Thị trường tràn ngập thực phẩm sạch... tự phong
Theo đúng qui định, thực phẩm sạch phải được dán tem an toàn, ghi mã số của cơ sở sản xuất và có sự công khai về giá cả. Nhưng hiện nay trên thị trường, nhiều loại thực phẩm “sạch” lại do chính cơ sở sản xuất gắn cho cái tên “ăn khách” này.
Thực phẩm mác “sạch” thường có giá cao. Ảnh: T.Trang |
Thịt lợn sạch chỉ là lời cam đoan của người bán
Thực tế, những sản phẩm có gắn chữ “sạch” giá thường cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì thế, các cửa hàng đua nhau gắn mác “sạch” cho thực phẩm của mình, từ đồ tươi cho đến đồ khô. Trong vai khách hàng, chúng tôi dừng chân tại một cửa hàng bán thịt trên đường Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi có tấm biển quảng cáo bắt mắt: “Điểm bán thịt lợn sạch Hòa Bình – Không nuôi công nghiệp”. Có khách, chị bán hàng đon đả: “Ăn thịt gì em? Thăn, mông, vai hay ba chỉ để chị cắt cho? Hàng sạch đấy, chẳng mấy khi có đâu”. “Thịt sạch mà không có dấu kiểm dịch à chị?”. Chị bán hàng lập tức đổi giọng: “Dấu má gì? Thịt lợn lấy đâu ra dấu? Có phải lợn nuôi công nghiệp đâu mà đòi dấu, giờ tin nhau là chính. Em cứ để ý như thế thì chẳng ăn được gì đâu”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, chị này lại mềm mỏng: “Lợn này chị lấy ở chỗ người quen, lâu lâu mới có một con lấy đâu ra dấu hả em. Chị bán ở đây bao năm rồi, sạch thì chị bảo sạch, em cứ ăn thử thì biết”(?).
Cũng theo chủ hàng này, ngày trước, chị đã bán thịt lợn “sạch” lấy tận gốc từ Hòa Bình nhưng không treo biển. Gần đây, thấy rộ lên thông tin về thực phẩm hóa chất gây hoang mang cho người tiêu dùng nên chị mới treo biển cho hợp thời. Hôm nào có thịt lợn “sạch” chị mới treo biển. Nói là vậy, nhưng gần một tuần nay, ngày nào chúng tôi đi qua cũng thấy tấm biển này được trưng trước cửa hàng.
Tiếp tục tìm đến một cửa hàng “Gạo sạch” trong chợ Xanh (Cầu Giấy), khi biết chúng tôi muốn mua gạo hữu cơ, người bán hàng lấy ra một túi gạo có trọng lượng 5kg, giá 180.000 đồng/túi và giới thiệu: “Em cứ để ý mà xem, thường thì gạo sạch chỉ đóng túi đồng nhất một loại 5kg. Giá hơi đắt một chút nhưng an tâm em ạ. Bây giờ gạo tẩy trắng, ướp hương nhiều lắm, ham rẻ có ngày rước bệnh vào thân”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trên bao bì của loại gạo này lại không có bất cứ thông tin gì thể hiện đó là sản phẩm hữu cơ ngoài một vài thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và cái chữ “sạch” tự phong. Người bán hàng giải thích đơn giản: “Nhà cung cấp nói sản phẩm này không dùng chất bảo quản” (?). Trong cơn khát thực phẩm sạch, người tiêu dùng đã tìm đến những địa chỉ này như một sự cứu cánh, bất chấp mẫu mã thiếu chuyên nghiệp của nó.
Không thể nhận biết thực phẩm sạch bằng mắt thường
Thực tế, các loại thực phẩm sạch hiện nay như rau quả, thịt cá, gạo…chỉ do các doanh nghiệp tự gắn mác, chưa có sự kiểm chứng, khẳng định của cơ quan có chức năng song lại đắt hàng bởi trào lưu của người tiêu dùng. Vì thế, nhiều người chấp nhận trả giá cao để mua được sự an toàn. “Biết là đang phải ăn gạo với giá đắt gấp vài lần so với giá ngoài chợ, nhưng mức giá này vẫn nằm trong khả năng chi trả của tôi. Dù sao, dùng thực phẩm sạch, tôi thấy vẫn an tâm hơn”, bà Chu Phương Anh (phố Mã Mây, Hoàn Kiếm) cho biết.
Mặc dù chấp nhận giá cao nhưng đa số người sử dụng thực phẩm sạch hiện nay vẫn chỉ biết trông chờ vào sự may rủi, có chăng cũng chỉ là sự nhận biết, chọn lựa bằng cảm quan. “Theo kinh nghiệm của mình, thịt lợn ngon sẽ có màu đỏ tươi, mỡ dày và trắng, khi luộc lên không có mùi hôi. Mình cũng chỉ biết phân biệt thế thôi, còn việc người ta có sử dụng chất này, chất kia hay không thì mình chịu. Giờ tin tưởng nhau là chính”, chị Nguyễn Ngọc Huyền (ở Cầu Giấy) chia sẻ.
Trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng chỉ còn biết phó mặc sự an toàn của mình cho lương tâm của người bán hàng. “Khuất mắt trông coi, họ làm gì ai mà biết được. Mình ăn thì cứ ăn thôi, có lo cũng chẳng giải quyết gì. Giờ mình cũng chỉ biết đặt niềm tin vào người bán”, chị Thu Hà (khu đô thị Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm) bộc bạch.
Bàn về vấn đề nhận biết thực phẩm sạch, ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay: “Bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn. Chẳng hạn như miến, người ta hay tẩy trắng, nhuộm màu nên có màu bất thường và người tiêu dùng có thể dựa vào đó để nhận biết được, còn với những thực phẩm khác thì chịu. Để có thực phẩm an toàn, cái cần phải quan tâm là nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm ấy. Tốt nhất, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ở những địa chỉ có uy tín”.
Những doanh nghiệp, cá nhân tự ý gắn nhãn mác các thương hiệu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Căn cứ vào Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp: Mức xử phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng. Hiệp hội ngành hàng có thể kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm “nhái” thương hiệu được chỉ dẫn địa lý có thể áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng để đòi lại quyền lợi chính đáng.
Theo Gia đình.net
TIN LIÊN QUAN |
---|