Các bà mẹ mang thai nên thực hiện chế độ ăn như thế nào?

23/11/2015 09:13

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai không phải chỉ cần số lượng, mà còn phải đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

Những chất này sẽ đảm bảo sức khỏe của mẹ đồng thời xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn và tiết niệu...

Dinh dưỡng đúng

Phụ nữ mang thai cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Nên ăn nhiều bữa để đạt nhu cầu dinh dưỡng. Mỗi bữa nên ăn thêm một bát cơm (cùng với thức ăn) so với khi chưa mang thai. Nên chọn gạo tốt, không xát kỹ để khỏi mất vitamin B1. Các loại khoai củ có ít chất đạm nên chỉ ăn thêm chứ không ăn thay bữa chính.

Cần ăn thức ăn giàu đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và các loại đậu... Nếu có điều kiện, mỗi ngày nên uống 2 - 3 cốc sữa ( mỗi cốc khoảng 200ml). Nên sử dụng dầu thực vật và chỉ ăn vừa phải.

Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi mỗi ngày, đặc biệt là rau lá xanh đậm và củ quả vàng cam đậm. Chất ngọt chỉ ăn vừa phải. Sử dụng muối i-ốt trong ăn uống và chế biến thực phẩm. Hạn chế tối đa thức uống có cồn (rượu, bia), không uống cà phê, trà đặc.

Một số lưu ý

Tùy từng giai đoạn thai phụ cần có chế độ ăn phù hợp. Tuy nhiên, trong qua trình mang thai bà mẹ có một số những lưu ý sau:

Nếu ở những thời kỳ đầu khi mang thai có cảm giác nghén, buồn nôn, nôn do sợ mùi vị thức ăn thì cần chia nhỏ bữa ăn, chế độ ăn nên ít béo và nhiều chất bột đường để bổ sung protein, năng lượng, chất khoáng, vitamin và điện giải.

Ở giai đoạn sau của thai kỳ, do tử cung to tạo áp lực lên dạ dày cùng với sự nới lỏng cơ vòng thực quản nên dịch tiêu hoá dễ trào lên thực quản gây nóng rát. Triệu chứng này sẽ giảm bằng cách ăn ít mỗi bữa và không nên nằm ngay sau khi ăn.

Sau tuần 20 của thai kỳ, nếu tẩm bổ không đúng cách thai phụ dễ bị đái tháo đường thai kỳ, để phòng bệnh thai phụ cần ăn đủ nhu cầu, theo dõi đường huyết thường xuyên, giữ mức đường trong máu ổn định, phòng ngừa tình trạng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng dự trữ. Nên hạn chế các đồ ăn nhiều cholesterol, hạn chế tối đa ăn đường.

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, do giảm nhu động ruột, phụ nữ ít hoạt động thể lực, tử cung to đè lên đại tràng nên thai phụ dễ bị mắc táo bón và trĩ. Những chứng này có thể giảm khi thai phụ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và trái cây, uống nhiều nước./.

Theo Sức khỏe và đời sống

TIN LIÊN QUAN