Trái Đất có thể thay đổi hình dạng vì nóng lên toàn cầu

04/10/2015 16:53

Lớp vỏ Trái Đất có thể bị thay đổi hình dạng dưới tác động của những phiến băng khổng lồ di chuyển, hậu quả của nóng lên toàn cầu.

 Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: Gregladen
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: Gregladen

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 1/10, Michele Koppes thuộc Khoa địa lý, trường Đại học British Columbia, so sánh các dòng sông băng ở Patagonia và Bán đảo Nam Cực. Koppes cùng đồng nghiệp nhận thấy, sông băng tại Patagonia có nhiệt độ cao hơn, di chuyển nhanh và gây ra nhiều xói mòn hơn so với vùng Nam Cực. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao và băng tan góp phần "bôi trơn" phần đáy của sông băng.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng, sông băng ở Patagonia có tốc độ xói mòn nhanh gấp 100 đến 1.000 lần so với Nam Cực", Science Daily dẫn lời Koppes cho hay.

"Nam Cực đang ấm dần lên, và khi đạt đến mức nhiệt độ trên 0°C, tất cả các dòng sông băng sẽ di chuyển nhanh hơn. Chúng tôi thấy những phiến băng khổng lồ đang bắt đầu di chuyển nhanh hơn, gây xói mòn mạnh hơn, tạo thành những thung lũng sâu hơn và đẩy thêm đất đá vào đại dương." Quá trình này sẽ làm thay đổi đáng kể hình dạng của lớp vỏ Trái Đất, các nhà khoa học nhận định.

Sự xói mòn trên khiến những tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng cực càng trở nên phức tạp hơn. Sông băng di chuyển nhanh hơn làm gia tăng quá trình lắng đọng trầm tích tại vùng hạ lưu và thềm lục địa, có thể ảnh hưởng đến ngành thủy sản, các đập nước, và việc tiếp cận với nước sạch của cộng đồng miền núi.

"Khu vực rìa lục địa vùng cực là những điểm nóng đa dạng sinh học đặc biệt. Nếu bạn đưa vào trong nước một lượng trầm tích nhiều hơn, tức là bạn đang làm thay đổi môi trường sống dưới nước", Koppes nói.

Bắc Cực, một trong những nơi ấm lên nhanh nhất trên thế giới, sẽ phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc. Nhiệt độ gia tăng 4 độ C trong vòng 50 năm qua khiến các sông băng đang ở ranh giới của sự thay đổi lớn. Chúng ta sẽ thấy tốc độ di chuyển của chúng nhanh hơn gấp 100 lần, nếu khí hậu thay đổi và nhiệt độ giữ ở trên mức 0 độ C.

Phát hiện của Koppes và cộng sự cũng giải đáp được câu hỏi gây tranh cãi trong giới khoa học, đó là thời điểm nào sông băng có tác động nhiều nhất đến việc hình thành cảnh quan và địa hình trên Trái Đất. Các dòng sông băng gây ra hiện tượng xói mòn mạnh mẽ nhất ở gần cuối mỗi chu kỳ băng hà, chứ không phải thời kỳ băng bao phủ nhiều nhất. Chu kỳ băng hà lớn nhất trong khu vực Vancouver đã kết thúc cách đây khoảng 12.500 năm.

Theo VnExpress