Cần tỉnh táo theo dõi diễn biến quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ
(Baonghean) - Dư luận thế giới đang “nóng” lên trước thông tin chiều 27/10, Hoa Kỳ đưa tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo, được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công An
Tàu khu trục của Hoa Kỳ áp sát khu vực mà Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Sputnik |
PV: Hoa Kỳ kéo tàu quân sự vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa. Quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có 3 lý do giải thích việc Hoa Kỳ kéo tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Thứ nhất, đó là nhận thức của Hoa Kỳ. Hành động Trung Quốc cải tạo các đảo đá chìm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân sự, theo nhận thức của Hoa Kỳ là thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa, vi phạm một loạt hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành: Hiến chương Liên Hợp quốc, Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc tháng 10/1970, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982,…
Hành động xây dựng và cải tạo các đảo nhân tạo của Trung Quốc phá vỡ trật tự thế giới hiện hành, thách thức Hoa Kỳ. Trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên phương diện kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại đều do Hoa Kỳ thiết lập và chỉ đạo. Trung Quốc đã thách thức vai trò siêu cường của Hoa Kỳ, trong khi quan điểm của chính giới Hoa Kỳ không cho phép bất cứ quốc gia nào nổi lên thách thức vị thế của họ trên phạm vi toàn cầu cũng như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, cách đây không lâu, Tổng thống Obama đã tuyên bố tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ có quyền đến bất cứ đâu trên thế giới nếu không trái với luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carte trong 7 tháng qua cũng 5 lần tuyên bố công khai sẽ điều tàu chiến đến vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý bồi đắp ở Trường Sa. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift cũng đã 7 lần tuyên bố công khai như vậy.
Chính những phát ngôn này đã cho thế giới thấy rõ quan điểm của Hoa Kỳ: Họ không tha thứ cho những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Một khi đã tuyên bố, Hoa Kỳ không thể không làm, nếu không họ sẽ đánh mất lòng tin của dân chúng, cũng như của bạn bè và dư luận quốc tế.
Thứ ba, sức ép rất lớn từ nội bộ Hoa Kỳ khi đảng Cộng hòa chi phối Thượng viện và Hạ viện đã lên tiếng phản đối ông Obama, thậm chí một nghị sỹ của đảng này mới đây từng kêu gọi hủy bỏ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ để phản đối những hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Những nguyên nhân nói trên đã khiến Tổng thống Obama buộc lòng phải hành động, cho phép Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ kéo tàu chiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép. Thêm vào đó, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2016, nếu tỏ ra nhu nhược, e ngại Trung Quốc, đảng Dân chủ sẽ mất đi nhiều lá phiếu ủng hộ.
P.V: Trong 2 tháng qua, dư luận Trung Quốc kiên quyết phản đối, thậm chí bóng gió đe dọa nếu Hoa Kỳ đưa tàu quân sự của họ vào vùng 12 hải lý này sẽ phải chịu hậu quả thảm khốc do “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Thế nhưng, khi Hoa Kỳ chính thức kéo tàu chiến vào, phản ứng của Trung Quốc chỉ là bằng lời nói, không có hành động gì. Thiếu tướng lý giải như thế nào về phản ứng của Trung Quốc?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về mặt chiến lược, Bắc Kinh quyết tâm từ nay đến năm 2020, và thậm chí là 2030, kiên quyết không để quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ sụp đổ. Trong mối quan hệ này, rõ ràng Hoa Kỳ ở thế trên, Trung Quốc ở thế dưới, Trung Quốc cần Hoa Kỳ 10 thì Hoa Kỳ chỉ cần Trung Quốc 5. Xét trên phương diện vật chất, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc thua xa Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc bây giờ phản ứng nổ súng hoặc bằng hành động hung hăng, Hoa Kỳ sẽ đáp trả.
Vừa qua, Tokyo đã thông qua Luật An ninh quốc gia mới, cho phép sửa điều luật Hiến pháp và cho phép quân đội nước này tham chiến ngoài lãnh thổ. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu Trung Quốc hung hăng gây sự với Hoa Kỳ thì chẳng khác gì tự sát. Trung Quốc chỉ dám lấn lướt, xâm phạm với kẻ yếu, còn trước kẻ mạnh Trung Quốc thường lo sợ.
Hơn thế nữa, điều mà ông Tập Cận Bình xem trọng là chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc là trong 10-15 năm nữa sẽ khống chế toàn bộ lục địa Á - Âu. Khi Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á, Trung Quốc triển khai “Một vành đai, một con đường”, thực chất là dùng hơn 4 nghìn tỷ USD để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và buộc 40 quốc gia dọc con đường từ châu Á sang châu Âu phải phụ thuộc họ. Nói cách khác, nếu so sánh với chiến lược này, đối với Trung Quốc, Biển Đông có vai trò không đáng kể. Họ không thể vì Biển Đông mà làm đổ vỡ chiến lược quan trọng hơn của mình.
Cuối cùng, nếu Trung Quốc gây sự với tàu chiến Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế sẽ đứng về phía Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ bị cô lập, vì luật pháp quốc tế đã quy định các đảo nhân tạo không có quyền xác định vùng lãnh hải 12 hải lý mà chỉ được phép xác định vùng an toàn an ninh 500m tính từ mép nước của đảo nhân tạo. Ngoài 500 m, tàu thuyền và thậm chí là tàu chiến được phép qua lại tự do. Một khi bị thế giới tẩy chay, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Đó là lý do mặc dù họ lớn tiếng ồn ào nhưng không dám gây sự với Hoa Kỳ.
P.V: Theo Thiếu tướng, liệu Hoa Kỳ có tiếp tục đưa thêm tàu chiến vào vùng biển này nữa không và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng sắp tới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tàu chiến vào vùng biển này, thậm chí có thể điều thêm cả tàu sân bay. Mục đích của họ khi để tàu quân sự đi qua vùng biển này là nhằm chứng tỏ không ai có quyền ngăn cấm qua lại trên con đường hàng hải quốc tế này.
Đây là cách Hoa Kỳ dùng để củng cố lòng tin của các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Phillipines,… Đồng thời, Hoa Kỳ cũng răn đe Trung Quốc, bắt Trung Quốc phải trả giá nếu tiếp tục gây sự trên tuyến hàng hải quốc tế này. Và phản ứng của Trung Quốc cũng vẫn là “đấu võ mồm”.
P.V: Theo Thiếu tướng, trước sự việc này, Việt Nam và cộng đồng quốc tế nên có những phản ứng ra sao ?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo quan điểm của tôi, đây là một vấn đề thách thức đối với Việt Nam. Và quan điểm của chúng ta là ủng hộ hành động của mọi cường quốc trong và ngoài khu vực nếu hành động đó phù hợp với luật pháp quốc tế và góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực.
Cuối cùng, đối với ASEAN, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là 10 thành viên phải có nhận thức thống nhất. Khối ASEAN có 5 nước liên quan đến vấn đề Biển Đông gồm Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei, Indonesia, 5 nước còn lại không có liên hệ gì với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi cho rằng, một khi Trung Quốc đè bẹp được một số thành viên ASEAN, họ sẽ sẵn sàng đè bẹp tất cả các nước khác. Do đó, ASEAN phải có một tuyên ngôn chung, phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nếu lúc này thiếu đoàn kết, ASEAN sẽ tự mình đánh mất vai trò trung tâm kết nối tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với cộng đồng quốc tế, cần nhớ rằng: “Thế giới phải chịu sự tàn phá rất lớn do sự im lặng của người tốt chứ không phải do sự tàn phá của kẻ xấu”. Những hành động hung hăng, trái luật của Trung Quốc phải được cả cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối thì mới ngăn chặn được bàn tay hiếu chiến của họ.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Thu Giang (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|