Thúc đẩy thị trường bằng các ưu tiên cụ thể

09/11/2015 07:36

(Baonghean) - Sau 25 năm đổi mới, nông nghiệp (NN) Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm; việc ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ rất thấp, việc đưa ra sản xuất đại trà còn nhiều khó khăn và chưa có chính sách “đủ mạnh” để phát triển.

Tăng năng suất sinh học của đất đai

Thực trạng nền sản xuất NN Việt Nam cho thấy, với diện tích đất sản xuất của mỗi nông hộ khá hạn chế, để nâng cao thu nhập cho nông dân, cần phải tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất sinh học của đất đai; đồng thời, tạo sự liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế của cả chuỗi SX - KD. Mặt khác, các địa phương cần có các cách làm năng động, sáng tạo, có chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào địa bàn nông thôn như đầu tư làm công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng phải tăng cườngliên kết vùng gắn với việc bổ sung hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh chung của cả vùng và từng địa phương.

Nông dân xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) thu hoạch lúa hè thu.  Ảnh: Trường Sinh
Nông dân xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Trường Sinh

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nông, lâm, ngư nghiệp là lĩnh vực đóng góp vai trò rất quan trọng trong giải quyết các vấn đề KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, tăng trưởng NN trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư) và nguồn lực tự nhiên cao. Điều này giải thích cho việc tăng trưởng qua các giai đoạn có xu hướng giảm do các nguồn lực sản xuất NN là có hạn, chịu sự cạnh tranh của các ngành công nghiệp, xây dựng trong sử dụng đất đai, nguồn nước,… Giải pháp duy nhất để nông nghiệp phát triển bền vững về cả số lượng, chất lượng là tăng cường áp dụng KH&CN trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng của từng sản phẩm - TS. Đào Thế Anh - Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho biết.

Không những thế, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản dịch chuyển chậm, trong đó, tỷ trọng thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành tuy đã tăng nhanh trong giai đoạn từ 2000 - 2007 nhưng lại có xu hướng giảm dần. Sản xuất NN vẫn nặng về trồng trọt (chiếm tỷ trọng 73%), chăn nuôi và dịch vụ mới chỉ chiếm 27%. Kết cấu kinh tế nông thôn vẫn chủ yếu là thuần nông (sản xuất NN chiếm 65%), các hoạt động phi NN, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy chuyển dịch lao động. Ứng dụng KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nông sản, bởi đầu tư KH&CN của Việt Nam vẫn quá chú trọng vào khâu sản xuất, chưa có các định hướng về thị trường dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam hầu như ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đó là chưa kể tới sự bất hợp lý trong phân phối giá trị các ngành hàng nông sản, giá trị gia tăng trên lao động NN thấp.

Thiết lập các nhóm doanh nghiệp đủ lực

Tổng kết 20 năm đổi mới đất nước cho thấy, với quá trình đổi mới chính sách, tập trung đầu tư cho lĩnh vực NN và sự phát triển của KH&CN đã giúp ngành NN có động lực bền vững để phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy cần có những thay đổi về tác nhân chủ đạo, trong đó, cần xác định phát triển KH&CN phải làm nền tảng cho việc gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Cần thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của DN, các đơn vị kinh tế trọng điểm, kêu gọi DN đầu tư vào NN, nông thôn; thiết lập các nhóm DN đủ nguồn lực để làm chủ được thị trường cho mỗi sản phẩm chủ lực của Việt Nam, có thể đứng vững trên thị trường trong xu thế hội nhập lan rộng hiện nay, đặc biệt là sau khi thành lập cộng đồng kinh tế Asean và hiệp định TPP được ký kết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách và hoàn thiện chính sách trong NN nói chung và chính sách tích tụ ruộng đất nói riêng, thông qua các hình thức khác nhau như mua bán, thành lập tổ chức nông dân,… Phát triển KH&CN cần phải là yếu tố quyết định, là nền tảng cho phát triển NN, nông thôn bền vững.

So với các nước trong khu vực, tăng trưởng NN của Việt Nam tương đối cao và ổn định hơn, với mức bình quân giai đoạn 1986 - 2012 là 3,8%, gần bằng mức 4,1%/năm của Trung Quốc là nước có đầu tư nhiều về KHCN cho NN, ổn định và cao hơn mức 2,8%/năm của Thái Lan là nước có trợ cấp nhiều cho NN. Đặc biệt trong giai đoạn 2001-2013, đầu tư của nhà nước cho NN nông thôn nói chung và cho KH&CN nói riêng được đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi có Nghị quyết 26 của Đảng về NN, nông dân, nông thôn. Đây cũng là giai đoạn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong NN, chuyển từ cây trồng, con nuôi có giá trị thấp sang giá trị cao hơn, đồng thời với việc nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường và thực hiện các cam kết thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, đóng góp này khó có thể tăng cao trong thời gian tới với công nghệ hiện tại, chủ yếu tận dụng tài nguyên và tăng sản lượng sản phẩm thô. Các vấn đề trên đặt ra yêu cầu cấp bách của đổi mới thể chế chính sách tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi trên cơ sở đầu tư KH&CN.

Thay đổi tư duy sản xuất

Theo nhu cầu thị trường

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Quang - Viện Khoa học NN Việt Nam, chúng ta cần xác định 3 trụ cột cho phát triển NN hiện nay là: nghiên cứu KHCN, DN và HTX và tổ chức nông dân, chính sách/thị trường. Trong đó, KHCN có tính chất quyết định. Do đặc trưng của sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, DN được coi là tác nhân đầu tàu có thể kéo nền nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam phát triển. Các DN có nguồn vốn lớn có thể tăng cường đầu tư cho NN quy mô lớn và hiệu quả; nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế; có tiềm lực ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ban hành các chính sách để kêu gọi DN đầu tư vào khu vực này, đã tạo ra môi trường rất tốt cho DN đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, DN đầu tư vào khu vực này là rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1,14% tổng số DN trong năm 2012, và các DN có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ. DN đầu tư trực tiếp vào sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi hay trồng rừng chỉ chiếm 25% tổng số DN nông nghiệp hiện nay. Vì vậy, để phát triển được thị trường KH&CN trong NN chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng của các tác nhân sử dụng công nghệ trong chuỗi giá trị NN. Đó là DN, HTX kiểu mới, trang trại và các hộ nông dân tiên tiến.

Về mặt chính sách, để thúc đẩy cầu KH&CN, cần hỗ trợ DN, HTX và nông dân ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp. Về nghiên cứu phát triển, cần ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu; cần hỗ trợ cao nhất chi phí khi DN tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng và dự án phát triển. Không những thế, cần có chính sách minh bạch và công bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Về thị trường, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, quản lý ngành theo tiếp cận chuỗi giá trị. Chính phủ hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hoặc hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, huy động tối đa sự tham gia của các hãng vận tải (kể cả hàng không) để sử dụng và giới thiệu sản phẩm) hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm; bảo hộ chỉ dẫn địa lý với các nông, lâm nghiệp đặc sản. Về đầu tư, cần tái cơ cấu đầu tư công nghiên cứu theo chuỗi giá trị, tập trung hơn vào tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, nghiên cứu dự báo thị trường; ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực; tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất như mua cổ phiếu tại DN. Đồng thời, cần có chính sách về thúc đẩy cung KH&CN bằng các ưu tiên cụ thể về thuế, về mặt bằng, về dịch vụ tư vấn… Các DN nhập khẩu công nghệ tốt cần được ưu đãi về thuế và giới thiệu sản phẩm nhằm giảm giá thành công nghệ…

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN