây xanh trong hành lang bảo vệ lưới điện nhưng khi ngành Điện lực yêu cầu gia đình chặt bỏ thì họ đòi bồi thường. Theo quy định thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Ông Hoa Xuân Thắng, Phó Giám đốc Điện lực Nghi Lộc cho biết: Nhiều gia đình sau khi chặt bỏ cây đã được ngành Điện đền bù và cam kết không tái phạm nhưng khi chủ mới đến thì tình trạng trên lại tái diễn. Mặc dù, ngành Điện đã vận động nhưng gia đình không phối hợp mà còn đề nghị bồi thường với mức giá cao hơn so với quy định của Nhà nước. Vì thế, nhiều vụ vi phạm không được giải quyết và kéo dài đến nay.
Phối hợp chưa chặt chẽ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong thời gian dài và khó giải quyết là do công tác phối, kết hợp giữa ngành Điện và chính quyền địa phương cùng các cấp còn lỏng lẻo. Trước hết, để xảy ra việc có hàng trăm vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện là do việc khảo sát và cấp đất cho người dân còn nhiều hạn chế. Vì thế mà nhiều gia đình đã được cấp đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Khi phát hiện ra thì việc phối hợp để giải quyết còn có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Hoa Xuân Thắng, Phó Giám đốc Điện lực Nghi Lộc cho biết, có những vụ vi phạm, ngành Điện đã gửi công văn đề nghị chính quyền cần có biện pháp giải quyết các vụ vi phạm nhưng không được phối hợp. Hơn nữa, việc xử phạt hành chính thì ngành Điện không có quyền nên rất khó trong việc giải quyết các vụ vi phạm trên.
Hiện, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có 6 điểm vi phạm hành lang lưới điện nhưng huyện chỉ mới nắm được 1 điểm. Theo ông Trần Văn Lan, Phó phòng Công thương huyện Hưng Nguyên thì khi có vi phạm chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành Điện lập biên bản và thông báo hành vi vi phạm cho gia đình biết. Tuy nhiên, để xử phạt là rất khó, mà chủ yếu dựa vào sự tuyên truyền, vận động và sự tự giác của gia đình là chính. Cũng theo ông Lan, ngoài ý thức của người dân chưa cao thì trách nhiệm ở đây là do chính quyền cấp xã khi phát hiện sự việc chậm báo cáo dẫn đến tình trạng khi đoàn xuống lập biên bản nhà của dân đã xây xong nên rất khó xử lý.
Công nhân điện lực phát quang cành cây, bụi rậm ảnh hưởng đến an toàn lưới điện |
Còn theo ông Tạ Quang Lịch - Phó phòng An toàn, (Công ty Điện lực Nghệ An): Tại nhiều địa phương khi phát hiện người dân vi phạm, chính quyền mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản mà chưa xử phạt hoặc cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Bên cạnh đó, một số người dân tuy hiểu rõ mức độ vi phạm và sự nguy hiểm khi xây dựng công trình, nhà cửa trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp nhưng vẫn cố tình vi phạm với lý do đã được cấp đất, hoặc mua đất rồi viết đơn đề nghị ngành Điện di dời cột, dây diện. “Thời gian tới, chính quyền các địa phương nên chấn chỉnh việc cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng và tăng cường kiểm tra xử lý để không phát sinh các trường hợp vi phạm mới. Khi cấp đất hoặc cấp giấy phép xây dựng nên tham khảo ý kiến của ngành Điện. Đối với các trường hợp đã nhận tiền đền bù rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cần giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm theo quy định” - Ông Lịch kiến nghị.
Rõ ràng,việc giảm thiểu tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới diện không chỉ là giải pháp tránh những thiệt hại về người và tài sản mà còn là một trong những giải pháp nhằm làm giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện hiệu quả nhất. Do vậy, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp với ngành Điện thiết lập một hành lang an toàn lưới điện trên cơ sở phát huy hiệu quả các quy định của pháp luật, tùy theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh có 336 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trong đó, cấp điện áp 35 kV có 151 vị trí, cấp điện áp 22 kV có 11 vị trí và cấp điện áp 10 kV có 174 vị trí. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang lưới điện hạ áp cũng diễn ra khá nhiều, nhưng chưa có thống kê cụ thể. |
Phạm Bằng