Có thể giãn lộ trình áp dụng bảo hiểm xã hội mới

25/12/2015 19:52

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu DN kiến nghị khó khăn trong việc đóng BHXH mới có thể giãn lộ trình thêm một chút vì DN phải chịu áp lực quy định về mức lương tối thiểu.

Bên lề hội nghị tổng kết về lao động, người có công và xã hội diễn ra hôm nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, luật bảo hiểm xã hội (BHXH) mới áp dụng từ 1/1/2016 là vấn đề thách thức đối với DN.

Yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, không cắt phụ cấp

Ông Huân thông tin, Bộ đang tập trung hoàn thiện các chính sách và văn bản hướng dẫn về trả lương tối thiểu vùng, qua đó quy định về đóng BHXH, BHYT.

“Hôm 24/12, Bộ đã có công văn tiếp tục nhắc nhở các DN phải xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng quy định. Và trong khi thực hiện, DN cố gắng không được cắt các khoản phụ cấp của người lao động để chuyển sang. Các địa phương sớm tiếp nhận hệ thống thang bảng lương của DN đăng ký để làm cơ sở đóng bảo hiểm”, Thứ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, nếu ngày 1/1/2016, khi các văn bản pháp luật ra chưa đồng bộ thì vấn đề đóng bảo hiểm trên cơ sở nào có thể sẽ theo hướng tạm thời thu theo quy định hiện hành đó, rồi sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật về quy định đóng BHXH. Tức là đến ngày 1/1/2016, mọi việc vẫn phải diễn ra như bình thường (áp dụng tính BHXH theo lương) nếu như các văn bản pháp luật chưa ra kịp.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện cơ quan đã lấy ý kiến xong và chờ ban hành. Song, nhiều khả năng không kịp ban hành trước 1/1/2016 khi luật có hiệu lực.

Từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng chứ không đơn thuần mức lương cơ bản như trước. Ảnh minh họa.

"Hiện nay, thông tư hướng dẫn cách đóng BHXH không phải không có, chúng tôi đã đưa hết lên mạng Internet rồi. Vấn đề là mọi người có đọc hay không? Thứ hai, giữa lương và bảo hiểm có liên quan đến nhau, bây giờ trong lương chúng tôi đã ký Thông tư 47 khắc phục những vấn đề mà các DN kêu ca, làm sao để DN thực hiện thuận lợi hơn", Thứ trưởng Huân nhấn mạnh.

Trước hết, theo ông Huân, đóng BHXH phải theo cấp bậc, chức danh theo hệ thống lương của DN. Ngoài ra, các khoản phụ cấp thể hiện điều kiện lao động, trình độ ngành nghề, yếu tố thu hút thì hai bên thỏa thuận để thống nhất sẽ phải đóng BHXH.

Song, vẫn còn một mức phụ cấp nữa mà hiện nay DN đang tách ra là phụ cấp đánh giá kết quả công việc trong quá trình làm việc thì trước mắt chưa tính tới bởi nó không ổn định.

Có thể giãn lộ trình sau 1/1/2016

Cũng theo Thứ trưởng, việc bắt buộc đóng BHXH nhằm nâng tỷ lệ đóng BHXH của người lao động để sau này khi về hưu họ có mức hưởng cao hơn. Tuy nhiên, kéo theo đó sẽ tăng chi phí của DN.

“Trong trường hợp nhiều DN kiến nghị khó khăn có thể giãn lộ trình thêm một chút nữa. Bởi hàng năm, họ phải thực hiện tăng lương tối thiểu”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Trước đó, đại diện VCCI cũng đã đề xuất giãn lộ trình thực hiện mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Theo đơn vị này, lộ trình đóng BHXH cho doanh nghiệp cần được giãn theo hướng giữ mức đóng BHXH theo quy định cũ.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 2018, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Như vậy, người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Giải thích rõ hơn về luật BHXH mới, bà Trần Thị Thúy Ngacho biết, tất cả những khoản dùng tính đóng BHXH đều đã được xác định trước số tiền, không quá biến động từng tháng.

Theo bà, việc này giảm khó khăn cho DN, người lao động và cơ quan bảo hiểm trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng và quản lý BHXH. Còn những khoản không được cộng vào lương để tính BHXH gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ…

Cụ thể, các mức phụ cấp lương dùng tính đóng BHXH mới là các khoản phụ cấp lương được 2 bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Ví dụ như các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt; mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nếu áp dụng tốt quy định mới về tiền lương, BHXH năm 2016 thì nhóm lao động có thu nhập thấp sẽ được cải thiện. Còn nhóm có trình độ thu nhập cao chắc sẽ không cải thiện nhiều.

Bước vào năm 2016, bắt đầu luật BHXH thực hiện trong đó có điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ đóng bảo hiểm tăng lên. Như vậy, gánh nặng và chi phí về sử dụng lao động của DN chắc chắn sẽ tăng lên.

Nếu muốn giải quyết tốt bài toán vừa đảm bảo tiền lương cho người lao động, vừa đảm bảo chi phí do sử dụng lao động tăng lên tốt, con đường tốt nhất của DN, theo bà Hương, là đảm bảo nguồn nhân lực tốt, đãi ngộ người lao động tốt. Thông qua đó, tăng năng suất lao động, bảo đảm bù đắp chi phí sử dụng lao động tăng lên cũng như tăng tiền lương cho người lao động.

Người Việt đóng bảo hiểm như bỏ lợn tiết kiệm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phần lớn ở các nước trên thế giới, mạng lưới bảo đảm an sinh xã hội là điều cốt tử. Nhưng Việt Nam lại chỉ nhìn vào tỷ lệ những người tham gia bảo hiểm xã hội.

Cũng theo ông Đam, trong báo cáo vừa rồi của Bộ, ông không thấy có một hệ thống nào lâu dài có thể bền vững được nếu hệ thống bảo hiểm không ổn. Bởi truyền thống người Việt, đóng bảo hiểm chỉ để tiết kiệm, để dành như bỏ tiền vào con lợn. Số đông dùng BHXH để phòng không may bị bệnh.

“Đây cũng là vấn đề tâm lý xã hội mà chúng ta cần phải giải quyết. Theo đó, Bộ cần tuyên truyền vận động, kết hợp các chính sách có tính thúc đẩy để người dân hưởng ứng, ý thức tự nguyện đóng BHXH”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN