Sức vươn mới sau Đại hội Đảng các cấp ở Con Cuông

16/12/2015 16:07

(Baonghean) - Sau Đại hội Đảng bộ các cấp, các địa phương, đơn vị cơ sở của huyện Con Cuông tích cực triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống. Mỗi xã, vùng, ngành ra sức tập trung thực hiện các đề án trọng điểm, thực hiện nhiều giải pháp phát huy thế mạnh, tiềm năng để hướng đến phát triển vững chắc.

Lãnh đạo huyện Con Cuông trao đổi với bà con làng nghề thổ cẩm xã Môn Sơn
Lãnh đạo huyện Con Cuông trao đổi với bà con làng nghề thổ cẩm xã Môn Sơn.

Trở lại xã Môn Sơn khi nhân dân đang bám lịch thời vụ chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Trên cánh đồng Mường Quạ, bà con thau rửa ruộng, tập kết phân bón, dẫn nước vào trong ruộng. Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn Tụ cho biết: "So với các xã khác trong huyện thì Môn Sơn vẫn có tiềm năng đất nông nghiệp để sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa, vì vậy, Đảng bộ xã nhiệm kỳ này có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất”.

Trên cơ sở đó, Môn Sơn đã đưa vào thử nghiệm trồng 20 ha mía giống Rốc, phối hợp với Nhà máy sắn trồng 50 ha sắn cao sản KM94 tại các bản Bắc Sơn, Thái Hòa, Tân Hòa. Cũng trên cơ sở rà soát quỹ đất, xã lên kế hoạch để thực hiện đề án nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: quy hoạch trồng thí điểm chè công nghiệp tại khu vực Bằng Mùn - Làng Xiềng, trồng chuối tại khu tái định cư Cửa Rào.

Xã Môn Sơn còn chú trọng duy trì và phát triển hoạt động của HTX thủ công mỹ nghệ của xã với ngành nghề chủ yếu là dệt thổ cẩm. HTX thủ công mỹ nghệ Môn Sơn được thành lập năm 2008, hiện có 50 xã viên chủ chốt, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động. Sản phẩm chủ yếu của HTX gồm khăn tơ, túi, áo, váy các loại.

Chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX cho biết: Cùng với đổi mới mẫu mã, HTX cũng đang có kế hoạch đầu tư mua thêm máy thêu, máy khâu để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Đồng thời thành lập các tổ chuyên chăm lo từng khâu, từng công đoạn trong quá trình sản xuất và liên kết với hoạt động du lịch của Vườn Quốc gia Pù Mát của huyện để tiêu thụ sản phẩm.

Bà con xã Yên Khê thu hoạch cam
Bà con xã Yên Khê thu hoạch cam.

Tại xã Châu Khê, sau Đại hội Đảng bộ xã cũng tập trung chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống đường giao thông vào các bản trong xã đã được bê tông hóa phẳng lỳ, sạch sẽ, đã tạo nên một diện mạo mới cho bản làng. Những nếp nhà sàn truyền thống như được tô điểm thêm khi hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Đây là kết quả của sức dân, sự đồng thuận, đồng lòng của hệ thống chính trị, của bà con dân bản dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã.

Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Biên cho biết: Hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đang tạo cho Châu Khê một niềm tin, khí thế mới khi bước vào thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 để xã phát triển toàn diện vùng hữu ngạn. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng ủy xã thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất phù hợp trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất bằng, đất vệ, đất rừng để phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đầu tư thâm canh ruộng nước, trồng chè công nghiệp, cam hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu theo hướng tích cực.

Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thạch Ngàn
Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thạch Ngàn.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người từ 13.861.200 đồng lên 23.815.000 đồng/ năm trong nhiệm kỳ, Yên Khê đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển 2 cây hàng hóa chủ lực như chè tăng diện tích từ 225 ha lên 350 ha, cam từ 110 ha lên 200 ha. Đồng thời, ổn định diện tích lúa nước 120 ha 2 vụ từng bước đưa vụ đông vào sản xuất trên đất 2 lúa. Riêng đối với cây cam, Yên Khê quán triệt thực hiện chủ trương phát triển theo đề án của huyện, trên cơ sở khảo sát cụ thể đất đai để chỉ đạo quy hoạch vùng trồng cam ở bản Pha, Tân Hương, Trung Yên.

Đồng chí Tăng Ngọc Sơn bên vườn cam của mình
Đồng chí Tăng Ngọc Sơn bên vườn cam của mình.

Theo sự hướng dẫn của lãnh đạo xã Yên Khê, chúng tôi tới thăm vườn cam của gia đình Bí thư Chi bộ bản Pha Tăng Ngọc Sơn. Câu chuyện về cây cam trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên đất khó vùng Truông Cồng ngay từ vụ quả bói đầu tiên đã làm cho ông say sưa trồng cam và vận động các hộ dân khác trong thôn cùng trồng.

Trên diện tích 1,4 ha, được Bí thư chi bộ Tăng Ngọc Sơn trồng 1 ha (500 gốc cam Vân Du), diện tích còn lại trồng cam V2, do trồng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam phát triển tốt, vụ thu hoạch quả bói đầu tiên từ cam Vân Du doanh thu 330 triệu đồng. Ông Sơn khẳng định: Vùng đất này cây cam đã khẳng định hiệu quả nên chúng tôi đầu tư trồng rất yên tâm. Chi bộ cũng vận động nhân dân tùy từng điều kiện cụ thể để áp dụng phương thức liên kết hay trồng độc lập. Nhờ có sự vận động của chi bộ mà hiện tại bản Pha đã có 22 hộ tham gia trồng cam trên diện tích 50 ha (trong đó có 20 ha theo mô hình liên kết).

Một góc Thị trấn Con Cuông
Một góc Thị trấn Con Cuông.

Để thực hiện mục tiêu phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Con Cuông trở thành huyện khá toàn diện, là trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Tây Nam, thực hiện thành công đô thị sinh thái, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, Con Cuông xác định có 3 mũi đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đồng bộ.

Hiện tại, Con Cuông đang chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án trên lĩnh vực nông nghiệp: hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như chè 400 ha tập trung vùng hữu ngạn, mía 1.000 ha, sắn nguyên liệu 1.000 ha nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất vùng tả ngạn. Về cây ăn quả, Con Cuông đang đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển cây cam 250 - 300 ha, đảm bảo sản lượng nâng chất lượng thương hiệu cam Con Cuông... Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bên cạnh duy trì các cơ sở chế biến nông, lâm sản như chế biến chè công nghiệp, chế biến lâm sản đã có đảm bảo tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy Thủy điện Khe Choăng, Thủy điện Chi Khê...

Đồng chí Hoàng Đình Tuấn - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, Con Cuông còn bổ sung và tập trung thực hiện quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Con Cuông trở thành đô thị sinh thái. Theo đó, huyện sẽ cụ thể hóa bằng các nghị quyết, đề án và có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với cơ sở gắn với kiểm tra định kỳ.

Hồng Sơn

TIN LIÊN QUAN