Sớm tháo gỡ chính sách cho cánh đồng mẫu lớn

17/11/2015 11:01

(Baonghean) - Từ khi tỉnh ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, toàn tỉnh đã thực hiện được 50 mô hình. Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn đã rõ, nhưng do kinh phí hạn hẹp, chưa hấp dẫn doanh nghiệp nên nông sản làm ra vẫn khó tiêu thụ.

Thực trạng

Năm 2013, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cánh đồng ngô mẫu lớn trên diện tích 35 ha ở cánh đồng Giang ven bãi bồi sông Con. Kinh phí hỗ trợ 108 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 50% giá giống, 30% giá phân bón cùng với tập huấn chỉ đạo. Tuy nhiên chỉ thực hiện được 1 năm đầu tiên, năm sau hết cánh đồng mẫu lớn. Ông Lê Văn Kim ở xóm 6B, xã Nghĩa Đồng chia sẻ: “Sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn chúng tôi thấy rất thuận lợi, tập hợp được 86 hộ nông dân nhỏ lẻ hình thành một diện tích trồng ngô rộng lớn, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới. Cụ thể là gia đình tôi làm 2 sào ngô, được tập huấn quy trình kỹ thuật gieo trồng chăm sóc ngô. Được hỗ trợ 300.000 đồng/sào bao gồm chi phí phân bón, thuốc BVTV, do tất cả đều sản xuất đồng bộ nên năng suất ngô đạt khá cao, bình quân 3,5 tạ/sào (trước đó chưa tham gia cánh đồng mẫu lớn chỉ đạt 2 - 2,5 tạ/sào). Nhưng từ năm 2014 đến nay, nông dân lại không tham gia cánh đồng mẫu lớn để trồng ngô, nguyên nhân là không được tiếp tục hỗ trợ kinh phí về giống, phân bón… Điều quan trọng là trong quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn lại chưa tìm được doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ngô, chủ yếu bà con bán tự do và phục vụ cho chăn nuôi”.

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Diễn Mỹ (Diễn Châu). Ảnh: châu lan
Cánh đồng mẫu lớn ở xã Diễn Mỹ (Diễn Châu). Ảnh: Châu Lan

Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: Sau khi hết đợt hỗ trợ kinh phí cánh đồng mẫu lớn thì bà con vẫn tiếp tục trồng ngô trên cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên mạnh ai nấy làm, không đúng với quy trình, không thống nhất cùng một loại giống, giảm bớt đầu tư dẫn đến tình trạng ngô kém năng suất. Lợi thế ở Nghĩa Đồng là vùng đất ven bãi bồi sông Con khá lớn, nhưng để phát huy được hiệu quả từ cây ngô thì cần tìm được doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân, từ đó nông dân mới yên tâm để đầu tư tăng năng suất, chất lượng ngô.

Xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) từ năm 2014 đến nay cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng cánh đồng mẫu lớn gieo trồng lúa khá hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Võ Quang Niên, Chủ nhiệm HTX Nghĩa Thịnh cho biết: Cánh đồng mẫu lớn có 254 hộ nông dân tham gia với quy mô 30ha, tại cánh đồng Làng thuộc các xóm 5,6,7,8,9, sử dụng giống lúa lai ba dòng PHB71. Nông dân được hỗ trợ 3,2 triệu đồng/ha tiền giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống lúa mới. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật một cách đồng bộ từ khâu giống đến phân bón nên năng suất lúa đạt cao. Riêng vụ xuân 2015 năng suất bình quân 70 tạ/ha, vụ mùa đạt 62 tạ/ha. Vấn đề đặt ra là huyện, xã vẫn chưa tìm được doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Khó khăn nữa đối với xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Nghĩa Thịnh là đồng ruộng không bằng phẳng, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Một số hộ trong vùng quy hoạch thiếu lao động, trình độ nông dân không đồng đều, cán bộ và nông dân chưa quen với chỉ đạo sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới cán bộ và nông dân chưa quen nên công tác chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

Tại “vựa” lúa huyện Yên Thành, nơi hàng năm sản xuất trên 25.000 ha lúa, trong những năm qua, tỉnh, huyện đã đầu tư khá nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn khó. Xã Quang Thành vụ xuân năm 2015 đã trích từ nguồn hỗ trợ ngân sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa, hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 65 ha. Ông Phan Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Sản xuất cánh đồng mẫu lớn cùng một loại giống Khải Phong, gieo cấy cùng thời điểm nên dễ chăm sóc, năng suất đạt cao 68 tạ/ha, trong khi các cánh đồng khác chỉ đạt 60 - 62 tạ/ha, nhưng bà con làm ra vẫn phải tự tiêu thụ.

Với xã Phúc Thành, ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Ngay từ năm 2012 tham gia cánh đồng mẫu lớn, lãnh đạo xã đã trăn trở nên tìm loại giống lúa nào dễ tiêu thụ. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu xã đã quyết định đầu tư sản xuất lúa giống loại Thiên Ưu (lúa chất lượng cao), sản phẩm lúa giống được ký kết tiêu thụ với Công ty Giống cây trồng trung ương. Trong hợp đồng ràng buộc, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất lúa giống đáp ứng phẩm chất và số lượng theo đơn đặt hàng. Năm 2016, xã Phúc Thành vận động nhân dân xây dựng 100 ha cánh đồng mẫu lớn (không có hỗ trợ kinh phí của Nhà nước). Tất cả diện tích trên đều sản xuất lúa giống, vấn đề đầu ra sẽ ký kết với Công ty Giống cây trồng trung ương. Thuận lợi ở Phúc Thành là đã chuyển đổi ruộng đất, hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nông dân đã quen sản xuất lúa giống.

Tiếp tục tìm cách tháo gỡ

Cách đồng mẫu lớn là xu hướng sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thể hiện rõ nhất sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong đó doanh nghiệp được xác định có vai trò quan trọng, quyết định đến việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ở Nghệ An, sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn được thực hiện từ năm 2013 đến nay. Để kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 68/2012/NQ - HĐND ngày 13/12/2012 (khóa XVI, kỳ họp thứ 3). Trên cơ sở đó, ngày 15/1/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015. Trong đó có hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, hỗ trợ chi phí mua giống, vật tư, phân bón chủ yếu, kinh phí để tập huấn kỹ thuật cho nông dân, kinh phí cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện xây dựng mô hình.

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn).  Ảnh: Văn Trường
Cánh đồng mẫu lớn ở xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn). Ảnh: Văn Trường

Qua thực hiện mô hình cách đồng mẫu lớn đã khẳng định tính bền vững, hiệu quả, chi phí sản xuất giảm, hiệu quả kinh tế tăng trên 10 - 15% so với sản xuất bình thường của nông dân. Về giống lúa, trong mô hình cánh đồng lớn chủ yếu sử dụng giống lúa chất lượng như: Vật tư NA2, Nếp N87, PHB1, BTE1, 27P31,... nên giá bán cao hơn các giống khác. Như lúa AC5 của Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa mua 8.000 - 9.000 đồng/kg trong lúc lúa thường (5.000 - 5.500 đồng/kg). Lúa Vật tư NA2, DT 68 được Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp thu mua với giá cao hơn từ 10 - 15% so với giá thóc thường; lúa nếp N87 tại Phúc Thành được Công ty Giống cây trồng Trung ương bao tiêu toàn bộ với giá cao; nhất là lạc vụ Thu Đông 2014 được bán giống với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg,...

Trao đổi về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho chính sách cánh đồng mẫu lớn, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Về chính sách sản xuất cánh đồng lớn Chính phủ và tỉnh đã rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện kịp thời. Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa hấp dẫn đối với doanh nghiệp,... Mặt khác, cái khó hiện nay là số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Để tháo gỡ khó khăn, hiện Sở NN&PTNT đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh rà soát ban hành chính sách cụ thể hơn. Ngày 22/1/2015 UBND tỉnh đã có Quyết định 08/2015/QĐ-UBND ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 đến năm 2020 và đang đề nghị với Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cụ thể hóa chính sách tại 62/2013/QĐ-TTg để các địa phương thực hiện cho dễ dàng hơn.

Giải pháp đang được Sở NN&PTNT tính đến là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng cánh đồng lớn, vừa là bà đỡ, vừa hỗ trợ cho nông dân và đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN