Xung quanh việc phụ huynh ngăn cản con em đến trường ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc):Sự học đã được quan tâm đầu tư
(Baonghean) - Là địa bàn khó khăn, nhưng Nghi Thiết vẫn là một vùng đất coi trọng sự học. Từ nhiều năm nay, phong trào khuyến học của xã được đánh giá là hiệu quả với nhiều hoạt động phong phú, người dân luôn quan tâm đến việc học của con em mình. Bởi vậy, việc một số phụ huynh ngăn cản con em đến trường là một chuyện rất bất ngờ ở đây.
Nói về sự học ở Nghi Thiết, ông Lê Trọng Dân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã chia sẻ: Phong trào khuyến học ở Nghi Thiết có truyền thống từ lâu, tại các xóm, các dòng họ đều có quỹ khuyến học. Năm nào xã cũng tổ chức Tết khuyến học, khuyến tài để trao thưởng cho các em học sinh giỏi và động viên các em hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trung bình mỗi năm, toàn xã có trên 100 học sinh được khen thưởng. Từ phong trào này và sự quan tâm của người dân, sự học ở Nghi Thiết ngày càng phát triển, như năm học 2015 - 2016 xã có 25 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, nhiều gia đình dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng nuôi con ăn học đầy đủ và có từ 3 - 4 người con vào đại học, ra trường có việc làm ổn định, như gia đình thương binh Phan Ngọc Dân (xóm Chùa 1), gia đình anh Vũ Hữu Thuật (xóm Rồng), gia đình anh Đậu Văn Tân (xóm Đình)... Hàng năm, nhiều người con xã nhà thành đạt, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình ủng hộ phong trào khuyến học của xã; tiêu biểu như ông Nguyễn Trọng Nhương, hiện đang làm Tổng Giám đốc Công ty xây dựng miền Đông; các phật tử chùa Cần Linh...
Giờ chơi của học sinh Trường THCS Tiến - Thiết. |
Về Trường THCS Tiến - Thiết, thầy giáo Võ Ngọc Quế, Hiệu trưởng nhà trường tự hào nói: So với nhiều địa phương khác, điều kiện kinh tế ở 2 xã Tiến - Thiết còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân, cấp ủy, chính quyền vẫn dành sự quan tâm cho việc học tập. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của nhà trường tương đối ổn định, riêng trong năm học 2014 - 2015, trường có 32 em được công nhận học sinh giỏi toàn diện, 100% học sinh được tốt nghiệp THCS; trường có 20 học sinh được công nhân học sinh giỏi tỉnh và huyện, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 3 giải Ba. Trong số những em đạt giải cao, phần lớn là học sinh Nghi Thiết; tiêu biểu như em Trần Đăng Hiếu (lớp 6A), giải nhất môn Toán cấp huyện. Ở các bộ môn khác có các em: Đậu Thị Mỹ, Phạm Thị Quyên, Nguyễn Thị Yên (8A), Phạm Ngân (8B), Lê Thị Thanh, (6C), Nguyễn Thị Thủy (7C), Phạm Văn Lực, Nguyễn Thị Hà (7A)...
Tinh thần hiếu học như thế, nên khi thực hiện sáp nhập 2 điểm trường chuyển về một mối trong năm học 2015-2016, không ai nghĩ đến học sinh Nghi Thiết có thể bỏ học. Thầy giáo Võ Ngọc Quế chia sẻ thêm: Vài năm trở lại đây, quy mô trường lớp của Nghi Thiết ngày càng ít đi. Toàn trường chỉ có 8 lớp, cơ sở vật chất lại xuống cấp, điều kiện dạy học và trang thiết bị không đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của dạy học hiện nay nên việc sáp nhập để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là điều tất yếu.
Đây cũng không phải lần đầu tiên 2 trường Tiến - Thiết sáp nhập mà trước đây đã tách, nhập nhiều lần. Trong đó, có thời điểm học sinh Nghi Thiết đi bộ 7 - 8 cây số sang Nghi Tiến học và ngược lại. Dù vậy, trong hoàn cảnh nào thì đây vẫn là ngôi trường giàu thành tích nhất của vùng Bãi ngang Nghi Lộc và từ ngôi trường này đã có hàng nghìn học sinh trưởng thành, thành đạt.
Cũng cần thấy rằng, quá trình sáp nhập trường Tiến- Thiết đã diễn ra cách đây 6 năm, trong thời gian đó, chính quyền địa phương và nhà trường cũng đã phổ biến chủ trương này, người dân cũng đồng tình ủng hộ, năm 2014 vừa rồi trường phát động phong trào trồng cây cho trường mới, đông đảo người dân 2 xã nhiệt tình tham gia. Khi ngôi trường mới với 2 dãy nhà cao tầng, 18 phòng học hoàn thành và bàn giao, cả thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh rất phấn khởi, tích cực chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học tại điểm trường THCS Nghi Thiết về trường mới THCS Tiến-Thiết để chuẩn bị cho năm học mới... Thực tế quá trình xây dựng trường mới Tiến-Thiết cũng đã có rất nhiều đóng góp của người dân địa phương. Khi san lấp mặt bằng để xây dựng điểm trường mới, người dân chẳng những không lấy bất cứ một khoản bồi thường hoa màu nào, mà còn ủng hộ nhiều ngày công để tổ chức sửa sang khuôn viên, xây dựng trường. Cách đây 2 năm, người dân 2 xã Nghi Thiết, Nghi Tiến còn tổ chức trồng cây, tạo không gian xanh, chuẩn bị cho ngày nhập trường của con em.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc nói thêm: Mặc dù điều kiện kinh tế của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường học trên địa bàn cũng đã xuống cấp trầm trọng, nhưng để học sinh trường Tiến -Thiết sớm được về học ổn định tại một điểm trường, nên thời gian qua huyện ưu tiên tập trung cho trường này; trong đó, riêng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của ngôi trường mới đã lên đến trên 15 tỷ đồng. Trường THCS Tiến-Thiết cũng là một trong những trường học khang trang nhất toàn huyện hiện nay với khuôn viên rộng 1,5ha.
Niềm háo hức về một ngôi trường mới được thể hiện rõ ngay trong ngày 24/8/2015 - ngày nhập học đầu tiên năm học mới 100% học sinh bậc THCS ở hai xã Nghi Thiết và Nghi Tiến cùng đến trường. Qua ngày nghỉ lễ 2/9, những tưởng mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng đến ngày khai giảng năm học mới (5/9), bất ngờ có 204/320 học sinh ở điểm Trường THCS Nghi Thiết vắng mặt. Các em này chủ yếu ở 4 xóm Chùa 1, Chùa 2, xóm Bắn, xóm Rồng... Sáng ngày 7/9, số học sinh nghỉ học tăng lên, và từ hôm ấy đến thời điểm này, ngày nghỉ cao điểm nhất là 243 học sinh, ngày ít nhất cũng hơn 140 cháu không đi học. Sự việc trên không những gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh Trường THCS Tiến - Thiết, mà còn gây xáo trộn tình hình trật tự ở địa phương...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhóm PV