Phát triển trang trại miền núi dễ và khó

10/12/2015 17:08

(Baonghean) - Phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp với khu vực miền núi để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào. Đây còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại cũng còn nhiều vấn đề đặt ra...

Xanh trang trại trên vùng đá đỏ

Châu Bình (Quỳ Châu) vùng đất bị cày xới một thời vì cơn khát đá đỏ giờ đây đã hồi sinh với những trang trại ngút ngàn xanh. Ông Nguyễn Văn Thiện (bản 3/2, Châu Bình) dẫn chúng tôi đi qua những quãng đường rừng nhấp nhô đến với khu trang trại rộng gần 10 ha của mình. Ông Thiện tâm sự: “Từ năm 90, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về quê hai vợ chồng bắt đầu đào ao nuôi cá, trồng ngô, mía. Cứ lấy ngắn nuôi dài như vậy, đến năm 2007 trang trại mới được hoàn chỉnh, gồm có 5 ha trồng mía, 3 ha trồng quế, ao cá 7.000m2 và diện tích còn lại hơn 1 ha thì trồng rau màu theo mùa vụ”.

Ao cá là nguồn cung cấp thức ăn cho cả gia đình, trừ các chi phí về giống và thức ăn mỗi năm thu lãi được khoảng 35 - 40 triệu đồng. Theo những dự án khuyến khích và hỗ trợ hàng năm của hội nông dân, khi mua cá giống gia đình được hỗ trợ 50% giá, vì vậy chi phí đầu tư được giảm đi đáng kể. Nguồn thu từ trang trại chủ yếu từ cây mía, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 400 tấn mía, 300 tấn bán cho nhà máy đường Quỳ Hợp, 100 tấn bán mía giống, trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ trang trại mà giờ đây cuộc sống của ông bà đã ổn định và khấm khá.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình
Trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Hồ Sỹ Điều (Xóm 5, xã Nghĩa Tiến, Tx Thái Hòa).

Ở Châu Bình, còn có những trang trại của ông Lô Xuân Quang (bản Bình 1), Nguyễn Hữu Toàn (bản Bình 2), Hà Văn Chung (bản Can) và bà Nguyễn Thị Ngọc (bản Bình 3)... đều có lãi trên 200 triệu mỗi năm. Đặc điểm chung của các trang trại này là kết hợp chăn nuôi với trồng rừng và cây nguyên liệu. Toàn xã hiện có 3.000 ha rừng, 700 ha mía, 3.000 con trâu bò, gần 3.000 con lợn và 2 vạn con gia cầm.

Có thể nhận thấy trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi nên số lượng trang trại ở miền núi đã tăng lên về lượng và chất. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có hơn 296.000 con trâu, gần 400.000 con bò và hơn 971.000 con lợn… trong đó phân bố khá nhiều tại các vùng núi. Điển hình về tổng đàn gia súc phát triển mạnh như Tân Kỳ đạt 83.580 con; Nghĩa Đàn 91.139 con, Anh Sơn hơn 90.000 con…

Trang trại nuôi gia súc
Đàn trâu của gia đình ông Hờ Gà Vừ (Huồi Tụ, Kỳ Sơn).

Thực tế "làm khó" kinh tế trang trại

Thành quả trên là nhờ vào sự phát triển gia trại, trang trại một cách đồng bộ từ các địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn về điệu kiện sản xuất, kinh doanh như: Hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa nhiều, nguồn cung giống hạn hẹp... nên kinh tế trang trại ở miền núi vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Với đặc thù địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi hiểm trở, thậm chí nhiều tuyến đường đến trung tâm các xã chỉ lưu thông được vào mùa khô, do vậy việc vận chuyển và tiêu thụ cực kỳ vất vả.

Ví như bản Kèo Lực (Phà Đánh, Kỳ Sơn) nằm cheo leo trên sườn Pù Húc. Do địa hình núi dốc, đất đai cằn cỗi nên bao đời nay đất Kèo Lực chỉ có thung lũng Pù Húc là thửa đất bằng duy nhất có thể canh tác được. Tuy nhiên, vì khoảng cách từ bản xuống chân thung lũng khá xa và chưa có đường đi nên hiện chỉ có một vài hộ xuống đây làm trang trại. Trang trại của vợ chồng anh Vi Văn Thoong và chị Lô Thị Hoa rộng hơn 3,5 ha với hơn 1 ha ngô, gần 2 ha xoài và mía. Trung bình mỗi vụ cho thu hoạch gần 10 tấn ngô, trên dưới 2 tấn xoài và mía, chưa kể trong trang trại còn nuôi cá với số lượng lớn nên số sản phẩm cần vận chuyển vào vụ thu hoạch là không hề nhỏ.

Trang trại với quy mô lớn
Trang trại với quy mô lớn của gia đình ông Trương Đình Thống (Nghĩa Long, Nghĩa Đàn).

Vậy mà đường thung lũng lên đến tuyến đường liên xã chỉ là những lối mòn nhỏ, người đi đã khó khăn huống chi vận chuyển.

Bên cạnh vấn đề giao thông, việc “khan” con giống cũng gây đau đầu cho nhiều hộ chăn nuôi theo hướng tập trung tại các huyện vùng núi. Qua tìm hiểu ở trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Lợi (xóm Phượng Đình, xã Đồng Văn, Thanh Chương), hiện tại trang trại của anh có đàn lợn 75 con, cung cấp cho thị trường 52 tấn thịt mỗi năm. Được biết, đối với anh Lợi và các chủ hộ chăn nuôi lợn khác trên địa bàn thì vấn đề nan giải nhất vẫn là con giống, khi hầu hết nguồn giống đều phải nhập từ các tỉnh miền Bắc và miền Nam.

Đối với các chủ nuôi lợn nái thì phải nhập chủ yếu từ tỉnh Đồng Nai với tổng chi phí cao, mỗi lần nhập phải thanh toán phí nhân giống là 2 triệu đồng, phí vận chuyển trên 4 triệu/1 tấn. Trung bình mỗi con lợn nái mua về mất tổng chi phí từ 7 - 8 triệu đồng. Tính ra tiền lãi chẳng còn là bao. Mặt khác, việc đầu tư vào sản xuất con giống cần nắm chắc về khoa học kỹ thuật, tuy nhiên, các trại xuất giống vẫn chủ yếu tự tìm tòi trong quá trình phối và nhân giống nên chất lượng và số lượng nhiều khi chưa cao.

Ông Trần Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh tế trang trại tỉnh cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 3.185 trang trại theo tiêu chí cũ và mới. Trong đó có 420 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TTBNN. Trong đó số lượng trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và tổng hợp tăng nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua trong thời gian tới. Xét trên phương diện toàn tỉnh, việc tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng các cơ sở chăn nuôi gia súc chỉ chiếm chưa tới 25% và gần 60% đối với các trang trại chăn nuôi thủy sản và gia cầm; đối với con giống thì đa phần vẫn phải nhập từ các tỉnh khác về, nội tỉnh chỉ cung cấp được số lượng chưa tới 10%, ở miền núi tỉ lệ này còn thấp hơn. Bên cạnh đó, bà con vùng núi còn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện đặc thù như giao thông, thời tiết… gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trong một khoảng thời gian nhất định”.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN