Vụ rơi máy bay Nga: Tai nạn chính trị?

07/11/2015 11:52

(Baonghean) - Được xem là thảm hoạ nghiêm trọng nhất lịch sử hàng không Nga, nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Airbus A321 của hãng hàng không giá rẻ Metrojet ngày 31/10 phía Bắc bán đảo Sinai vẫn đang được các bên ráo riết điều tra. Giả thiết về một vụ khủng bố từ bên trong máy bay đang là khả năng cao nhất được xem xét.

Không phải tự nhiên mà các hãng hàng không Trung Đông và châu Âu đột ngột thay đổi lộ trình các chuyến bay đi qua vùng trời xảy ra sự việc. Thứ Tư ngày 4/11 vừa qua, Anh và Ireland thậm chí còn huỷ bỏ hoàn toàn các chuyến bay đến và đi từ sân bay Ai Cập Charm El-Cheikh - điểm xuất phát của chuyến bay định mệnh mang số hiệu 9268.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết “quyết định này dựa trên các thông tin mới nhận được về vụ tai nạn” và vì “có khả năng cao nguyên nhân rơi máy bay là do chất nổ được mang lên máy bay”. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng nhắc lại giả thiết này chỉ vài giờ sau khi tuyên bố huỷ chuyến được đưa ra.

Mảnh vỡ máy bay Nga tại khu vực Wadi al-Zolomat trên bán đảo Sinai của Ai Cập.Nguồn: AFP/TTXVN
Mảnh vỡ máy bay Nga tại khu vực Wadi al-Zolomat trên bán đảo Sinai của Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà chức trách Mỹ cũng tham gia rất tích cực vào quá trình điều tra - một điều dễ hiểu bởi tính chất liên quan đến nhóm khủng bố IS, kẻ thù của Mỹ và liên quân quốc tế. Cùng ngày Anh ra tuyên bố huỷ chuyến, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc một quả bom có thể là nguyên nhân đầu tiên gây ra vụ tai nạn. Kênh truyền hình CNN dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho biết: “Gần như chắc chắn nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là một quả bom được giấu trong hành lý hoặc đâu đó trên máy bay”.

Nếu giả thiết này là sự thật thì đây sẽ là vụ tấn công khủng bố đầu tiên kiểu như thế này gây ra bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trên thực tế, tổ chức khủng bố này đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tai nạn này ngay từ đầu, nhưng tuyên bố bắn hạ máy bay bằng tên lửa của nhóm này đã bị nhiều bên bác bỏ.

Người phát ngôn của quân đội Ai Cập - Tướng Mohamed Samir và Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov đã đáp lại rằng tuyên bố của nhóm IS hoạt động ở bán đảo Sinai là không xác thực. Theo đó, để có thể tấn công một máy bay đang bay ở độ cao gần 10.000m, cần đến một hệ thống phóng tên lửa đặc biệt. Đây cũng là một trong những điểm lập luận để giới chức các nước khẳng định đoạn video do IS đăng tải để chứng minh cho việc bắn hạ máy bay Nga là giả mạo.

Trước những ý kiến phản hồi này, nhánh hoạt động tại Ai Cập của IS vẫn lên tiếng khẳng định trách nhiệm đối với vụ tai nạn: “Chúng tôi đã làm rơi chiếc máy bay này và chẳng ai hay điều gì ép buộc được chúng tôi phải tiết lộ cách thức đã làm”. Chưa biết việc IS đứng sau vụ tai nạn là thật hay giả, nhưng động cơ thì chắc chắn là có: trả thù Nga vì những hành động can thiệp quân sự tại Syria trong thời gian gần đây.

Đó cũng chính là một trong những lý do khiến vụ tai nạn trở thành tâm điểm trong dư luận quốc tế, bên cạnh mức độ thảm khốc của nó. Bởi, hành động nhận trách nhiệm của IS có thể tung hoả mù làm khó dễ cho quá trình điều tra, nhưng đồng thời cũng gửi đi một thông điệp đe doạ hết sức rõ ràng đến Nga và phần nào lan toả sức ảnh hưởng của tổ chức khủng bố này.

Một nhóm chiến binh IS khác, hoạt động tại khu vực Mossoul ở phía Bắc Iraq đã đăng tải một video ca ngợi “những người anh em Sinai đã làm rơi máy bay của bọn thập tự chinh Nga bất tín”. Trong số 5 chiến binh xuất hiện trong đoạn băng, có 1 người da trắng là người phát ngôn chính bằng tiếng Nga và buông lời lăng mạ Tổng thống Vladimir Putin:

“Nếu ngươi nghĩ rằng máy bay, quân đội và các cỗ máy chiến tranh mà ngươi điều đến có thể huỷ hoại nhà nước của bọn ta thì ngươi nhầm rồi. Nguơi và dân chúng của ngươi sẽ phải hối hận. Chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở chiếc máy bay này đâu. Đến một lúc nào đó, các người sẽ phải trả cái giá đắt vì đã can thiệp vào đất nước của chúng ta”.

Nhóm phiến quân IS Wilayat Sinai ở Ai Cập. Ảnh AFP
Nhóm phiến quân IS Wilayat Sinai ở Ai Cập. Ảnh: AFP

Một điều đáng lưu ý: các đối tượng lưu vong khỏi Liên bang Xô Viết cũ là một trong những bộ phận chiến binh nước ngoài đông đảo nhất đứng trong hàng ngũ tổ chức IS. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch không kích tại Syria ngày 30/9, các nhóm chiến binh có liên hệ với IS và Al-Qeda đã liên tục phát đi thông điệp kêu gọi cuộc “thánh chiến” chống lại Moskva. Theo thống kê mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, 1.631 cuộc không kích đã được không quân Nga tiến hành, nhắm vào 2.084 mục tiêu trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, dù tuyên bố “không loại trừ giả thiết nào” nhưng điện Kremlin hết sức hạn chế tránh đề cập đến khả năng một cuộc tấn công khủng bố vì động cơ chính trị. Thế nên khi Mỹ và Anh đưa ra những tuyên bố nhấn mạnh giả thiết bom đặt trên máy bay thì phía Nga đáp lại bằng thái độ không hề hưởng ứng, thậm chí còn đặt ra giả thiết tuyên bố của Mỹ và Anh là nhằm phục vụ ý đồ chính trị riêng.

Sáng thứ Năm ngày 5/11, liên đoàn hàng không Nga Rosaviatsia tuyên bố không có ý định huỷ các chuyến bay qua Charm El-Cheikh. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hội đồng liên bang Konstantin Kossachev so sánh quyết định của Anh như một động thái “đối kháng địa chính trị” nhắm tới các hoạt động can thiệp quân sự của Nga vào Syria.

Về phía Ai Cập, việc chấp nhận giả thiết khủng bố đặt bom trên máy bay đồng nghĩa với thừa nhận những lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống kiểm soát an ninh tại đất nước này. Nhất là trong một bối cảnh chính trị khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay, Ai Cập chắc chắn không muốn nổi lên như một “lỗ đen” an ninh và cuốn vào vòng xoáy chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại khu vực Trung Đông.

Hiện công tác kiểm tra hộp đen máy bay vẫn đang được tiến hành. Hộp đen ghi lại âm thanh trong buồng lái bị hư hại một phần và sẽ cần lượng thời gian, công sức đáng kể để trích xuất dữ liệu. Song song với công tác điều tra, công tác cứu hộ tiếp tục được tiến hành trong phạm vi lên đến 40km2 xung quanh khu vực máy bay rơi.

Bức màn bí mật phủ lên tấn thảm kịch vẫn chưa được hé lộ, nhưng những thông điệp chính trị phát đi từ các bên liên quan đã hiện rõ. Một nhóm khủng bố muốn “thị uy dằn mặt” thế lực đối địch mới, một liên quân muốn kìm hãm sức ảnh hưởng đang lan toả của quốc gia đối trọng lâu năm - dường như tất cả đang hướng mũi dùi bất lợi vào Nga. Nếu giả thiết một vụ tấn công khủng bố là có thật thì có lẽ một bước ngoặt mới sẽ mở ra cho khu vực Trung Đông và các bên liên quan…

Thục Anh

(Theo Le monde)

TIN LIÊN QUAN