Công nhận chuyển đổi giới tính: Phải quy định về độ tuổi

27/11/2015 15:49

“Dưới góc độ của một luật sư, tôi cho rằng việc hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp với thực tiễn xã hội” - Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng & Công lý nhận định.

Ngày 24/11, Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã chính thức công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Đây được coi là một bước tiến đối với quyền lợi và tạo sự bình đẳng cho những người chuyển giới trong xã hội.

Xung quanh quyết định này, Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng & Công lý đã có những nhận định về quyết định công nhận chuyển đổi giới tính.

Luật sư Kiên cho biết, mặc dù pháp luật mới chỉ thừa nhận và hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi giới tính mà như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phần trả lời báo chí là “quyền treo” nhưng đây được xã hội đánh giá là một bước tiến quan trọng thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đó là tôn trọng quyền con người.

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng & Công lý.
Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng & Công lý.

Luật sư Kiên cho rằng, việc hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp với thực tiễn xã hội. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 600 người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại (đây mởi chỉ là những con số thống kê những người đã phẫu thuật, còn số lượng những người chưa phẫu thuật chuyển đổi giới tình chắc chắn sẽ nhiều hơn rất nhiều). Trước khi được pháp luật thừa nhận những cá nhân này họ mang thân phận pháp lý khác với thân phận thực tế của họ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của cá nhân người đó và sự kỳ thị của xã hội. Hiện nay khi được luật hóa cá nhân những người đó không cần sống bằng hai thân phận đó nữa, họ sẽ hòa đồng với xã hội hơn và do đó họ cũng dễ dàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội, trước pháp luật và quan trọng hơn là xã hội sẽ nhìn nhận họ bằng những “ánh mắt” cảm thông và trân trọng hơn.

Bên cạnh những điểm tích cực từ quyết định công nhận chuyển đổi giới tính, luật sư Kiên cũng nêu ra một số điểm nên lưu ý khi thực hiện điều luật này: Để thực hiện điều trên của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải thừa nhận rằng đây là một vấn đề rất phức tạp. Thực tế đã chỉ ra bên cạnh những cá nhân có mong muốn hợp pháp về việc chuyển đổi giới tính thì vẫn có một số cá nhân lấy việc chuyển đổi giới tính vì sự đua đòi hay “hợp mốt” chứ không phải nhu cầu bức thiết của bản thân.

Nếu không có quy định chặt chẽ sẽ dẫn tới sự chuyển đổi giới tính tràn lan, không kiểm soát. Mặt khác để những người nhận thức được thân phận thật của mình và có nhu cầu chuyển đổi giới tính hợp pháp phải là những người đã đạt đến một độ tuổi nhất định thì mới có câu trả lời chính xác và những người như vậy trước khi quyết định chuyển đổi giới tính họ đã có hồ sơ pháp lý cá nhân tương đối là hoàn thiện (Giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư, bằng cấp, hồ sơ, lý lịch, hôn nhân ….). Chuyển đổi giới tính sẽ làm thay đổi gần như toàn diện hồ sơ pháp lý cá nhân của họ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng khi ban hành ra các quy định hướng dẫn điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nêu trên. Theo tôi, đó cũng là lý do tại sao Quốc hội quyết định quy định nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017.

Các đại biểu tham gia diễu hành tuyên truyền cho Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham gia diễu hành tuyên truyền cho Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính. Ảnh: TTXVN

Điều 36 Bộ luật Dân sự mới quy định Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Điều 37 thuộc Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính đã được thông qua quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Theo ĐSPL

TIN LIÊN QUAN