Việt Nam có nhiều khả năng cải thiện Chỉ số công khai ngân sách

14/01/2016 23:44

Ngày14/1, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Liên minh minh bạch Ngân sách tổ chức Hội thảo “Công bố chỉ số công khai ngân sách 2015 và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả Chỉ số công khai ngân sách (OBI) năm 2015 để giúp các cơ quan liên quan và công chúng hiểu hơn về đánh giá của quốc tế đối với tình hình thực hiện công khai minh bạch trong quản lý ngân sách tại Việt Nam thời gian qua.

Ông Joel Friedman – Nghiên cứu viên cao cấp IBP cho biết, kê từ năm 2006 đến nay, Khảo sát về Công khai Ngân sách (OBS) được thực hiện hai năm một lần, với 5 lần khảo sát tính đến OBS 2015. Kết quả khảo sát trong thời gian từ 2012-2105 cho thấy việc minh bạch ngân sách đã có cải thiện đáng kể trên toàn thế giới.

Chỉ số công khai ngân sách (OBI) 2015 của Việt Nam là 18, thuộc vào nhóm thứ 5 là nhóm yếu nhất, thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan.

Đáng chú ý, Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước chưa được công khai, báo cáo kiểm toán được công bố quá chậm theo tiêu chuẩn quốc tế, công khai các tài liệu vẫn thiếu những chi tiết cụ thể. Chỉ số của Việt Nam đạt trên mức trung bình toàn cầu về sự tham gia của công chúng và giám sát chính thức nhưng vẫn cần cải thiện hơn.

Ông Joel Friedman – Nghiên cứu viên cao cấp IBP phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH).

Tuy nhiên, so với các quốc gia nhóm này, Việt Nam đã công khai 5/8 tài liệu quan trọng về ngân sách, nhiều hơn so với các nước có chỉ số OBS thấp (chỉ có 2-3 tài liệu).

“Nhìn tổng thể, Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ nhưng đã sẵn sàng để thay đổi”, ông Joel Friedman nói.

Ông Joel Friedman cho biết: Luật Ngân sách sửa đổi gần đây khá tích cực, yêu cầu công bố Dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN). Các tài liệu khác có thể được công bố và phát hành sớm hơn. Việt Nam có nhiều khả năng cải thiện những hạn chế trên để có thể đạt điểm trên 60 để công khai, minh bạch thông tin về NSNN hiệu quả.

Một trong những giải pháp để cải thiện mức độ minh bạch, sự tham gia và giám sát của người dân vào NSNN theo chuyên gia của IBP là thể chế hóa các cải tiến minh bạch; trao quyền cho các tổ chức giám sát…

Theo ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội, Luật NSNN (sửa đổi) có một số sửa đổi lớn về cơ chế làm cho ngân sách mở hơn và tăng cường sự tham gia của người dân trong quy trình ngân sách. Trong đó, bổ sung nhiều quy định về nội dung, thủ tục, thời hạn công khai. Luật cũng nhấn mạnh vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát ngân sách tại cộng đồng…

Bà Ngô Minh Hương – Trung tâm Phát triển và Hội nhập đề nghị, tổ chức các phiên điều trần công khai về ngân sách (NS) của một số bộ, ban, ngành, cơ quan cụ thể, thiết lập cơ chế chính thức để công chúng tham gia vào quá trình NS, các cuộc điều tra kiểm toán.

Theo ông Juan Pablo Guerrero – chuyên gia Quỹ sáng kiến minh bạch tài khóa, người dân có quyền được thực sự tham gia trực tiếp trong các tranh luận và thảo luận công khai về việc thiết kế và thực hiện chính sách tài khóa. “Có thể văn bản đã đề cập đến sự tham gia của người dân vào quá trình NS nhưng thực tế người dân thực hiện quyền này như thế nào mới có tính quyết định. Muốn vậy, tài liệu NS được công bố phải là công cụ để người dân thực hiện quyền giám sát ngân sách” - ông Juan Pablo Guerrero nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng minh bạch tài khóa cũng là giải pháp để giảm tham nhũng khi đảm bảo việc thực thi Luật NSNN, xử lý những sai phạm và tăng cường sự giám sát của cộng đồng, báo chí song song với cơ chế kiểm toán và kiểm soát NS hiệu quả. Khi người dân tham gia quá trình NS thì nguồn lực NSNN sẽ được phân bổ tốt hơn, hiệu quả hơn và cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng công cộng…/.

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN