Giải pháp xử lý nợ xấu

05/11/2015 12:37

(Baonghean) - Thời gian gần đây, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua lại 3 Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Xây dựng (VNCB), Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Đại Dương (Ocean Bank) với giá 0 đồng đang được sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà điều hành, các nhà chuyên môn và dư luận. Đây là dấu hiệu cho thấy, việc giải quyết “nợ xấu” ngân hàng đã đến lúc phải tìm bằng được lời giải. Phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia để biết quan điểm giải quyết cụ thể.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu

PV: Thưa TS. Trương Văn Phước, theo ông, nguồn gốc và nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do đâu?

TS. Trương Văn Phước: Việt Nam là một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ. Nền kinh tế tuy tăng trưởng nhanh, mạnh và đạt được nhiều thành tựu nhưng tăng không ổn định và chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc vào gia tăng nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, thị trường tài chính trong nước chưa hoàn chỉnh, hiệu quả sử dụng vốn thấp và chậm cải thiện. Tại Việt Nam, thị trường vốn còn non trẻ và chưa phát triển kịp trước nhu cầu tăng trưởng vốn của nền kinh tế, do đó cung ứng vốn cho nền kinh tế nội địa chủ yếu là từ tín dụng của khu vực ngân hàng.

Nguyên nhân khách quan đến từ bất ổn bên ngoài (khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008) và nội tại bên trong nền kinh tế (chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường). Tăng trưởng nóng và thiếu bền vững do chưa chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài (2000 - 2007) và đột ngột thắt chặt từ 2010, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển quá nhanh về số lượng trong khi năng lực quản trị điều hành chưa theo kịp quy mô và tốc độ phát triển.

PV: Theo ông, chúng ta cần xử lý nợ xấu như thế nào ạ? Kết quả đã đạt được là gì?

TS. Trương Văn Phước: Trước giai đoạn chúng ta quyết định tái cơ cấu, tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 3,1% (năm 2011), nhưng trên thực tế, nợ xấu vào khoảng 17%. Nợ xấu cao không chỉ tác động tiêu cực với thị trường tài chính mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Có thể nói nợ xấu tại Việt Nam được xử lý theo phương thức đặc thù, khác với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc xử lý nợ xấu kịp thời tạo ra môi trường tốt cho ngân hàng và DN bình thường hóa quan hệ tín dụng, DN tiếp cận được vốn vay trong khi ngân hàng duy trì được khả năng sinh lời.

PV: Theo ông, thực tế xử lý nợ xấu Việt Nam hiện đang còn những vướng mắc gì, và kiến nghị của ông như thế nào ạ?

TS. Trương Văn Phước: Tiến độ xử lý nợ xấu hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc pháp lý trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Chi phí trích lập đề phòng rủi ro/lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng rủi ro đã tăng từ 39% (năm 2011) lên 60% (tháng 8/2015). Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ, nhưng hệ thống TCTD vẫn đảm bảo sinh lời. Ngoại trừ 3 TCTD thua lỗ, lợi nhuận sau thuế năm 2014 khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với 2013 và tăng 13,8% so với 2012. Điều đáng nói ở đây là hệ thống TCTD vẫn duy trì và đảm bảo nghĩa vụ đóng góp đối với NSNN.

Để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, cần tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo môi trường cho DN hoạt động hiệu quả, tín dụng tăng hợp lý, tạo lợi nhuận cho hệ thống TCTD, tăng nguồn xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, cần phải lưu động vốn nhanh từ tài sản thế chấp để trả lại thị trường một nguồn vốn đang bị đọng do nợ xấu.

Ngoài các biện pháp áp dụng các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, còn cần phải tạo tính thanh khoản cao hơn cho việc xử lý các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản. Rõ ràng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mua bán nợ, tận dụng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán theo giá thị trường cho các tài sản bảo ảm, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp là việc làm rất khẩn thiết, là đòi hỏi của thực tế xử lý nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn TS về cuộc trao đổi này.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN