Quá khứ, hiện tại và tương lai của Quý bà Myanmar

13/11/2015 08:31

(Baonghean) - Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), Myanmar - đang là nhân vật thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Bên cạnh chiến thắng vang dội cùng NLD ở hiện tại, chuyện đời và tương lai sự nghiệp chính trị của Quý bà Myanmar cũng trở thành tiêu điểm truyền thông những ngày gần đây.

Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon), là con gái của tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập. Lúc đó, bà Suu Kyi mới 2 tuổi.

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Internet
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Internet

Năm 1960, mẹ bà được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar ở Delhi, Ấn Độ và đưa bà đi cùng. Sau Ấn Độ, bà còn sinh sống, học tập và làm việc tại Anh, nơi bà nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế ở Đại học Oxford. Ở đó, bà gặp học giả người Anh Michael Aris, người đã trở thành chồng của bà sau này. Bà cũng từng có thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan trước khi quay lại định cư ở Anh cùng chồng và 2 con.

Năm 1988, được tin mẹ bị bệnh nặng, bà về lại Myanmar, giữa lúc đất nước đang trong bối cảnh biến động chính trị. Sinh viên, công nhân viên chức, các nhà sư tuần hành đòi cải cách dân chủ. Thông tin về việc con gái của tướng Aung San trở về Myanmar lan đi như một tia sáng hy vọng, lan toả nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người dân Myanmar. Với bản thân bà, việc đứng vào vị trí thủ lĩnh dẫn đầu phong trào dân chủ lúc bấy giờ như một sứ mệnh, một lời hồi đáp với tư cách là con gái của người anh hùng từng góp phần đem lại nền độc lập cho quốc gia.

Ngày 18/9/1988, đảo chính diễn ra, quân đội lên nắm quyền lực và giải tán các cuộc biểu tình của dân chúng. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại nhà từ năm 1989. Khi chính quyền quân sự tổ chức bầu cử vào năm 1990, đảng NLD của bà giành chiến thắng với khoảng 70% số phiếu, tuy nhiên kết quả này bị chính quyền quân sự bác bỏ.

Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hoà bình nhưng không thể đích thân đến nhận vì đang bị quản thúc ở Yangon. Bà được thả vào năm 1995 và bị quản thúc trở lại vào năm 2000. Năm 2002, bà được thả vô điều kiện nhưng hơn 1 năm sau đó lại phải ngồi tù do những người ủng hộ bà xô xát với một nhóm người do chính phủ hậu thuẫn.

Ông Michael Aris cùng 2 con trai thay mặt vợ nhận giải Nobel Hoà bình năm 1991 tại Oslo. Nguồn: Parismatch
Ông Michael Aris cùng 2 con trai thay mặt vợ nhận giải Nobel Hoà bình năm 1991 tại Oslo. Nguồn: Parismatch

Trong những năm tháng bị quản thúc, bà không được phép gặp chồng và 2 con trai, hầu như bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài. Chỉ những dịp rất hiếm hoi bà được gặp các quan chức NLD khác và một số nhà ngoại giao. Chồng bà, ông Michael Aris, dù không thể thực sự ở cạnh bà trong thời gian đó, nhưng vẫn luôn sát cánh bên bà về mặt tinh thần.

Chính ông là người có công sức không nhỏ trong việc xây dựng hình tượng một nhà đấu tranh hoà bình vì dân chủ được đông đảo cộng đồng quốc tế biết đến, tạo cho bà một nền móng ủng hộ vững chắc từ bên ngoài, lan toả nguồn cảm hứng và hy vọng từ tư tưởng chính trị của bà đến với nhiều thế hệ người dân Myanmar. Trong thâm tâm ông biết mình không thể đứng giữa bà và Tổ quốc - như lời bà từng nói trước khi 2 người kết hôn, nên ông đã lựa chọn trở thành cây cầu nối, giúp bà thực hiện tâm nguyện và sứ mệnh của mình.

Năm 1999, ông chết vì bệnh ung thư. Chính quyền quân sự cho phép bà đến Anh để thăm chồng khi ông đang ốm nặng, nhưng điều kiện đổi lại là bà phải từ bỏ đấu tranh. Bà chỉ có thể quay một đoạn video nói những lời cuối cùng muốn gửi đến người chồng cao thượng của mình. Đoạn clip được chuyển lậu ra khỏi Myanmar, gửi đến Anh nhưng khi đến nơi thì ông Aris đã qua đời. Tháng 11/2010, giai đoạn quản thúc cuối cùng của bà mới kết thúc, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, con trai bà được phép đến thăm mẹ.

Nhìn lại quãng đường mà bà Suu Kyi đã đi qua để đạt đến chiến thắng lịch sử hôm nay, có thể thấy sự bền bỉ theo đuổi lý tưởng, tư tưởng chính trị của bà. Bước lên đài vinh quang vào năm 70 tuổi, hơn 1/3 quãng đường cuộc đời bà dành cho cuộc đấu tranh có lúc công khai, có lúc thầm lặng.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử của NLD mà bà lãnh đạo đã chính thức đi vào lịch sử Myanmar như một cột mốc quan trọng. Từ đây, giai đoạn chuyển tiếp sang một đời sống chính trị mới mẻ, lành mạnh hơn sau nhiều thập kỷ dưới sự thao túng của chính quyền quân sự, mới thực sự bắt đầu.

Hay ít ra, đó là điều mà người Myanmar hy vọng.

Tổng thống đương nhiệm Thein Sein đi bỏ phiếu hôm 8/11. Ông này cũng đã cam kết tôn trọng kết quả bầu cử và tiến hành chuyển giao quyền lực trong hoà bình. Ảnh: AP
Tổng thống đương nhiệm Thein Sein đi bỏ phiếu hôm 8/11. Ông này cũng đã cam kết tôn trọng kết quả bầu cử và tiến hành chuyển giao quyền lực trong hoà bình. Ảnh: AP

Các nhà quan sát nước ngoài hưởng ứng tích cực những chuyển biến mới ở Myanmar nhưng vẫn giữ một quan điểm khá thực tế về tình hình thực sự của tiến trình dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Về mặt lý thuyết, đời sống chính trị ở Myanmar vẫn sẽ chịu sự chi phối đáng kể của quân đội. Quân đội vẫn giữ một phần quyền lực mang tính quyết định trong công việc lập pháp của đất nước, đồng thời nắm giữ những vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị.

Điều này sẽ gây cản trở đáng kể đến quá trình hiện thực hoá những tham vọng cải cách của đảng NLD do bà Suu Kyi đứng đầu. Việc cụ thể nhất có thể thấy là bà Suu Kyi sẽ không có quyền tranh cử Tổng thống - do Hiến pháp quy định công dân kết hôn với người nước ngoài không có tư cách này.

Dù vậy, bà cũng đã cứng rắn tuyên bố sẽ “đứng trên cả Tổng thống”, theo đó bà có quyền chỉ định ra một người phù hợp đảm nhận vị trí này bởi đảng do bà lãnh đạo đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử. Mặc dù kết quả bầu cử vẫn chưa được công bố hoàn toàn, nhưng rất có khả năng NLD sẽ giành đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện và Thượng viện.

Không chỉ quan ngại về quá trình chuyển giao quyền lực ở Myanmar, các học giả nước ngoài còn có những nhận định đa chiều về bà Suu Kyi - theo đó đường lối chính trị của Quý bà Myanmar không hẳn chỉ toàn một màu hồng. Vấn đề của cộng đồng thiểu số hồi giáo rohingya là một trong những lý do cho những ý kiến chỉ trích bà Suu Kyi.

Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế từng báo động về dấu hiệu của một cuộc diệt chủng đối với người rohingya tiến hành bởi chính quyền Myanmar. Cộng đồng này cũng đã không có quyền tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua vì lý do không có giấy tờ căn cước.

Những đứa trẻ rohingya trong một trại tập trung ở Myanmar. Ảnh: AP
Những đứa trẻ rohingya trong một trại tập trung ở Myanmar. Ảnh: AP

Trên thực tế, chính quyền Myanmar đã loại bỏ cộng đồng này ra khỏi danh sách các tộc người trên lãnh thổ đất nước, lấy lý do đây vốn dĩ là những người nhập cư trái phép đến Myanmar trong thời gian Anh đô hộ đất nước. Một số bài phân tích đăng trên truyền thông nước ngoài như Le monde, Huffington Post,…cho rằng vấn đề của người rohingya đã bị NLD “ngó lơ” trong chiến dịch tranh cử vì không muốn làm mất lòng đa số cử tri theo đạo Phật. Được biết, khoảng 90% người Myanmar theo đạo Phật và một phong trào Phật giáo cực đoan kỳ thị người hồi giáo mang tên Ma Ba Tha đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Myanmar.

Tất nhiên bà Suu Kyi, NLD và những người ủng hộ hoàn toàn có lý do để ăn mừng chiến thắng lịch sử của mình. Nhưng khó khăn thực sự chỉ vừa mới bắt đầu, với những gánh nặng khổng lồ về chính trị, kinh tế, xã hội. Trong bài diễn văn mà bà Suu Kyi viết và được đọc tại cuộc họp của Ủy ban Thế giới về văn hoá và sự phát triển (Philippines, năm 1994), có đoạn:

“Nhà nước cần phải tìm ra những giải pháp để cho phép dân chúng tham gia nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề chung, qua đó tăng sức ảnh hưởng của người dân lên những quyết định liên quan đến cuộc sống của họ”.

Chúng ta cùng chờ xem bà sẽ hiện thực hoá tư tưởng chính trị của mình như thế nào...

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN