Bấp bênh đời sống công nhân

03/11/2015 10:25

(Baonghean) - Trong số hơn 1,3 vạn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam, hiện có khoảng 5.000 người thiếu nhà ở; 1.120 cháu bé dưới 36 tháng tuổi là con công nhân phải gửi về quê để ông bà chăm sóc; gần 800 trẻ dưới 36 tháng tuổi đang có nhu cầu đến lớp mầm non nhưng chưa có nhà trẻ để gửi.

Thiếu vật chất, tinh thần

Chị Phan Thị Huyền – công nhân Công ty TNHH Matrix, quê ở Yên Thành cho biết: “Bình quân thu nhập của tôi bao gồm cả làm thêm giờ là 3,7 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê phòng trọ 400.000 đồng/tháng thì phải chi tiêu dè dặt mới có thể gom góp tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Hầu hết, chúng tôi đi làm về đã gần tối nên chỉ qua bên kia đường mua tạm tý thịt hoặc quả trứng, đậu phụ, mớ rau ăn qua bữa”.

Thực đơn nghèo nàn, lặp đi lặp lại và chỉ đáp ứng về tinh bột, chưa đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe công nhân.

Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam trao quà   cho các nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam trao quà cho các nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Khu công nghiệp Bắc Vinh và Khu công nghiệp Nam Cấm có trên 5.000 lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Hiện họ đang thuê phòng trọ tạm bợ trong dân cư chật hẹp, lợp mái tôn hoặc phibrôximăng nên rất nóng vào mùa hè, ẩm thấp vào mùa đông, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ.

Theo số liệu khảo sát, tại KCN Bắc Vinh và Nam Cấm có 1.120 cháu dưới 36 tháng tuổi phải gửi về quê để ông bà chăm sóc; 751 trẻ dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ, có nhu cầu đến lớp mầm non nhưng chưa có nhà trẻ để gửi. Việc ở tạm, sinh con không có nơi gửi, thu nhập thấp nên nhiều công nhân thiếu gắn bó với công việc, thậm chí nhiều người đành bỏ việc.

Một khu nhà trọ cho công nhân ở gần khu công nghiệp Bắc Vinh.
Một khu nhà trọ cho công nhân ở gần khu công nghiệp Bắc Vinh.

Theo khảo sát của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, riêng KCN Bắc Vinh và Nam Cấm có trên 13.000 công nhân, trong đó 93,5% công nhân trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ chưa có con chiếm 70,3%; có 69% công nhân cho rằng, có hiện tượng “sống thử”. Chị Đinh Thị Bình - chủ nhà trọ số nhà 394, đường Đặng Thai Mai (TP. Vinh) cho biết: “Công nhân thiếu thốn tình cảm nên cũng có nhiều trường hợp ở quê đến ở trọ một tuần đã yêu đương và “sống thử”.

Bên cạnh đó, công nhân hiểu biết rất ít về kiến thức sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai... dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, viêm nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng làm mẹ, sức khỏe, tinh thần và có nhiều hệ lụy khác cho bản thân...

Cần chính sách đồng bộ

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho công nhân, Công đoàn KKT Đông Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Lao động. Đến nay, tỷ lệ công nhân được giao kết hợp đồng lao động đạt 100%; có 70% doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

Ông Nguyễn Danh Chuyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên cho biết: “Công đoàn cơ sở phối hợp cùng chủ doanh nghiệp tổ chức tốt các phong trào thi đua, thường xuyên trao đổi về thực hiện các chính sách như cải thiện bữa ăn ca, tiền lương, định mức lao động, tăng các khoản phụ cấp cho người lao động. Chúng tôi đã thương lượng người sử dụng lao động tăng phụ cấp chuyên cần cho người lao động từ 200.000 đồng/người/tháng lên 400.000 đồng/người/tháng; tăng tiền ăn ca từ 12.000 đồng/suất lên 15.000 đồng/suất”. Từ năm 2012 đến nay, có 735 công nhân có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn KKT Đông Nam, công đoàn cơ sở thăm hỏi và tặng quà; hỗ trợ 3 công nhân xây dựng 3 nhà “Mái ấm công đoàn”.

Cuộc thi “Duyên dáng Khu kinh tế Đông Nam 2015” - Một giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân. Ảnh: M.N
Cuộc thi “Duyên dáng Khu kinh tế Đông Nam 2015” - Một giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân. Ảnh: M.N

Nhiều năm qua, Công đoàn KKT Đông Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Vui tết cùng công nhân”; “Giai điệu Tháng Công nhân năm 2015”; “Ngày hội thanh niên công nhân năm 2015”. Các chương trình giao lưu thể thao, giao lưu văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng đã tạo nên những “bữa ăn tinh thần” sau giờ làm việc mệt mỏi và đã thu hút hàng ngàn công nhân tham gia.

Để nâng cao đời sống của công nhân, rất cần sự quan tâm một cách đồng bộ của các tổ chức chính trị xã hội và người sử dụng lao động. Trước hết cần cải cách về chính sách tiền lương tối thiểu của người lao động; đánh giá đúng thực trạng để điều chỉnh phù hợp nhu cầu cuộc sống.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và người sử dụng lao động cần đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng các điểm giao lưu sinh hoạt thể thao, văn hóa, trường học, nhà trẻ dành cho con công nhân và đầu tư kinh phí cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân khu công nghiệp...

Minh Nguyệt

(Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam)

TIN LIÊN QUAN