Xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn): Hướng mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu
(Baonghean) - Nghĩa Khánh là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Nghĩa Đàn, có diện tích tự nhiên trên 2.700 ha, dân số 10.278 người. Với 247 đảng viên sinh hoạt tại 21 chi bộ, Nghĩa Khánh là một trong những cái nôi của cách mạng khi chi bộ đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn được thành lập tại đây.
Sau gần 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Khánh đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng, đổi mới quê hương. Với truyền thống quý báu đó, bước vào sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Nghĩa Khánh luôn luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Liên tục trong nhiều năm, Nghĩa Khánh là một trong những xã có phong trào khá toàn diện của huyện Nghĩa Đàn; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, sau 5 năm phấn đấu, Nghĩa Khánh đã hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới (NTM) với 19/19 tiêu chí.
Cơ sở làm bánh Thủy Sen ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn). |
Nhận thức xây dựng NTM đồng nghĩa với phát triển toàn diện nền kinh tế, là cơ hội để cải thiện đời sống nhân dân, nên Đảng bộ, chính quyền xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rất cụ thể với quyết tâm cao. Xuất phát từ điều kiện thực tế địa phương, cùng với việc quy hoạch để có kế hoạch đầu tư nâng cấp theo tiêu chí mới, Nghĩa Khánh chủ trương kế thừa, khai thác hiệu quả những thành quả đạt được; phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, phát huy tối đa mọi nguồn lực...
Trước hết, xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền cho nhân dân hiểu tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM; từng cán bộ, đảng viên có trách nhiệm được giao đến từng cộng đồng dân cư để phân tích nội dung 19 tiêu chí; nêu phương pháp, cách làm, vai trò chủ thể của người dân... Với sự chủ động vào cuộc như trên, Nghĩa Khánh không chỉ tranh thủ, lồng ghép được nhiều dự án đầu tư của cấp trên mà còn huy động hiệu quả sức dân vào xây dựng NTM. Trong tổng kinh phí 438,5 tỷ đồng mà xã huy động để thực hiện các tiêu chí, xã tranh thủ lồng ghép được 111,3 tỷ đồng tiền vốn từ các chương trình; người dân bỏ ra 287,3 tỷ đồng chỉnh trang lại nhà cửa, làm đường giao thông thôn xóm, xây dựng nhà văn hóa, sân vận động xóm theo tiêu chí mới.
Sau 5 năm đầu tư cho NTM, nền sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn Nghĩa Khánh đã thay đổi khá toàn diện, hầu hết công đoạn sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa; hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đầu tư nâng cấp cơ bản. Sớm xác định được lợi thế là xã có các tuyến giao thông thuận lợi, Nghĩa Khánh tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cách đồng mẫu lớn nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đến nay, ngoài việc hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, xã đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai Đề án Xây dựng cánh đồng thu nhập cao, cánh đồng mẫu lớn; toàn xã đã có 18 mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Nghĩa Khánh cũng phát triển mạnh các ngành nghề, dịch vụ - thương mại. Đến nay, có 36 máy xay xát và chế biến thức ăn gia súc, 312 hộ buôn bán nhỏ lẻ, 4 doanh nghiệp xây dựng, khai thác cát sỏi, chế biến gỗ; hàng chục tổ thợ xây; hàng chục xe tải làm dịch vụ tạo việc làm cho hàng trăm lao động; toàn xã hiện có 376 người đang làm việc ở nước ngoài hàng năm gửi về nước hàng chục tỷ đồng. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và phát triển mạnh các ngành nghề, nên thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng/năm 2011 lên 21 triệu đồng/ năm 2015; hộ nghèo giảm chỉ còn 4,91%; tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ngày một tăng; xã còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 91% lao động…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, có hệ thống cáp cung cấp nối mạng Internet. Hầu hết đường làng, ngõ xóm có điện chiếu sáng; 17/17 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao đảm bảo các sinh hoạt cộng đồng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu; hiện tại, xã có 84% số hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa và 14/17 xóm giữ vững, phát huy tốt danh hiệu Làng Văn hóa... Công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài được quan tâm; 17/17 xóm và nhiều dòng họ có quỹ khuyến học. Cả 3/3 trường học đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Trẻ em đến tuổi phổ cập đều được đến trường; số học sinh đậu đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được tăng cường, đến nay xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Về xử lý rác thải và môi trường, không còn hiện tượng ô nhiễm và vứt rác thải tùy tiện xảy ra; 90% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh...
Đồng chí Lê Viết Xường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh chia sẻ: Đạt được kết quả xây dựng NTM như hôm nay, ngoài được sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Trung ương, tỉnh và huyện, yếu tố quan trọng đầu tiên làm nên thành công là sự đoàn kết, nhất trí; triển khai xây dựng NTM là ý Đảng hợp với lòng dân; người dân khi xác định được trách nhiệm của mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và địa phương biết phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy sức dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, về đích NTM vượt kế hoạch và chỉ tiêu đề ra.
Phấn khởi và tự hào, lãnh đạo và nhân dân xã Nghĩa Khánh xác định, được công nhận xã NTM là tiền đề, động lực để tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí; xây dựng xã Nghĩa Khánh trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng ở miền Tây Nghệ An.
N.Hải - T.Hương