Bộ Nội vụ thông tin về đợt tinh giản biên chế mới

13/01/2016 09:12

"Thuận lợi nhất của Nghị quyết 39 là chỉ ra việc tinh giản biên chế thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và giám sát của các cơ quan dân cử, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, đặc biệt là có sự giám sát của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện”- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.

“Tinh giản biên chế từ trước đến giờ chỉ đơn thuần giải quyết chế độ chính sách là chủ yếu. Đợt tinh giản biên chế lần này thực hiện đồng bộ các giải pháp, kể cả tổ chức bộ máy, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng…”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và phổ biến kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức diễn ra ngày 12/1 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, trong tinh giản biên chế lần này, trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy cao nhất. Bởi vì các kế hoạch, đề án về tinh giản biên chế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trở thành chỉ tiêu mang tính pháp lý gắn liền với đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Việc triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế thể hiện chủ trương, quyết tâm của Đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan, tổ chức và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thuận lợi nhất của Nghị quyết 39 là chỉ ra việc tinh giản biên chế thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và giám sát của các cơ quan dân cử, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, đặc biệt là có sự giám sát của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện”- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố sau khi nêu thực trạng của việc tinh giản biên chế cũng đã phản ánh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc này, như việc dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; đặc biệt đối với ngành giáo dục và y tế, công việc này gặp không ít khó khăn.

Theo lý giải, hiện nay phân bố giáo viên của nước ta vừa thừa lại vừa thiếu. Nhiều địa phương thiếu rất nhiều giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, nhưng ở các trường phổ thông lại dư thừa giáo viên quá nhiều. Chính điều này đã gây lúng túng cho một số địa phương khi thực hiện tinh giản biên chế.

“Nghị quyết 39 quy định ít nhất tinh giản 10% biên chế. Tuy nhiên, hiện nay biên chế trong khối sự nghiệp, giáo dục lại thực hiện theo tỷ lệ giáo viên/lớp. Nếu giảm như vậy sẽ không đủ số giáo viên đứng lớp và rất khó cho cấp dưới thực hiện giảm theo 10% biên chế”- ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phản ánh.

Đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) đề nghị xem xét không cắt giảm biên chế đối với các huyện 30a, huyện biên giới khó khăn.
Đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) đề nghị xem xét không cắt giảm biên chế đối với các huyện 30a, huyện biên giới khó khăn. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi nếu làm không cẩn trọng, không khách quan và công tâm thì việc tinh giản biên chế sẽ dễ dẫn đến việc gây mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu nại…

Trước những vướng mắc này, một số ý kiến đề nghị Bộ Nội vụ sớm phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Bên cạnh đó, Trung ương nên tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tinh giản biên chế bằng cách sáp nhập và giảm đầu mối.

“Nếu không sáp nhập và giảm đầu mối thì việc giảm biên chế rất khó khăn. Hiện nay nhiều sở, ngành ở địa phương có nhiều đơn vị sự nghiệp như ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp…Nhưng khi chúng tôi rà soát để sáp nhập hoặc giảm bớt đầu mối thì chưa nhận được sự ủng hộ, nhất trí của bộ, ngành trung ương” - bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phân trần.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, trong ngành tư pháp, việc tinh giản biên chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của ngành. “Vì vậy, trong nhiều năm nay chúng tôi đã thực hiện trước khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cơ bản là lĩnh vực công chứng chúng tôi chuyển từ phòng công chứng của Nhà nước sang văn phòng công chứng tư (hiện chuyển được 30%, thời gian tới sẽ xã hội hóa việc này).

Các trung tâm bán đấu giá tài sản cũng sẽ chuyển sang tư nhân. Số lượng trung tâm bán đấu giá tài sản bên ngoài khá nhiều. Lĩnh vực thi hành án dân sự cũng dần được xã hội hóa, trong đó có thừa phát lại”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng cho rằng, nếu đặt vấn đề thực hiện tinh giản biên chế nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao đối với ngành tư pháp là có sự mâu thuẫn.

Bởi các nhiệm vụ chính trị được giao của ngành ngày càng tăng, những năm qua, ngành tư pháp đã được giao bổ sung nhiều chức năng, nhiệm vụ như quản lý lý lịch tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, quản lý về vấn đề bồi thường nhà nước… do vậy không thể không tăng thêm biên chế, tăng thêm tổ chức bộ máy ở cả Trung ương và địa phương. Để đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ đó, phải có con người, tài chính, trang thiết bị cơ sở vật chất.

Theo Pháp Luật online

TIN LIÊN QUAN