"Hạnh phúc cuối con đường"

30/10/2015 13:59

(Baonghean) - Cuộc đời đã trải qua bao khổ đau, bất hạnh bởi sớm chịu cảnh mồ côi, phải đi ở đợ và mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng niềm tha thiết sống đã giúp chị có đủ nghị lực vượt qua và tìm được nguồn hạnh phúc. Chị là Võ Thị Loan, một công dân của làng phong Quỳnh Lập.

Chị mải miết bên chiếc máy khâu cũ kỹ, đôi chân đều đặn với chiếc bàn đạp, đôi tay bám lấy đường chỉ, cặp mắt không rời mũi kim. Xung quanh là những chiếc áo quần đã cũ khách vừa mang đến sửa. Có khách lạ bất ngờ ghé thăm, chị Võ Thị Loan tạm ngừng công việc và nở nụ cười thân thiện thay cho lời chào. Rồi chị giải thích về công việc của mình: “Bà con ở đây cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nên áo quần bị rách hoặc chật đều sửa để tiếp tục dùng. Biết chút ít về may vá, tôi nhận sửa vừa kiếm thêm đồng ra đồng vào, vừa tận dụng được thì giờ rảnh rỗi và giúp đỡ được mọi người”.

Chị Võ Thị Loan.
Chị Võ Thị Loan.

Những tháng ngày tủi cực

Chị sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo ở xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên), nơi hạ nguồn của dòng sông Lam. Bố mẹ chị nghèo lắm, làm việc quần quật suốt ngày nhưng vẫn không kiếm đủ ăn cho 4 người con, lại còn hay đau ốm. Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng chị vẫn không dứt nổi nỗi ám ảnh về những cơn đói thuở nhỏ. Năm chị lên 9 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời. Bố mẹ từ giã cuộc đời, gia đình chị “tan đàn xẻ nghé”, 4 chị em ly tán mỗi người một ngả, người thì được họ hàng đón về nuôi, người thì phải đi ở đợ. Riêng chị phải lên giúp việc cho một gia đình ở tận huyện miền núi Tân Kỳ.

Công việc hàng ngày của chị là trông em, giặt giũ, chăn trâu, cắt cỏ, chăm sóc đàn lợn... Những công việc ấy, khi còn ở nhà chị đã được bố mẹ bày dạy cho thuần thục nên chẳng có gì khó khăn. Nhưng một đêm tỉnh dậy, Loan thấy tay chân tê buốt, toàn thân nhức mỏi. Lúc đầu, chị nghĩ có thể do ngày hôm trước làm việc quá nhiều nên cơ thể suy nhược, nhưng ngày hôm sau, rồi những ngày tiếp theo vẫn thế. Thậm chí, triệu chứng ấy mỗi lúc một nặng thêm, cho đến khi tay chân hoàn toàn mất cảm giác. Chị hốt hoảng chạy hỏi khắp nơi, khi tìm đến bác sỹ và nhận được câu trả lời đó là triệu chứng của bệnh phong, dân gian thường gọi là bệnh hủi.

Và bác sỹ khuyên chị nên ra khám và điều trị tại Bệnh viện phong Quỳnh Lập. Choáng váng, ấy là cảm giác của chị ngay lúc hay cái tin này. Không hiểu vì sao cuộc đời người con gái bé nhỏ ấy lại gánh chịu quá nhiều nỗi bất hạnh như vậy? Loan khăn khói đồ đạc rồi lặng lẽ tìm đường về Quỳnh Lập. Trong cảm nhận của chị, đó là một hành trình chất chứa bao đớn đau và tuyệt vọng, một con đường xa hun hút và một tấm thân đơn độc giữa cuộc đời.

Mái ấm ở làng phong

Bệnh viện phong Quỳnh Lập nằm giữa một thung lũng tươi xanh, phía trước là bãi biển hoang sơ. Ngày ấy, tìm đến nơi đây, Võ Thị Loan đã dừng chân trên bãi biển, ngồi lặng nhìn vô vàn con sóng đang tiến vào bờ. Cô gái trẻ thấy tim mình như vụn vỡ. Rồi cô nhắm mắt, cái bao la của đại dương không còn, chỉ còn tiếng sóng miệt mài vỗ. Ừ nhỉ, dẫu vào bờ để rồi tan biến, nhưng sóng vẫn tạo nên tiếng hát muôn đời. Mỗi con người có một cuộc đời, cũng cần thế, cần hát lên tiếng hát của riêng mình, không thể buông bỏ, không thể chùn bước...

Đó là một ngày vào khoảng cuối năm 1982. Cuộc đời chị gắn với làng phong Quỳnh Lập, gắn với bãi biển hoang sơ và tuyệt đẹp này. Đến đây, chị mới nhận ra xung quanh mình còn có bao người mắc phải căn bệnh phong quái ác nhưng họ vẫn vượt lên hoàn cảnh, tha thiết yêu đời và không ít người đã tìm được nguồn hạnh phúc. Họ là những tấm gương giúp chị nhìn lại mình, để bớt đi những ưu tư, phiền muộn, để vươn lên và khẳng định mình. Chị nhận thấy tuổi 20 còn quá trẻ, phía trước là cả một chặng đường dài với bao gian nan, vất vả, buộc mình phải gắng gỏi để tìm kiếm niềm vui. Một hành trình mới bắt đầu...

Chị Nguyễn Thị Loan
Chị Võ Thị Loan và người bạn cùng cảnh ngộ ở làng phong Quỳnh Lập

So với nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện phong Quỳnh Lập, chị Võ Thị Loan có may mắn hơn, vì mức độ còn nhẹ, tuổi còn trẻ nên sức đề kháng cao. Chị hòa đồng với tất cả, tận tình giúp đỡ những người bệnh nặng và già cả, được mọi người tin yêu và chia sẻ. Chị còn tham gia học lớp xóa mù chữ và chẳng mấy chốc đã đọc thông viết thạo, có thể giúp người khác tập đọc, tập viết. Hòa mình vào cuộc sống ở làng phong, chị nhận ra cuộc đời còn bao điều ý nghĩa, phải luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu thương với những người cùng cảnh ngộ, mở lòng với cuộc sống xung quanh. Đó là nguyên do để chị gặp gỡ anh và trở thành người bạn đời.

Bến đỗ bình yên

Anh tên là Trần Văn Bộ (SN 1964), quê ở tận Ninh Thuận, nơi điểm cuối của “khúc ruột miền Trung” với những trảng cát ngỡ như bất tận. Anh cũng là một bệnh nhân phong, vượt hàng nghìn cây số để đến Quỳnh Lập chữa trị. Hai người trẻ bên nhau, và tình yêu đến không hẹn trước, họ quyết định chung tay dựng xây mái ấm gia đình.

Vợ chồng chị mượn đất để dựng căn nhà tạm, trồng rau màu để có thêm nguồn thu nhập. Cũng như bao gia đình khác ở làng phong Quỳnh Lập, cuộc sống của đôi vợ chồng ấy gặp phải không ít khó khăn, thiếu thốn, vì số tiền trợ cấp không nhiều, sức khỏe lại có hạn. Nhưng bằng tình yêu thương và nghị lực, anh chị đã vượt qua trở ngại cuộc sống để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Đặc biệt, từ lúc hai cậu bé Trần Quỳnh Nguyên và Trần Quỳnh Văn lần lượt chào đời, gia đình nhỏ có thêm tiếng khóc của trẻ thơ, nỗi vất vả, lo toan càng tăng thêm bội phần.

Chị không thể nhớ nổi đã bao lần phải làm lụng, chạy vạy khắp nơi để kiếm đủ tiền mua sữa và mua thuốc cho các con. Rồi khi con vào các cấp học, tiền mua sách vở và đóng góp là cả một nỗi lo toan. Với những người bố, người mẹ khỏe mạnh không nói làm gì, với những người bệnh tật như anh chị là một vấn đề không nhỏ. Vợ chồng chị luôn động viên nhau cố gắng để vượt lên, chi tiêu tiết kiệm để nuôi con ăn học, tạo dựng cho các con có một tương lai tốt đẹp. Dường như hiểu được nỗi vất vả, thiếu thốn của bố mẹ, anh em Nguyên- Văn từ nhỏ rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Cả hai em đều khỏe mạnh, luôn giúp đỡ bố mẹ trong công việc. Nhìn hai cậu con trai khôn lớn từng ngày, chị thấy lòng mình vui sướng, có lẽ những năm tháng khổ đau, bất hạnh đã được bù đắp, những nỗ lực của bản thân đã được cuộc đời đền đáp.

Đến nay, sau 26 năm chung sống, vợ chồng chị đã có một ngôi nhà, nó không cao lớn, khang trang nhưng cũng đủ vững để che chở cho cả gia đình. Hai con trai cũng đã khôn lớn, trưởng thành. Quỳnh Nguyên học nghề nấu ăn, hiện đang trong thời gian thực tập. Còn Quỳnh Văn vừa rồi đủ điểm trúng tuyển vào đại học nhưng em tạm gác ước mơ giảng đường. Vì lẽ, em hiểu rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều bệnh tật, nếu em theo học sẽ là một gánh nặng quá sức. Hiện Quỳnh Văn đang làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, em quyết tâm tích cóp tiền để vài năm sau lại thi vào đại học, viết tiếp ước mơ giảng đường. “Thoáng cái, vợ chồng tôi đã bước qua tuổi 50, càng có tuổi càng thêm nhiều bệnh tật, sức khỏe càng giảm sút. Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến các con, bao mệt nhọc dường như tan biến, chỉ mong chúng sớm trưởng thành...”- chị Loan chia sẻ.

PHẠM TIẾN - TƯỜNG ANH

TIN LIÊN QUAN