Phối hợp ngăn chặn nạn buôn người

03/12/2015 10:48

(Baonghean) - Theo thông tin của UBND tỉnh Nghệ An trong cuộc làm việc với Văn phòng Cao ủy Độc lập về phòng, chống tội phạm nô lệ hiện đại của Vương quốc Anh vào sáng 2/12 tại TP. Vinh, nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Nghệ An chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi, hoặc những phụ nữ “lỡ thì"...

Với hơn 3,1 triệu người, Nghệ An là địa phương đông dân thứ tư trong cả nước (sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa), kéo theo nhu cầu lớn về việc làm, đặc biệt là về xuất khẩu lao động; vì vậy Nghệ An tiềm ẩn lớn nạn buôn bán người.

Trong thực tế trên địa bàn tỉnh, ngoài số nạn nhân đã xác định, tại các bản làng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, hàng năm có nhiều phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương nghi bị bán. Bộ phận này hầu hết ở tuổi trưởng thành không muốn ở nhà làm nương rẫy đã tự móc nối, tìm người đi trước hoặc bị dụ dỗ trốn nhà đi.

Ở Nghệ An, tội phạm mua bán người hoạt động nhiều và có diễn biến phức tạp ở một số huyện như: Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Quỳ Châu, Yên Thành, Diễn Châu. Các đối tượng tội phạm thường dùng tiền để dụ dỗ, lừa đảo những gia đình đặc biệt khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Hoặc chúng nhắm vào tâm lý thích đua đòi của một số thanh niên; các em gái mới lớn có tư tưởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp tại địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hơn; trẻ em không có người lớn trông coi...

1
Ông Kevin Hyland, Cao ủy Độc lập Vương quốc Anh về Phòng chống tội phạm nô lệ hiện đại trực tiếp đi thăm nạn nhân của nạn buôn bán ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu ngày 2/12.

Theo thông tin do đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội cung cấp, thời gian qua Anh là một trong những “điểm đến” nóng của nạn buôn bán người từ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có nhiều người báo cáo với hệ thống xác định nạn nhân của loại hình tội phạm nô lệ hiện đại tại Anh nhất, bên cạnh các nước Albania, Ba Lan, Nigeria và Rumania. Họ phần lớn đều nhập cư trái phép qua các đường dây tội phạm nô lệ hiện đại vào Anh, tham gia vào một số ngành nghề bất hợp pháp trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng,… Đáng chú ý, nhiều người bị ép buộc làm việc trong các đường dây mại dâm, trồng cần sa,… Đó thực sự là những con số đáng báo động về tình trạng buôn bán người đang xảy ra không chỉ đối với Nghệ An (Việt Nam) mà với nhiều nước trên thế giới.

Ông Kevin Hyland, Cao ủy Độc lập Vương quốc Anh về Phòng chống tội phạm nô lệ hiện đại cho biết, năm 2014, tại Anh có 2.340 người đăng ký với chính phủ để được xác định là nạn nhân của nạn buôn bán người, trong đó 216 người mang quốc tịch Việt Nam. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, số lượng nạn nhân nói trên đã vượt quá 3.300 người, trong đó có 317 người Việt Nam. Trong số những nạn nhân mang quốc tịch Việt Nam, có tới 60% là nam giới, và hơn một nửa số này là trẻ vị thành niên nam.

2
Đại diện Văn phòng Cao ủy Độ c lập về phòng, chống tội phạm nô lệ hiện đại của Vương quốc Anh thăm gia đình nạn nhân tại huyện Quỳnh Lưu từng bị bán sang Trung Quốc.

Để ngăn chặn và phòng chống nạn buôn bán người, mỗi địa phương, mỗi quốc gia không chỉ cần nỗ lực cao mà còn phải coi trọng hợp tác quốc tế mới có thể đạt hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những lý do trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh David Cameron từ 29 - 30/7/2015.

Thủ tướng David Cameron và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí thúc đẩy việc đàm phán bản ghi nhớ về phòng, chống buôn bán người. Hợp tác quốc tế cũng là phương châm hoạt động của Đoàn Cao ủy và tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, và thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.

3
Đại diện tổ chức Trẻ em Rồng xanh thăm hỏi tình hình sức khỏe, tâm lý của nạn nhân sau khi được giải cứu và đưa về địa phương.

Nhờ xu hướng hợp tác quốc tế, nhiều nạn nhân của tội phạm buôn bán người ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã được kịp thời giải thoát, đồng thời nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần. Trong năm 2015, tỉnh Nghệ An tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cho 29 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương với các điều kiện ban đầu như tiền tàu xe đi về, tư vấn tâm lý, y tế, các đoàn thể quần chúng tổ chức hỏi thăm, động viên, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An sáng 2/12/2015, Tổ chức Rồng Xanh cũng mong muốn sẽ xây dựng ở tỉnh ta trung tâm hỗ trợ để cung cấp các dịch vụ giúp đỡ các nạn nhân của tội phạm buôn bán người và đã nhận được sự đồng tình cao của UBND tỉnh Nghệ An.

Bà Julienne Megan Carey - Trưởng Văn phòng đại diện tổ chức Trẻ em Rồng Xanh cho hay: “Chúng tôi được biết Nghệ An là điểm sáng về giáo dục, đồng thời sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan chức năng cũng luôn sâu sát, hỗ trợ đảm bảo cuộc sống của người dân”...

Nghệ An được lựa chọn là điểm đến của đoàn công tác Văn phòng Cao ủy Độc lập Vương quốc Anh cùng đại diện tổ chức Trẻ em Rồng Xanh chuyên hỗ trợ các trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn người, để bàn kế hoạch thúc đẩy hơn nữa những hành động thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới, kịp thời ứng phó nhanh với loại hình tội phạm ngày một tinh vi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An, đoàn công tác cũng đã tới thăm gia đình 2 nạn nhân tại huyện Quỳnh Lưu vừa được cứu thoát khỏi đường dây buôn người sang Trung Quốc. Đoàn đã lắng nghe những chia sẻ từ chính nạn nhân và những thân nhân của họ, tìm hiểu thực trạng nhận thức về nạn buôn người tại Nghệ An, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các trẻ vị thành viên vừa được cứu thoát và đưa trở về địa phương. Từ những thông tin thu thập được, đoàn công tác sẽ có hướng cụ thể để lên kế hoạch chi tiết trong thời gian tới, với mong muốn nỗ lực xóa bỏ nạn buôn người, phát hiện và ngăn chặn các dự mưu buôn người, cứu giúp và hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng hòa nhập xã hội.

Ông Kelvin Hyland cho biết, năm 2015 Chính phủ Anh vừa phê chuẩn đạo luật phòng, chống buôn bán người, hay còn gọi là phòng, chống tội phạm nô lệ hiện đại. Được biết, đây là đạo luật đầu tiên tại châu Âu được thông qua trong lĩnh vực chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp và khó lường này, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng của Anh dễ dàng truy tố tội phạm buôn người và ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, cũng như hỗ trợ các nạn nhân được trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình và sớm hòa nhập trở lại với xã hội.

Việc Bộ Nội vụ Anh chính thức bổ nhiệm vị trí Cao ủy Độc lập phụ trách chống tội phạm nô lệ hiện đại, hiện tại là ông Kevin Hyland, cũng là một động thái nhằm tăng cường công tác hợp tác quốc tế về chống buôn người, đảm bảo giữa các cơ quan hành pháp, chính quyền địa phương và các trung tâm y tế của các nước có sự phối, kết hợp hiệu quả để chặn đứng những hệ lụy của vấn nạn buôn người nhức nhối hiện nay.

Hoài Thu - Thu Giang