Trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự

20/12/2015 16:06

Nếu doanh nghiệp, đơn vị nào trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự. Quy định áp dụng từ 1/7/2016.

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch Nước công bố 16 luật, bộ luật và 7 nghị quyết đã được Quốc hội (QH) khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bảy nghị quyết được công bố gồm: Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về việc thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp của QH, Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới.16 luật, bộ luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND; Luật Kế toán; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Phí và Lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự.

Giới thiệu về những điểm mới Bộ luật Hình sự năm 2015, Thứ trưởng Lê Thành Long cho biết, bộ luật vừa được Chủ tịch Nước công bố có nhiều điểm mới. Thứ nhất, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội, trong đó có 4 tội là bỏ hoàn toàn gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399); 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).

Thứ hai, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 49, khoản 2, điểm c).

Thứ ba, mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm b, c khoản 3 Điều 40). Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (Điều 40 khoản 4 và Điều 63 khoản 6) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.

Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, trên cơ sở cân nhắc kỹ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, đồng thời, rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự kinh tế (gồm 38 điều), Bộ luật Hình sự đã thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 9 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: Quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.

Thứ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, Bộ luật Hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, như các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN