Nhìn lại thế giới tuần qua: Thế giới - cũ và mới!
(Baonghean) - Những ngày trung tuần của tháng cuối năm, thế giới tiếp tục đón nhận nhiều thông tin về cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu hay chính sách trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga. Những câu chuyện không mới, nhưng chứa đựng những con số và vấn đề hết sức thời sự…
Gần 1 triệu người di cư vào châu Âu
Đến thời điểm này, ước tính đã có hơn 990.000 người di cư tiến vào châu Âu, một con số “khủng khiếp” theo nhận định của nhiều nhà phân tích. Ấy nhưng, mọi chuyện còn có thể đi xa hơn, vì số người đổ xô về “lục địa già” vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, và chỉ vài ngày tới, Tổ chức Di cư Quốc tế nhận định lượng người này sẽ chính thức cán và vượt mốc 1 triệu. Trước tình cảnh đáng lo ngại đó, cơ quan biên giới của Liên minh châu Âu (Frontex) đang nỗ lực tăng cường các lực lượng để ứng phó.
![]() |
Số người di cư vào EU sắp sửa vượt ngưỡng 1 triệu người. Ảnh: AFP. |
Cơ quan Di cư Quốc tế, trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ vừa đưa ra công bố hôm 18/12 cho biết gần 991.000 người bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã vượt biển tiến vào địa phận châu Âu trong năm nay, và con số đáng quan ngại trên vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Người phát ngôn của Cơ quan Di cư Quốc tế, ông Joel Millman cho biết: “Chúng tôi chứng kiến dòng người di cư ồ ạt vào thời điểm cuối năm và có lẽ đầu tuần tới, thậm chí có thể sớm hơn, ước tính số lượng người di cư sẽ vượt qua con số 1 triệu. Đây là điều hết sức bất thường”.
Tại sao lại bất thường? Hãy thử làm một phép so sánh nhỏ, với 1 triệu người di cư mải miết hướng về miền đất hứa trong năm 2015, đó sẽ là con số kỷ lục và cao hơn năm 2014 ít nhất 4 lần! Thông báo trên lại được đưa ra đúng vào Ngày Di cư Quốc tế, càng thu hút thêm sự đổ dồn ánh mắt của dư luận nhiều phía.
Cơ quan phụ trách vấn đề di cư của Liên Hợp quốc cũng đưa ra báo cáo nêu rõ những biến cố đột ngột diễn ra trên hành tinh do chiến tranh, xung đột và đói nghèo đã khiến cho số người rơi vào cảnh phải bỏ xứ ra đi gia tăng ở mức chưa từng có tiền lệ: trung bình trên thế giới cứ 122 người lại có 1 người buộc phải tìm đường ly hương.
Rõ ràng sự bùng phát về lượng người di cư xuất phát từ khu vực Trung Đông chiến tranh liên miên và vùng châu Phi bị nghèo đói phải trả một cái giá không nhỏ về người, khi ít nhất 422 người đã bỏ mạng trên biển kể từ ngày 16/10 đến nay, nghĩa là bình quân mỗi ngày lại có 7 nạn nhân thiệt mạng trong những hành trình lênh đênh dài ngày trên biển. Giới quan sát và phân tích từng trông đợi tình hình sẽ lắng dịu khi mùa đông đến gần, tương tự như những diễn biến vào năm ngoái.
![]() |
Tình cảnh mạo hiểm mạng sống trong những chuyến vượt biển tìm miền đất hứa của người di cư chạy trốn chiến tranh, xung đột và đói nghèo. Ảnh: Reuters. |
Thế nhưng, đến giờ phút này, thực tế lại xảy ra trái ngược với mong đợi và hy vọng của nhiều người. Vẫn còn không ít người mạo hiểm tiến hành những chuyến đi tới châu Âu, và mới nhất, khoảng 4.300 người đã đặt chân tới bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, gần những hòn đảo của Hy Lạp hôm 16/12 vừa qua.
Trong một động thái gây tranh cãi, EU đã cam kết cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro (3,25 tỷ USD) để ngăn dòng di cư tiếp cận EU từ lãnh thổ của nước này. Nhiều nhóm nhân quyền đã chỉ trích kế hoạch nói trên, cho rằng điều đó không đủ để bảo đảm việc Ankara đối đãi tử tế với người di cư, thậm chí họ sẽ bị trả về những khu vực xung đột - điều mà họ hoàn toàn không muốn.
Không những thế, một số quốc gia châu Âu đã phản ứng trước cuộc khủng hoảng di cư bằng việc dựng rào chắn và tăng cường các lực lượng tại biên giới do lo lắng trước thực trạng ngày càng nhiều người tìm về lục địa này để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với những diễn biến khó lường như trên, chắc chắn cuộc khủng hoảng di cư vẫn khó lòng lắng xuống trong chương trình nghị sự của EU trong ngắn hạn, và năm 2016 rồi đây sẽ còn phải chứng kiến nhiều biến động hơn nữa của “bi kịch” đang đẩy EU vào cảnh khốn khó như hiện nay.
Thêm 6 tháng EU trừng phạt Nga
Ngày 21/12 tới, quyết định của EU về việc gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga nhiều khả năng sẽ được thông qua nếu không vấp phải sự phản đối nào từ phía các quốc gia thành viên của khối nước này. Các nhà ngoại giao của EU đã thống nhất sẽ nới rộng thời hạn của các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng nữa, lấy lý do là những cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Phía Brussels đưa ra điều kiện, nếu muốn gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhất thiết Moskva phải thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình.
![]() |
Quan hệ Nga-EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng khi Brussels dự định gia hạn trừng phạt Moskva đến tháng 7/2016. Ảnh: dpa. |
Theo hãng tin AFP, cuộc họp hôm 18/12 của đại sứ 28 nước EU đã cùng nhau thống nhất mở rộng các lệnh trừng phạt Nga, không bao lâu sau Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels với khẳng định của Thủ tướng Italy cho hay ông muốn thảo luận thêm về các lệnh trừng phạt trước khi mở rộng chúng.
Điều kiện của EU đưa ra để gỡ bỏ lệnh trừng phạt là cần phải thực thi thành công thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được giữa các lực lượng nổi dậy thân Nga tại các khu vực ở miền Đông Ukraine và Chính phủ Kiev. Nhiều ý kiến từ phương Tây nhận định thỏa thuận này chưa được thực thi đầy đủ, và Moskva bị cáo buộc là đã không sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đưa các nhóm nổi dậy vào khuôn khổ.
Như vậy, khi mà mối quan hệ giữa Nga với phương Tây vốn dĩ đã không mấy suôn sẻ, nhiều khả năng nó còn tiếp tục căng thẳng hơn khi các lệnh trừng phạt của EU sẽ kéo dài tới tận cuối tháng 7 năm sau. Đồng nghĩa với đó, các công dân mang quốc tịch EU sẽ không thể mua bán cổ phiếu và cổ phần dài hạn của một loạt ngân hàng, công ty quốc phòng và năng lượng.
Thêm vào đó, đóng băng tài khoản và cấm thị thực cũng sẽ bị áp dụng cho 149 cá nhân và 37 thực thể. Những lệnh hạn chế cũng bao gồm việc cấm cung cấp công nghệ quân sự và các thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng, cấm đầu tư và cung cấp dịch vụ du lịch tại Crimea và Sevastapol, tới mức tàu du lịch của EU không được phép cập cảng tại các khu vực này ngoại trừ tình cảnh khẩn cấp.
Những lệnh trừng phạt chống Nga lần đầu được đưa ra hồi tháng 7/2014, viện lý do EU phản ứng trước việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea. Tính đến nay, các biện pháp được áp đặt đều có mục đích cản trở hoạt động nhập khẩu của Nga cũng như khả năng tiếp cận của hệ thống ngân hàng nước này với các thị trường vốn của EU, đẩy căng những mâu thuẫn sẵn có giữa Brussels và Moskva.
Nếu cứ tiếp diễn và không có dấu hiệu xoa dịu căng thẳng, cả 2 bên đều sẽ phải chịu thiệt, và con số hàng tỷ USD tổn thất của cả Nga và EU như hiện nay sẽ chỉ là mức ước tính tạm thời trong thời điểm hiện tại.
Thu Giang
(Theo Deutsche Welle)
TIN LIÊN QUAN |
---|