Đăng tin nhân thân vụ án liên quan đến đạo đức nhà báo

09/11/2015 07:37

Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc báo chí đăng tải các thông tin quá cụ thể của nhân thân liên quan đến các vụ án là không nên. Thiếu tướng Kỳ ủng hộ việc cần có các chế tài để xử lý vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet bên hành lang kỳ họp Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Thiếu tướng Kỳ cho rằng, thời gian gần đây, việc đăng tải thông tin về các vụ án có những mặt tích cực nhưng cũng có những điều còn bất ổn. Một mặt, các thông tin được đăng tải có tính cảnh báo tốt. Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại quá nhiều các thông tin về vụ án và quá chi tiết về vụ án đã gây ra những phản ứng cho xã hội và người thân của người gây án.

Theo Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, những vấn đề liên quan đến đời tư, gia đình của người gây án thì báo chí nên cân nhắc đăng tải ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng đến nhân thân của họ. Về vấn đề này, Thiếu tướng Kỳ cho rằng đăng tải ở mức độ nào đó bởi yếu tố môi trường gia đình đóng vai trò rất lớn trong việc tác động đến các vấn đề xã hội. Theo ông, không nên đăng quá chi tiết, cụ thể.

Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ
Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ

Từ trước tới nay, việc thông tin về thân nhân người vi phạm pháp luật đưa mức độ như thế nào đều phụ thuộc vào đạo đức người làm báo, không có quy định đúng sai. Việc Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này đưa rõ vào danh mục cấm là rất cần thiết. Bởi việc định lượng cụ thể hóa việc thế nào là “quá” khi đăng tải các thông tin về đời tư, về nhân thân của những người gây án rất khó và điều này liên quan đến vấn đề đạo đức của người làm báo. Còn đối với những thông tin mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của ai đó thì hiện đã có nhiều Luật hiện hành có thể xử lý. Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ ủng hộ các quy định mới về vấn đề nói trên. Theo ông, cần phải quy định như vậy để có thể để đủ sức răn đe và cũng cần căn cứ từng mức độ để xử lý.

Nhận định về thực tế báo chí hiện nay, vị Thiếu tướng đưa ra quan điểm: “Người làm báo cũng là chiến sỹ. Họ cầm bút như người quân nhân cầm súng cùng góp phần vào sự phát triển xã hội, chống lại những bất công trong xã hội. Tuy nhiên, hiện giờ, ở mức độ nào đó nó đã bị thương mại hóa, một số người cầm bút nhưng tâm họ không trong sáng. Theo tôi, việc có những chế tài chặt chẽ là điều cần thiết!”.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN