Hành trình của đam mê

06/11/2015 08:53

(Baonghean) - Thuở nhỏ khi vừa biết nghĩ tôi đã nói với mẹ mình rằng: “Lớn lên con muốn đi bộ đội. Bộ đội ở Trường Sa”. Mẹ tôi đã ngậm ngùi: “Răng rứa con? Người ta ước mơ trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo răng con lại muốn ra nơi hòn tên mũi đạn?”.

Thời gian trôi đi, tôi lớn lên và bỏ lỡ ước mơ ngày nào. Tôi lập thân bằng nghề báo và thật may mắn, môi trường công việc đã cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều điều. Tôi đã được đến Trường Sa, đã tự lập “kỷ lục” cho riêng mình trong hành trình nghề báo.

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại đảo Nam Yết - quần đảo Trường Sa.
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại đảo Nam Yết - quần đảo Trường Sa.

Với Trường Sa

Tôi đến Trường Sa lần đầu vào tháng 12/2011. Không thể diễn tả hết cảm xúc khi đứng trên cầu tàu ở Quân cảng Cam Ranh nhìn những con tàu trước giờ xuất phát. Không gian nêm kín màu xanh áo lính. Những gương mặt trẻ măng, những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm xiết chặt và có cả những cặp vợ chồng, cha con bịn rịn nước mắt vắn dài trước giờ chia tay. Trong khi đó, tại các cầu tàu cơ man hàng hóa được chuyển lên khoang, lên boong.

    Điểm B, đảo Đá Tây (Quần đảo Trường Sa) nhìn từ xa. Ảnh: N.Khoa
Điểm B, đảo Đá Tây (Quần đảo Trường Sa) nhìn từ xa. Ảnh: N.Khoa.

Ngoài các loại nhu yếu phẩm, còn có rất nhiều cây, con giống, nào chanh, cam, bưởi... nào lợn, gà, vịt... Thậm chí tôi còn nhìn thấy những cành cây khô mà không hiểu bộ đội đưa ra đảo làm gì. Sau này mới biết bộ đội Trường Sa dùng để trang trí và tạo ra cành đào trong dịp Tết. Khi đã lênh đênh cùng tàu trên biển tôi còn nhận thấy có rất nhiều lính trẻ mang theo gà trống trong hành lý của mình. “Chúng em đưa gà ra đảo để luôn được nghe tiếng gáy cho đỡ nhớ quê” - đó là giải thích của Đại úy Nguyễn Văn Vinh ở đảo chìm Đá Lớn mà tôi còn nhớ.

Thủy phi cơ của Hải quân nhân dân Việt Nam hạ cánh tại Trường Sa Lớn. Ảnh: N.Khoa
Thủy phi cơ của Hải quân nhân dân Việt Nam hạ cánh tại Trường Sa Lớn. Ảnh: N.Khoa.

Lần đó con tàu chở chúng tôi ra đảo lần đầu tiên mang số hiệu HQ 936. Năm nào cũng vậy, vào tháng 12 cùng với nhiều tàu vận tải khác, HQ 936 lại chở lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, bộ đội và đội ngũ phóng viên, nhà báo đại diện các cơ quan báo chí trong cả nước ra thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ chiến sỹ đang làm việc, công tác trên đảo.

Đảo đầu tiên chúng tôi đến là Song Tử Tây. Nhưng để tàu cập bến không hề đơn giản. Thời điểm năm 2011, Song Tử Tây đã có âu tàu được xây dựng để neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão. Tuy nhiên lúc đó tại quần đảo Trường Sa liên tiếp chịu 1 cơn áp thấp nhiệt đới và 1 cơn bão, cơn bão số 9. Gió to, sóng lớn trong khi cửa âu tàu nhỏ nên tàu trung chuyển không thể nào vào bờ. Chúng tôi phải nằm cách Song Tử Tây hơn 1 hải lý và chờ đợi. 4 ngày sau chúng tôi mới vào được Song Tử Tây - đảo lớn nhất trên huyện đảo Trường Sa. Những ai lần đầu đến đây đều phải ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của hòn đảo này. Cây cối 4 mùa xanh tươi mặc cho từng đợt sóng lớn mang theo hơi biển mặn mòi như muốn trùm lấy đảo nhỏ. Trên đảo bộ đội nuôi bò, lợn, gà, trồng rau và nhiều loại cây ăn quả. Chúng tôi vừa ghi chép, vừa hỏi chuyện và phỏng vấn rất nhiều người. Cũng tại đảo Song Tử Tây những hình ảnh, bài viết lần đầu tiên được tôi chuyển về đất liền. Lúc đó tại đảo đã có sóng viễn thông và mạng 2G của Viettel. Tuy nhiên để gửi được 1 bức ảnh, 1kb clip là vô cùng chật vật. Cánh phóng viên phải “trực sóng” thâu đêm, bàn tay không rời bàn phím laptop, cứ đứt đường truyền là phải ấn lại. Như thấu hiểu được khó khăn trong việc tác nghiệp của nhà báo, nhiều đêm các cán bộ, chiến sỹ chuẩn bị nào cháo cá, nào cà phê, trà phục vụ anh em.

Tác giả tác nghiệp trên Đảo Song Tử Tây, Quần Đảo Trường Sa.
Tác giả tác nghiệp trên Đảo Song Tử Tây, Quần Đảo Trường Sa.

Trong số những lần đón năm mới xa nhà, có 2 lần tôi đón ngày đầu tiên của năm trên quần đảo Trường Sa. Lần thứ nhất trên đảo Sinh Tồn vào năm 2011-2012, lần thứ 2 đón xuân 2014 ngay trên con tàu HQ 571 giữa trùng dương. Cái cảm giác chờ thời khắc giao thừa đến để cùng ôm nhau giữa vùng biển đảo quê hương thật khó viết thành lời. Đâu đó trong những vòm cây trên đảo có những giọt nước mắt nhớ nhà, nhớ quê của những chàng trai tuổi đời mới 18, đôi mươi.

Nhớ nhất là đảo Sơn Ca. Hòn đảo nhỏ được bao bọc bởi rất nhiều cây xanh, trong đó nhiều nhất là cây Phong Ba, cây Bão Táp và loài hoa muống biển. Sở dĩ đảo có nhiều cây xanh như vậy là nhờ Chi đoàn thanh niên của đảo phát động phong trào trồng cây xanh. Theo đó từ các phân đội cho đến mỗi đoàn viên hằng năm đều đăng ký trồng cây. Chính tại đảo nhỏ này chúng tôi đã thực hiện phóng sự truyền hình về điển hình học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và phát trên sóng VTV1. Đặc biệt, chúng tôi được xem tác phẩm của mình ngay trên đảo, giữa niềm tự hào, xúc động của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và đồng nghiệp.

Sẽ không thể nói hết những ngày tháng ấy. Những chuyến vượt sóng dữ để vào đảo An Bang - nơi được bộ đội Trường Sa mệnh danh là “lò vôi thế kỷ”; Không thể quên những lần ngồi chao đảo trên chiếc xuồng “tăng bo” trung chuyển mà bộ đội buộc phải vứt hàng xuống biển để cứu người. Và không thể cầm lòng khi đứng trước ban thờ mà có những cán bộ, chiến sĩ lập vội vàng trong góc phòng để cúng vọng mẹ, cha vì không thể về quê chịu tang. Tất cả đều trở thành nguồn tư liệu vô cùng quý giá để các phóng viên phản ánh chân thật nhất, gần gũi nhất về cuộc sống ở Trường Sa.

Những hành trình biển và tác nghiệp nước ngoài

Ngoài niềm hạnh phúc 2 lần được đến Trường Sa, tôi còn may mắn khi có 2 chuyến đi cùng bà con ngư dân ra vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ. Chúng tôi “đi khơi” vào những thời điểm mà tình hình Biển Đông diễn ra nhiều vấn đề phức tạp. Có ra đến vùng đánh cá chung, từ 190 vĩ bắc trở ra mới thực sự hiểu về lòng can đảm của ngư dân Việt Nam. Đối sánh trên ngư trường, chúng tôi đã nhìn thấy hàng loạt tàu đánh cá vỏ sắt đồ sộ, công suất lớn của ngư dân nước láng giềng Trung Quốc, trong khi đó tàu ngư dân Việt Nam được làm bằng vỏ gỗ và cơ bản vẫn khai thác, đánh bắt thủ công, sử dụng sức người là chủ yếu.

Thấy thương vô cùng những vóc người sạm đen vì sóng gió, tóc tai cháy vàng vì mặn nắng biển khơi. Ấy vậy, trên biển cả những tàu vây, tàu giã cào, tàu chụp của bà con vẫn miệt mài đêm này đến ngày khác quyết không để mất ngư trường. Đã có những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, hãm hại, nhiều trường hợp khác bị cắt lưới và phá hoại ngư cụ. Khi chúng tôi đem điều này hỏi các ngư dân thì đều nhận được câu trả lời chắc nịch: “Sợ chi. Biển của ông cha ta, ta khai thác.

Ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đánh mực trên vùng đánh cá chung, Vịnh Bắc bộ.
Ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đánh mực trên vùng đánh cá chung, Vịnh Bắc bộ.

Cuộc sống của bà con ngàn đời nay đều ở đó, nếu sợ sệt mà bỏ thì không chỉ là mất nguồn lợi hải sản mà còn mất nhiều thứ khác quan trọng hơn”. Quả vậy, ở đâu có ngư dân, có tàu đánh cá Việt Nam ở đó có hình đất nước. Tôi đã không khỏi tự hào xen lẫn xúc động khi được chứng kiến những lần thuyền viên leo nóc tàu thay mới lá cờ Tổ quốc. Trên tàu lúc nào cũng dự trữ đôi, ba lá cờ đỏ sao vàng. Những lúc như thế có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ phóng viên nào cũng ngay lập tức ngồi trên boong mở sổ, bật laptop viết. Với người làm báo đó sẽ là những dòng cảm xúc rất thật và mang lại giá trị lớn lao.

Cuộc đời người làm báo đã cuốn chúng tôi đi và đến rất nhiều nơi, gặp nhiều người, từ trong nước đến nước ngoài. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống viễn thông trên phạm vi quốc tế, hoạt động của người phóng viên đã trở nên rất thuận lợi. Từ nước ngoài chúng tôi đã có thể cập nhật thông tin, đăng tải bài, ảnh, clip lên hệ thống báo điện tử ngay khi sự kiện đang diễn ra. Với phóng viên Báo Nghệ An điều này là yêu cầu tối thượng. Còn nhớ lần tôi cùng nữ đồng nghiệp có chuyến công tác dài ngày trên đất nước Lào. Mục đích của chuyến đi là tìm hiểu đời sống của người lao động Việt Nam trên đất nước Triệu voi.

Trong đó nhất thiết phải gặp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn. Đại sứ cho lịch gặp vào 8 giờ, nhưng vì kẹt xe tắc đường nên anh bạn lái xe không thể đến đón như đã hẹn. Chẳng biết làm thế nào 2 phóng viên đành vẫy xe tuk tuk (giống như xe lam ở Việt Nam). Khi chiếc xe 3 bánh gào ầm ĩ rồi đỗ xịch ngay cổng Đại sứ quán cũng là lúc những người mặc cảnh phục giật mình chạy đến. Mãi sau người thư ký của Đại sứ xác nhận chúng tôi mới được vào làm việc. Đó thực sự là kỷ niệm tác nghiệp nhớ đời.

Với yêu cầu ngày càng cao của xã hội và công chúng, sẽ là không đủ nếu người làm báo chỉ sống bằng lòng can đảm. Vậy nên trong mọi trường hợp người phóng viên ở Báo Nghệ An phải đa năng và linh hoạt. Có thể viết bài cho báo in, làm báo điện tử, chụp và xử lý ảnh thuần thục; tự quay video clip và làm hậu kỳ để nó trở thành 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Đã là người làm báo sẽ chẳng có khó khăn nào ngăn cản được khi cháy bỏng đam mê.

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN