Israel - Mỹ làm lành vì những mục tiêu riêng
(Baonghean) - Hơn 1 năm từ khi Mỹ và Israel nảy sinh bất đồng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, hơn 4 tháng không có các cuộc điện đàm qua lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa có cuộc gặp và hội đàm quan trọng với Tổng thống Barack Obama trong khuôn khổ chuyến thăm hâm nóng quan hệ với Mỹ. Tất nhiên, đi kèm theo đó là những lợi ích mà cả hai bên đang ấp ủ.
Sau hơn 1 năm “xa mặt cách lòng”, với chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, dường như cả Mỹ và Israel đều không muốn mối quan hệ đồng minh thân thiết tiếp tục xuống dốc.
Khác với thái độ hồi tháng 3 khi nhận lời mời của phe Cộng hòa phát biểu trước Quốc hội Mỹ để phản đối thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, Thủ tướng Netanyahu lần này đã ôn hòa hơn rất nhiều khi nhắc đến hồ sơ hạt nhân Tehran.
Ông cũng khẳng định không từ bỏ các nỗ lực đem đến hòa bình với người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước, thành lập một nhà nước Palestine độc lập phi quân sự và thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Còn về phía Mỹ, Tổng thống Obama thừa nhận dù còn nhiều bất đồng nhưng an ninh của Israel vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Người biểu tình ủng hộ Israel vẫy cờ phía trước Đồi Capitol ở Washington vào tháng 3/2015, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AP) |
Thực ra, nếu nhìn vào bối cảnh khu vực Trung Đông hiện nay, không khó để nhìn ra những mục tiêu của Thủ tướng Israel khi thực hiện chuyến thăm Mỹ lần này. Một Iran với vị thế đã khác trước rất nhiều, một Syria đang nóng như lửa với sự hậu thuẫn của Nga cho chính quyền Tổng thống al-Assad và hàng loạt các nguy cơ đe dọa an ninh của Israel, đang khiến Thủ tướng Netanyahu phải đau đầu.
Bởi vậy, chuyến công du lần này là một bước quan trọng để tiến tới việc Mỹ cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Israel. Theo đó, Israel kỳ vọng sẽ nhận được 5 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm từ Mỹ, thay vì 3 tỷ USD như hiện nay. Ngoài ra, Israel còn muốn Mỹ cung cấp thêm các máy bay chiến đấu F-35 hiện đại, các thiết bị quân sự có độ chính xác cao cũng như máy bay đa năng V-22 Osprey.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau lần cuối tại Nhà Trắng vào tháng 10/2014. (Nguồn: The New York Times) |
Với Nga, Israel là cửa ngõ thuận lợi để Moscow tiến vào Trung Đông, bên cạnh chiến lược hậu thuẫn cho Chính phủ Syria. Còn với Mỹ, tất nhiên vị trí đồng minh thân thiết hàng đầu tại Trung Đông sẽ chưa thể trao cho quốc gia khác. Và hẳn nhiên chính quyền Tổng thống Barack Obama không hề muốn đồng minh Israel lại ngả vào vòng tay của Nga, đặc biệt trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường vị thế và ảnh hưởng tại Trung Đông.
Tất cả những yếu tố này có lẽ sẽ khiến cho Mỹ phải “xuống nước” nhiều hơn với Israel thời gian này. Bên cạnh đó, thông qua chuyến thăm và các thỏa thuận lần này với Israel, cá nhân Tổng thống Obama muốn bác bỏ những cáo buộc của phe Cộng hòa cho rằng, ông hay bất cứ chính trị gia Dân chủ nào kế nhiệm, sẽ giảm sự ủng hộ dành cho Israel cũng như sự ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.
Thủ tướng Netanyahu đến Nhà Trắng hôm thứ Hai trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi gặp Tổng thống Obama vào tháng 10 năm ngoái. (Nguồn: The New York Times). |
Dù chưa thực sự có đột phá đáng kể, nhưng chuyến công du của Thủ tướng Israel đến Mỹ lần này đã gửi đi rất nhiều thông điệp và đạt khá nhiều mục đích cho cả hai bên. Tuy nhiên, bản chất mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel có được cải thiện hay không lại là một vấn đề khác.
Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Israel thực ra được xây đắp từ những lợi ích riêng chứ không phải vì một mục tiêu chung. Vì thế, lạnh nhạt hay nồng ấm, “biên độ” dao động của mối quan hệ lâu năm này lại hết sức “nhạy cảm” với những diễn biến mới tại khu vực liên quan đến lợi ích của đôi bên.
Phương Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|