Tăng cường gắn kết doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước

27/12/2015 21:49

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Tọa đàm “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước” với sự tham gia của đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào và đại diện một số bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài

Vũ Hồng Nam phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Khánh Linh)

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách bổ sung, sửa đổi ngày một thông thoáng hơn như: Luật Quốc tịch sửa đổi 2014 cho phép bà con giữ lại và đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam; Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới cho phép kiều bào khi nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà và có quyền sử dụng, sở hữu, chuyển đổi như công dân trong nước; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh, Luật Hải quan và Luật Thuế mới đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận cho xuất nhập khẩu và khuyến khích phát triển... Gần đây nhất là Nghị định số 82/2015/NĐ-CP cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam được miễn thị thực.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cũng khẳng định những lợi thế của doanh nghiệp kiều bào hiện nay như: sự am hiểu sâu về văn hóa, kinh tế, thị trường, tiềm năng cung cầu, kinh nghiệm kinh doanh; sự có mặt rộng khắp trên thế giới của mạng lưới doanh nghiệp Việt với vai trò là kênh thông tin hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với thế giới, chính là cầu nối đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu... Thứ trưởng tin tưởng rằng các doanh nghiệp kiều bào sẽ tiếp tục chung tay cùng doanh nghiệp trong nước vượt qua thách thức, tận dụng thành công các cơ hội lớn đang mở ra hiện nay để làm ăn ngày càng phát đạt đồng thời đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.

Để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp trong nước, ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Cần hợp tác xây dựng một danh bạ doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trực tuyến, dưới hình thức một trang web. Trong đó, danh sách các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước được phân loại cụ thể theo từng khu vực địa lý, theo ngành hàng và chức năng hoạt động. Mỗi doanh nghiệp được cung cấp một tài khoản để có thể tự đăng tải, chỉnh sửa, cập nhật thông tin. Thông qua danh bạ trực tuyến này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước theo nhu cầu của doanh nghiệp mình. Đầu mối quản lý và kiểm soát thông tin ở mỗi nước phải là Hội Doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng thương hiệu doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, củng cố lòng tin của doanh nghiệp trong nước đối với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Để làm được điều này, rất cần sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp kiều bào và các hiệp hội doanh nghiệp ở các nước và doanh nghiệp trong nước.

Chia sẻ về việc liên kết doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này theo các hướng chính như: Tăng cường gắn kết doanh nhân Việt kiều với doanh nhân trong nước; gắn kết doanh nhân Việt kiều với xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; thông qua doanh nhân Việt kiều, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước sở tại; thúc đẩy đưa hàng hóa Việt Nam vào các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ tại nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều...

Là tỉnh nằm trong 3 vùng quy hoạch (Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô), Vĩnh Phúc đang sở hữu những tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ tin tưởng Tọa đàm lần này sẽ tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa cộng đồng các doanh nghiệp kiều bào ta ở nước ngoài. Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp, kiều bào trao đổi tâm tư, nguyện vọng; cập nhật các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của nước nhà nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nêu lên những ý tưởng, kinh nghiệm khi đầu tư về Việt Nam, đưa ra những sáng kiến rất hữu ích để tạo cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Các doanh nhân kiều bào cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào.

Sau Lễ Khai mạc Tọa đàm, các đại biểu bắt đầu tham dự giao lưu thể thao tại Giải Quán quân Thế giới môn Golf dành cho người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra từ ngày 27 – 30/12 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án, tổng vốn 8,6 tỷ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước; là cổ đông chính trong một số ngân hàng như: Techcombank, VPBank…; trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại như: VinGroup, Melinh Plaza ...; trong lĩnh vực khách sạn như: Furama; trong lĩnh vực sản xuất như: Eurowindow, Masan, Công ty hoá phẩm Mỹ Lan; trong lĩnh vực du lịch như tập đoàn SunGroup, Eden Dalat Resort...; trong chế biến rác thải như Công ty Đa Phước...

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN