Đừng để báo chí là nỗi sợ hãi của những người làm chuyên môn

07/11/2015 16:17

Đã có không ít bác sĩ cho biết, họ rất ngại khi phải gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí, dù chỉ là chia sẻ những thông tin chuyên môn. Bởi đã có không ít bác sĩ “điêu đứng” sau những câu chữ của nhà báo.

1
Nhiều bác sĩ cho biết, áp lực của công việc rất nhiều nhưng họ rất sợ gặp nhà báo vì sợ những tai bay vạ gió sau những câu chữ.

Cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao trước thông tin bác sĩ Phan Xuân Tước (Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM) bị nhà báo gài bẫy khi phỏng vấn, đưa ông vào thế bị động trở thành người đi công kích chính đồng nghiệp của mình.

Và mới đây nhất, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã không kiềm chế được xúc động, rơm rớm nước mắt trước thông tin một tờ báo viết ông say xỉn, nồng nặc mùi rượu bia trong giờ làm việc, không tiếp phóng viên, đẩy trách nhiệm…

Giải thích trước đông đảo báo giới, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh giải thích từng vấn đề và khẳng định, ông từng là hiệu trưởng, là người thầy của nhiều thế hệ học trò nên ông luôn cố gắng sống gương mẫu: “Việc đưa hình ảnh của tôi như vậy và những ngôn từ đó khiến người dân nhìn không đúng về ngành y tế. Không lẽ cá nhân tôi lại đi xóa bỏ cả một ngành như vậy. Nó là sự xúc phạm lớn lắm…”

TS. BS Võ Xuân Sơn, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, ông cũng đã từng vướng vào những trường hợp gần như vậy khi một bệnh nhân kiện ông với lý do ông mổ làm cho anh ấy bị liệt. TS.BS Võ Xuân Sơn cho biết: “Trên thực tế, đây là một ca bệnh khó, khả năng thành công thấp, khả năng biến chứng cao. Bệnh nhân và thân nhân được giải thích rất rõ về những khó khăn và tiên lượng. Mặc dù ca mổ có tỉ lệ thành công thấp nhưng nếu không mổ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ bị liệt, rối loại tiêu tiểu và những biến chứng thần kinh khác.

Chính vì vậy mà bệnh nhân tha thiết xin được mổ. Trong hoàn cảnh không còn gì để mất ấy, tôi đã đồng ý mổ cho bệnh nhân. Ca mổ hoàn toàn không có biến chứng, có thể nói là thành công. Bệnh nhân khá lên, tình trạng cải thiện. Tuy nhiên, sau 2 năm, bệnh lại trở nặng. Bệnh nhân lại muốn được mổ lần nữa.

Giống như lần trước, tôi cũng giải thích kĩ càng, bệnh nhân, và cả tôi, vẫn hi vọng sẽ cố gắng còn nước còn tát, nếu may mắn thì điều tốt đẹp sẽ đến. Lần này, sự thành công chỉ kéo dài 1 năm, sau đó bệnh nhân bắt đầu yếu chân trở lại.

Khi đó, bệnh nhân yêu cầu tôi mổ tiếp, nhưng đã mổ 2 lần, nước thì cũng đã tát hết, nên tôi quyết định dừng lại. Bệnh nhân quay qua bắt đền tôi, và sau đó, với sự giúp sức của một phóng viên, anh ta kiện tôi lên Sở Y tế TPHCM. Hội đồng khoa học của Sở Y tế TPHCM họp và kết luận chỉ định mổ đúng. Phóng viên và bệnh nhân không đồng ý và khởi kiện ra tòa.

Khi đó, có một phóng viên đến gặp tôi. Tôi cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ về chuyện tôi đã giải thích và bệnh nhân năn nỉ xin mổ. Nhưng khi bài báo ra đời, tôi thật sự thất vọng vì không ngờ báo chí lại có thể viết sai sự thật đến vậy. Sau đó, cỡ vài chục tờ báo đăng lại, có tờ chế tác ra thêm, mặc dù không ai hỏi tôi, kể cả qua điện thoại, email...

Lúc đó, tôi rất buồn, vì mình đã làm hết sức, lại còn làm từ thiện, còn cho bệnh nhân một miếng vá, vật liệu dùng trong cuộc mổ, trị giá cả chục triệu đồng. Bệnh nhân mổ u tủy, một trong những loại bệnh khó khăn nhất trong phẫu thuật cột sống, 2 lần ở bệnh viện tư, loại khá cao cấp, nằm viện tổng cộng gần 20 ngày, tổng chi phí cho cả hai lần chưa đến 45 triệu đồng, bao gồm cả tiền ăn. Vậy mà tôi bị đối xử như vậy.

Khi ra tòa, thẩm phán đứng hẳn về phía bệnh nhân, mặc nhiên là tôi sai, yêu cầu tôi bồi thường. Họ làm nhiều cách để chứng minh tôi sai. May mà các cơ quan quản lý y tế đã rất công tâm, các công ty dụng cụ, và cả tổ chức cấp chứng chỉ chất lượng châu Âu (CE) đã nhiệt tình giúp đỡ, tôi đã chứng minh được là mình làm đúng và hoàn toàn hợp pháp. Nhưng Tòa sơ thẩm vẫn kết luận tôi có lỗi, vì... đã mổ cho bệnh nhân. Sau đó, Tòa phúc thẩm bác bỏ bản án sơ thẩm, bệnh nhân rút lại đơn kiện, vụ kiện chấm dứt.

Câu chuyện để lại vị đắng trong tôi. Và cũng từ đó, tôi luôn đấu tranh, chống lại những bài báo ác ý nhắm vào nhân viên y tế”.

TS.BS Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Theo tôi, nhà báo nên bình tĩnh lại. Cần học tập nâng cao nghiệp vụ để học cách tiếp cận với người cần phỏng vấn, không nên tự cho mình cái quyền bắt người khác phải bỏ hết công việc để tiếp riêng mình. Ngoài ra, mỗi cm2 trên mặt báo đều có giá rất cao, nên dùng nó vào những việc thiết thực hơn là để công kích một cá nhân”.

Theo Infonet.vn

TIN LIÊN QUAN