Trung tâm hỗ trợ người nghèo hoạt động bất hợp pháp tại Nghệ An

23/11/2015 14:40

(Baonghean.vn) –Từ thông tin người dân phản ánh qua đường dây nóng, Báo Nghệ An xác minh, tổ chức đang hoạt động tại trụ sở HTX Phong Toàn đúng là Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do ông Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Hoạt động như tổ chức tín dụng với phương thức như đa cấp, và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Mập mờ “hỗ trợ” người nghèo?

Sáng ngày 19/11/2015, trong vai một nông dân nghèo ở ngoại thành tình cờ biết được ở HTX Phong Toàn có chương trình Trái tim Việt Nam kết nối cộng đồng của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển NTM nên ghé vào tìm hiểu, chúng tôi đã được thành viên tổ chức này nhiệt tình chào đón.

Một người trong nhóm xưng tên là Hoàng Khắc Lai cất giọng niềm nở: Bác người ở đâu; được hội viên nào giới thiệu hay tự tìm đến? Chúng tôi trả lời: “Nghe bảo có chương trình hỗ trợ người nghèo hay lắm nên đến tìm hiểu”. “Thế thì mời bác xem một số hình ảnh và các văn bản liên quan đến sự hình thành của Trung tâm đã” – ông Hoàng Khắc Lai nói và kéo khách vào gian phòng bày biện nhiều hình ảnh, công văn, thư ngỏ.

Ở đó, có thư ngỏ của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, vài lãnh đạo cấp cao; một số văn bản của Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị… với nội dung ủng hộ Chương trình trái tim Việt Nam kết nối cộng đồng. Xem các văn bản này, khẳng định Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do ông Trần Đức Trung (người mới bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo) là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Thấy khách quan tâm, ông Lai tiếp tục mở băng video để giới thiệu về lễ ra mắt Trung tâm được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình VTV5. Và rỉ rả: “Cơ hội cho người nghèo đấy bác ạ. Tham gia chương trình này được hỗ trợ lớn lắm!”.

Hỏi : Nếu tôi muốn tham gia chương trình thì phải làm gì?

- Chương trình không mua không bán. Muốn được hộ trợ thì đầu tiên mình phải ủng hộ chương trình.

- Thế phải ủng hộ là bao nhiêu ?

- Suất thứ nhất 1.200.000 đồng, từ suất thứ hai trở đi 900.000 đồng.

- Thế số tiền được hỗ trợ là bao nhiêu?

- 5 triệu 700.000 đồng nhưng được phân kỳ thành 19 tháng. Trong đó, tháng thứ nhất 100 ngàn đồng, tháng thứ hai 300 ngàn đồng, tháng thứ ba 500 ngàn đồng, 16 tháng còn lại đều được nhận 300 ngàn đồng. Số tiền hỗ trợ sẽ được chi trả vào các ngày 15 đến 20 hàng tháng. Nếu không tiêu dùng số tiền được hỗ trợ của 3 tháng đầu là 900.000 đồng thì tham gia tiếp một suất thứ hai. Nếu như thế, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 sẽ được trung tâm hỗ trợ tổng cộng 1.800.000 đồng. Món tiền nếu không dùng lại có thể ủng hộ tiếp và lại được trung tâm hỗ trợ. Tương tự các tháng sau cũng vậy… Tóm lại, người nghèo tham gia chương trình có cơ hội làm giàu nhanh lắm!.

Thông tin người nghèo “hỗ trợ” để được trung tâm “hỗ trợ” do ông Hoàng Khắc Lai vẽ ra giải thích về “cơ hội làm giàu”.
Thông tin được trung tâm hỗ trợ do ông Hoàng Khắc Lai vẽ ra giải thích về “cơ hội làm giàu”.

- Ở Nghệ An đã có bao nhiêu người tham gia chương trình?

- Khoảng 1.000 người rồi.

- Nếu vận động được người khác cùng tham gia có được thưởng không?

- Cứ thêm một người sẽ được thưởng 500 ngàn đồng.

- Khi tham gia có được phát thẻ hội viên không?

- Không. Chỉ có giấy tự nguyện ủng hộ quỹ hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới có đóng dấu đỏ của Trung tâm…

Trở lại vào chiều cùng ngày tìm gặp ông Hoàng Khắc Lai hỏi: “Tôi đã có tiền đủ tham gia 10 suất, thế nhưng thấy mấy đứa con nó bảo xem trên mạng thấy Trung tâm này có ông Trung nào đó đang gặp vấn đề với pháp luật. Thế nên muốn hỏi anh có ảnh hưởng gì đến người tham gia không? Ông Lai trả lời: “Có việc gì đâu. Là thẻ nhà báo của anh Trung hết hạn nên họ thu lại ấy mà. Vả lại đây là công ty của nhà nước, cá nhân nào sai người đó chịu trách nhiệm. Tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến công ty…”.

Hoạt động bất hợp pháp!

Từ thông tin từ cộng tác viên, ngày 20/11, chúng tôi đã có buổi làm việc với vị trưởng nhóm của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển NTM. Trước khi làm việc, vị này – tên là Tạ Xuân Hạnh – yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo, xem kỹ 2 mặt rồi lấy điện thoại di động chụp lại, và nói: “Phải báo cáo trung tâm vì báo chí, truyền hình thời gian qua thông tin sai sự thật…”.

Ông Tạ Xuân Hạnh giới thiệu hình ảnh “giúp đỡ người nghèo” của trung tâm.
Ông Tạ Xuân Hạnh giới thiệu hình ảnh “giúp đỡ người nghèo” của trung tâm.

Và cũng như ông Hoàng Như Lai, vị trưởng nhóm Tạ Xuân Hạnh thao thao bất tuyệt về cơ hội làm giàu có một không hai cho người nghèo mà Trung tâm đang tạo ra. Đồng thời cho biết, đã hoạt động ở Nghệ An khoảng 3 tháng.

Tỏ ra băn khoăn: Ủng hộ một khoản tiền 1,2 triệu nhưng lại được hỗ trợ đến 5,7 triệu, trong khi số người tham gia không hạn định về số lượng thì trung tâm lấy nguồn đâu để chi trả. Ông Hạnh trả lời rằng, không biết cụ thể về nguồn như thế nào, chỉ biết là đảm bảo dài hạn, bao nhiêu người tham gia chương trình cũng được tiếp nhận và được hưởng hỗ trợ.

Theo ông Hoàng Khắc Lai, trung tâm là “của nhà nước”. Nhưng với ông Tạ Xuân Hạnh, trung tâm là tổ chức liên quốc gia, hiện đã có 4 nước trong Asean gồm Việt Nam, Malaixia, Lào, Campuchia làm thành viên. Ông Hạnh nói: “Anh có biết tại sao bà Lê Hằng (Tổng giám đốc của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển NTM – PV) lại được gọi là đại sứ không. Vì đây là tổ chức liên quốc gia. Tôi không biết nguồn của công ty như thế nào. Chỉ biết là vô tận…”.

Một số thành viên trung tâm tại sân trụ sở HTX Phong Toàn.
Một số thành viên trung tâm tại sân trụ sở HTX Phong Toàn.

Trao đổi rằng hoạt động kêu gọi người nghèo “hỗ trợ” cho trung tâm để được “hỗ trợ” và mời gọi người tham gia được thưởng tiền có điểm tương đồng với hoạt động tín dụng đa cấp, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ông Hạnh chuyển nét mặt nghiêm lạnh nói rằng, hiểu như vậy là không đúng và cần phải “nghe hai tai”; đồng thời khẳng định trung tâm có đầy đủ “giấy tờ hành lang pháp lý”. Dẫn phóng viên sang căn phòng giao dịch thu ngân, chỉ vào những bức thư ngỏ của Giáo sư Vũ Khiêu và một số vị lãnh đạo cao cấp, ông Hạnh nói: “Đây là các văn bản hành lang pháp lý của trung tâm…”.

- Muốn hoạt động thì phải được cấp thẩm quyền của địa phương cho phép chứ?

- Trước khi thành lập chi nhánh ở các tỉnh thành, trung tâm đã gửi văn bản 63 tỉnh thành, trong đó có tỉnh Nghệ An.

- Gửi đến cơ quan nào của tỉnh; đã có văn bản hồi đáp chưa?

- Cái đó tôi không biết. Tỉnh Nghệ An nhận được văn bản thì cũng phải tự biết mà làm…

- Trung tâm hướng đến người dân nghèo ở vùng nông thôn. Vậy đã xin ý kiến của Hội Nông dân tỉnh chưa?

- Chúng tôi đã đăng ký với Công an Phường Hà Huy Tập (thành phố Vinh). Còn các cơ quan khác thì chưa đến cơ quan nào cả…

Audio ông Tạ Xuân Hạnh trả lời phóng viên:

.

Liên lạc với ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, được biết, người của Trung tâm đã đến liên hệ với Hội, đề nghị phối hợp hoạt động nhưng Hội từ chối. Ông Nguyễn Hữu Nhị nói: Anh Hường (ông Trần Văn Hường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh – PV) đã nói thẳng với họ là Hội Nông dân tỉnh không đồng ý…

Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nhật Lân – Sỹ Lập

TIN LIÊN QUAN

: