Thương hiệu Việt cần có tên tiếng Việt
Trong một bộ phim trên chương trình Văn nghệ chủ nhật của Đài Truyền hình Việt Nam có chi tiết, một quán lòng lợn tiết canh đang làm ăn phát đạt được đổi thành “nhà hàng Lolotica” và nhà hàng bị phá sản. Chi tiết hài hước này làm khán giả thích thú và vẫn nhớ cho đến bây giờ. Thế nhưng, không ngờ, hiện tượng “tây hóa” như trong câu chuyện cách đây 15 năm vẫn còn diễn ra trong thực tế hiện nay.
Ảnh minh họa (vietnamcoffee). |
Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, thay đổi tâm lý, tư duy sính hàng ngoại của người dân thì không chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, mà hơn ai hết trách nhiệm trước hết phải ở các doanh nghiệp (DN). Vẫn biết việc “tây hóa” thương hiệu của mình là một trong những chiến lược kinh doanh đem lại nhiều lợi ích như gia tăng khả năng quan tâm của khách hàng, gia tăng uy tín của sản phẩm... Song, lợi ích của việc đặt tên theo kiểu tây hóa chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế cho thấy, những thương hiệu có tên thuần Việt cũng đã tạo được uy tín với người tiêu dùng. Những tên tuổi như dầu Cái Lân, càphê Trung Nguyên, gạch Đồng Tâm, nước mắm Phú Quốc... Thậm chí, trong xu hướng hiện nay, nhiều sản phẩm của nước ngoài (chủ yếu của Trung Quốc) để tiêu thụ được thị trường trong nước đã phải dán mác “Sản xuất tại Việt Nam” và lấy tên của một thương hiệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ, đã có sự chuyển biến về cách nhìn của người dân về chất lượng của hàng Việt.
Đứng trước thử thách, rào cản về việc hội nhập kinh tế toàn cầu trong giai đoạn tới, chiến lược dùng thương hiệu “tây hóa” của các DN sẽ dẫn đến nhiều bất lợi. Khi mà hàng hóa của các thương hiệu nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh thì cái tên “tây hóa” của sản phẩm trong nước liệu có còn sức hút người tiêu dùng?
Việc “tây hóa” cái tên của mình mà nhiều DN đang làm có thể đã mang lại hiệu quả kinh doanh trong thời điểm hiện tại. Nhưng việc làm này càng làm cho tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước tăng lên. Đúng ra, các DN muốn phát triển bền vững thì phải chung tay với các nhà quản lý để làm thay đổi tư duy này của người tiêu dùng. Hãy tự tin chọn ngôn ngữ dân tộc cho thương hiệu của mình.
Theo Lao động