Mài sắc bút lực, tôn vinh cái đẹp, đẩy lùi cái xấu

03/01/2016 07:15

“Năm 2016 phải là năm thật sự chặn đứng tình trạng thông tin giật gân, câu khách; tiếp tục xử lý các ấn phẩm, chương trình, các thông tin tổng hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, yếu kém về chất lượng, lá cải, gây hại cho đạo đức xã hội...”, đó là tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành Tuyên giáo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Trước hết phải khẳng định, trong 5 năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo cả nước đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp rất lớn vào những thành quả “quan trọng, có ý nghĩa lịch sử” của đất nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, 9/1962. (ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, 9/1962. (Ảnh tư liệu)

Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế. Báo chí đã trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Báo chí cả nước đã tích cực tuyên truyền về công tác tổ chức và tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội và đã trở thành một diễn đàn quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng và tiếng nói của người dân. Nhiều cơ quan báo chí đã dấn thân, tích cực lao vào “cuộc chiến” chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Báo chí cũng đã quảng bá tốt hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại. Báo chí cũng đã tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, nhiều nhà báo đã sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kiên cường, khôn khéo trước hiểm nguy để cho ra những tác phẩm chân thực, khách quan nhất, góp phần đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Đó là những hình ảnh đẹp, là dấu ấn sâu đậm của những người làm báo, trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả quan trọng, báo chí vẫn đang còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là tình trạng thông tin sai sự thật tiếp tục diễn ra, gây tác động xấu trong xã hội. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm được khắc phục. Nhiều bài viết phản ánh về cái xấu, cái tiêu cực nhưng vô hình chung lại tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực. Thông tin về cái ác, về “cướp, giết, hiếp” vẫn là đề tài nóng được nhiều cơ quan báo chí “săn lùng” miêu tả đậm nét. Nhiều khi thông tin về các vụ thảm sát, giết người man rợ lấn át các thông tin chính trị, thông tin về người tốt việc tốt.

Cùng với đó, khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều chương trình của các nhà đài chỉ nhằm thu hút lợi nhuận, chủ yếu là chiếu các phim của nước ngoài, trong đó phần nhiều là phim kiếm hiệp, dã sử của nước ngoài để thu hút quảng cáo. Những câu chuyện buồn về việc một số học sinh thuộc nhân vật lịch sử nước ngoài hơn lịch sử Việt Nam có phần trách nhiệm của báo chí trong việc công bố, chiếu quá nhiều phim từ nước ngoài, trong khi các chương trình giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức về lịch sử còn hạn chế.

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại đảo Nam Yết - quần đảo Trường Sa.
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại đảo Nam Yết - quần đảo Trường Sa. (Ảnh tư liệu)
Vi phạm về quảng cáo trên báo chí tiếp tục diễn ra. Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi đối với tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp vẫn tiếp diễn. Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử.

Trong 5 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý 242 lượt cơ quan báo chí vi phạm, trong đó, cảnh cáo 11 lượt cơ quan báo chí, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền hàng tỷ đồng; đình bản và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí đối với 14 trường hợp và hàng chục nhà báo vi phạm bị thu hồi thẻ hành nghề... Đó thực sự là những thông tin buồn mà không một ai trong số hàng chục ngàn nhà báo mong muốn. Trách nhiệm khắc phục những hạn chế, yếu kém thuộc về cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, đặc biệt là trách nhiệm của từng cơ quan báo chí và những người làm báo.

Năm 2016 đã tới. Một năm dự báo nhiều thời cơ đối với quốc gia, dân tộc; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; là thời điểm triển khai nhiều cam kết, chương trình hành động từ 14 hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia. Đây cũng là năm đầu triển khai chương trình của cộng đồng kinh tế ASEAN, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ủng hộ hòa bình khu vực, và phát triển văn hóa giữa các thành viên ASEAN…

Cùng với những “làn gió” mát lành thúc đẩy vận hội của đất nước, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức khó lường. Một trong những thách thức tại thời điểm này là các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng môi trường mạng Internet toàn cầu để tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, tung nhiều thông tin thất thiệt nói xấu nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân...

Để báo chí thực hiện tốt vai trò, chức năng “là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân” thì không có cách nào khác là từng cơ quan báo chí và mỗi người làm báo cần tự soi lại mình, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, để mài sắc bút lực, tôn vinh cái đẹp, cái tốt đang “ngự trị” trong đời sống xã hội, nhằm đẩy lùi cho được cái xấu, cái độc hại.

Trong ngày đầu năm mới, chúng ta cùng nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”./.

Theo ĐCSVN