Vượt lên chính mình
(Baonghean) - Trong cuộc đời, có thể chúng ta sẽ gặp phải sự bế tắc đến cùng cực nhưng hãy nhìn xem, thế giới rộng lớn mà chúng ta đang sống không chỉ là màu xám. Luôn lạc quan, luôn có niềm tin và vượt lên chính mình thì không gì là không thể...
Tôi sinh ra ở vùng quê Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Gia đình nghèo khó, cuộc sống quanh năm dựa vào ruộng đồng. Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, tôi là con út trong nhà, trước tôi là 2 chị gái. Tôi vẫn còn nhớ những năm tháng tuổi thơ, cuộc sống tuy thiếu thốn về vật chất nhưng gia đình tôi luôn tràn ngập tiếng cười, ba chị em tôi bảo ban nhau cố gắng học tập và phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.
Thế nhưng, thật chẳng ai biết đến chữ ngờ. Chị cả tôi không may bị ngã, sau lần đó chỉ cần ngã nhẹ cũng gãy xương. Oái ăm thay, cả chị hai tôi và tôi cũng gặp tình cảnh tương tự. Dần dần, đôi chân của ba chị em tôi bị teo lại, chiều cao không phát triển. Bố mẹ đưa chúng tôi đi khám, tôi nghe bác sĩ có nhắc đến căn bệnh xương thủy tinh. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Nhưng nhìn bố mẹ buồn bã tôi biết rằng chị em tôi sẽ trở thành người khuyết tật.
Công việc sửa chữa đồ điện gia dụng của Đinh Văn Chung. |
Đã không ít lần tôi chứng kiến mẹ khóc một mình trong căn bếp nhỏ, vai gầy run lên nhòe trong màn khói rơm. Còn bố tôi vẫn tỏ ra kiên cường, mạnh mẽ, nhưng gánh nặng bệnh tật của những đứa con và hoàn cảnh khốn khó gia đình khiến bố tôi ngày một già đi trông thấy. Những lúc đó, tôi thấy mình hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng. Nhiều đêm, ba chị em tôi ngồi với nhau, tìm cách đỡ đần bố mẹ nhưng sức khỏe không cho phép khiến mọi giải pháp đều lâm vào bế tắc. Khi đó, chúng tôi hiểu rằng chỉ có vượt khó, vươn lên học tập là cách duy nhất để trở thành người có ích.
Thế rồi, chị em tôi tự động viên và bảo ban nhau học hành. Sáng sáng, ba chị em, người chống nạng, người xe lăn đưa nhau đi học. Tối đến lại chong đèn, chỉ bảo cho nhau những bài văn, bài toán khó. Suốt 9 năm liền, tôi đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Tôi còn tham gia các giải thi đấu cờ vua, cờ tướng do tỉnh tổ chức cho học sinh và nhiều lần đạt giải. Hoài bão, ước mơ như tiếp thêm sức mạnh, giúp chị em tôi vực dậy niềm tin trong cuộc sống. Thế nhưng, một lần nữa ông trời lại thử thách lòng người. Cả 3 chị em tôi học hết lớp 9 thì phải dừng lại, một phần bởi trường cấp 3 cách nhà quá xa, khả năng đi lại của chúng tôi hạn chế, một phần cũng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Tiền chữa trị cho ba chị em, tiền thuốc thang, sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Tại thời điểm đó, bố tôi bị ngã trong lúc làm đồng về, kinh phí chữa trị quá lớn khiến cuộc sống càng thêm túng quẫn.
Năm 2011, trong một lần xem ti vi ở nhà hàng xóm, chị cả tôi thấy chương trình “Vượt lên chính mình” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức rất ý nghĩa, chị về bàn bạc với gia đình viết thư đăng ký tham gia. Hạnh phúc vỡ òa khi chỉ mấy tháng sau, chương trình đã về tận nơi quay hoàn cảnh gia đình và ba chị em chúng tôi được tham dự. Vượt qua các thử thách, chúng tôi đã giành được số tiền 57 triệu đồng. Ngoài ra chị tôi còn được đài thọ một năm học nghề may mặc và được tặng một bộ máy may. Vốn chăm chỉ, tay nghề của chị ngày một vững, bà con lối xóm hết lời khen ngợi. Chị tôi có thêm thu nhập hỗ trợ chi tiêu trong gia đình.
Gia đình nhỏ của Đinh Văn Chung. (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Còn với tôi, phải gác lại việc học hành, đó là nỗi buồn lớn nhất. Ngồi trước hiên nhà, nhìn chúng bạn nô đùa cắp sách tới trường, nước mắt tôi luôn chực trào. Cứ đêm đến, tôi lại nằm mơ được đến lớp, được nghe thầy cô giáo giảng bài. Rồi lúc tỉnh giấc, nghe tiếng bạn gọi nhau í ới đi học ngoài ngõ khiến tôi thấy tủi thân vô hạn. Đến tận bây giờ, thi thoảng giấc mơ ấy lại hiện về, khao khát và tiếc nuối.
Vốn say mê, yêu thích môn Vật lý từ thời đi học, tôi quyết tâm xuống thành phố học nghề sửa chữa điện tử. Vì không có tiền để theo học các lớp dạy nghề, tôi bèn mò mẫm tìm các cửa hàng sửa chữa để xin học. Song cơ thể tôi tàn tật, phải đi bằng xe lăn, nhiều nơi ái ngại không nhận lời. Tôi không bỏ cuộc, vẫn nuôi hy vọng tìm kiếm và rồi tôi may mắn gặp được một ông chủ tốt bụng của cửa hàng sửa chữa điện tử trên đường Minh Khai (TP. Vinh). Anh không những không kỳ thị người khuyết tật như tôi mà còn giúp đỡ tôi nhiệt tình. Một năm học tại ở đây, tôi đã được truyền dạy những kiến thức cơ bản.
Sau đó, tôi trở về thị trấn Nam Đàn xin làm không lương cho một cửa hàng sửa chữa để vững tay nghề. Đến năm 2013, tôi vay mượn họ hàng, bạn bè 25 triệu đồng để mở hiệu sửa chữa ngay cạnh nhà. May mắn là tôi được người dân quanh vùng tin tưởng, khách hàng đến mỗi ngày một đông. Thu nhập hiện tại cũng đủ chi tiêu và đỡ đần cho bố mẹ.
Người ta bảo rằng cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu, và tôi đã tin điều đó. Giữa năm 2012, có đoàn ca nhạc của Hội Người khuyết tật về biểu diễn tại địa phương và ở nhờ trong nhà tôi. Trong đoàn có anh Nguyễn Văn Tú (quê Đô Lương) có tài ảo thuật, từng tham gia biểu diễn ở nhiều đoàn xiếc trong nước. Anh có dáng người gầy gò, cẳng chân teo lại, từng lang thang kiếm sống khắp trong Nam ngoài Bắc. Như được ông trời se duyên, chị cả tôi và anh Tú đem lòng cảm mến nhau và không lâu sau họ nên nghĩa vợ chồng trong sự chúc phúc của họ hàng, làng xóm. Đặc biệt hơn, chị hai tôi cũng phải lòng một chàng trai khác trong đoàn biểu diễn. Đó là anh Phạm Thanh Triều (quê Đà Nẵng), anh cũng bị dị tật ở chân. Gia đình tôi lại tiếp tục đón thêm niềm vui mới. Cuộc sống lại thêm tiếng cười khi các cháu tôi lần lượt ra đời và may mắn thay, các cháu lành lặn, khỏe mạnh như người bình thường.
Hiện tại, ngoài những lúc sửa chữa đồ điện gia dụng phục vụ bà con trong vùng, thỉnh thoảng tôi sắp xếp thời gian theo anh rể và chị gái đi diễn xiếc ở các địa phương. Cuộc sống đã bớt vất vả hơn trước, gia đình tôi quá nửa số thành viên bị khuyết tật nhưng tình cảm yêu thương nhau luôn đong đầy. Đó là điều tôi luôn tự hào và mãn nguyện.
Phương Thảo
(Ghi theo lời kể của Đinh Văn Chung, xóm 1B, xã Nam Thanh, Nam Đàn)