UBND huyện Đô Lương chỉ đạo xử lý việc sạt lở kè bờ sông Lam

10/11/2015 09:04

(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 3/10 và 25/10/2015 tại mục Thông tin đường dây nóng có phản ánh: “Người dân xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương phản ánh: Do một số hộ dân khai thác cát, sạn bừa bãi nên bờ kè sông Lam đoạn từ cầu Bara Đô Lương đi về huyện Tân Kỳ có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đề nghị các ban, ngành liên quan kiểm tra và có biện pháp xử lý”.

UBND huyện Đô Lương đã tiến hành kiểm tra xác minh thực tế. Ngày 2/11/2015, UBND huyện Đô Lương có Công văn số 1118/UBND trả lời như sau:

Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trong những năm qua UBND huyện Đô Lương đã hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) theo đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi tại xã Bồi Sơn. Cụ thể:

- Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển tài nguyên Thái Cực: Được UBND tỉnh cấp phép khai thác tại Quyết định số 4958/QĐ-UBND.TN ngày 17/12/2012, diện tích khu vực khai thác là 19,83 ha, tại mỏ cát bãi Bù, xã Bồi Sơn (giữa xã Tràng Sơn và xã Đặng Sơn), công suất khai thác 27.363 m3/năm, thời hạn giấy phép 10 năm. Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao mỏ đi vào khai thác từ đầu năm 2013. Địa điểm tập kết cát, sỏi là bãi Bù, xã Tràng Sơn.

- Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Bảo Ngân: Được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác số 221/GP-UBND ngày 19/1/2015, diện tích khu vực khai thác là 9,64 ha tại bãi nổi giữa dòng sông Lam (đoạn giữa xã Bồi Sơn và xã Bắc Sơn), công suất khai thác 18.000 m3/năm, thời hạn giấy phép 10 năm. Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao mỏ đi vào khai thác từ ngày 18/3/2015. Địa điểm tập kết của công ty tại xóm 5, xã Bồi Sơn (gần đền Quả Sơn).

- Công ty TNHH Xây dựng Hoa Bình: Được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác số 237/GP-UBND ngày 20/1/2015, diện tích khu vực khai thác là 10,08 ha tại bãi nổi giữa dòng sông Lam (đoạn giữa xã Bồi Sơn và xã Bắc Sơn), công suất khai thác 18.500 m3/năm, thời hạn giấy phép 10 năm. Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao mỏ đi vào khai thác từ ngày 18/3/2015. Địa điểm tập kết của công ty tại xóm 5, xã Bồi Sơn (gần đền Quả Sơn).

Hiện tại cả 3 doanh nghiệp nêu trên đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định tiến hành khai thác cát sỏi theo khu vực được cấp phép và công suất đăng ký.

Dự án xây dựng bờ kè bờ tả sông Lam do Chi cục Quản lý đê điều - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Đoạn qua xã Tràng Sơn thực hiện trong năm 2009, đoạn qua xã Bồi Sơn thực hiện trong năm 2011. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy dưới chân kè đoạn xã Bồi Sơn không có hiện tượng sạt lở, còn đối với đoạn xã Tràng Sơn từ cầu Bara đến giáp Bồi Sơn dưới chân kè có hiện tượng bồi đắp đất trung bình từ 3 đến 5m. Kiểm tra trên thân kè đoạn qua xã Tràng Sơn có 1 vị trí kè bị xói lở, diện tích khoảng 25m2, hiện chỉ còn lại hệ thống "xương cá" của thân kè. Vị trí bị xói lở cách Quốc lộ 15A khoảng 20m. Nguyên nhân do hệ thống thu gom nước mặt vào mùa mưa cũng như nước từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân xã Tràng Sơn tại khu vực đồng Gia Bu, đồng Cải Tạo chạy dọc theo thân kè đổ xuống tại vị trí này. Không có hiện tượng sạt lở đất nông nghiệp ở khu vực này, khoảng cách từ Quốc lộ 15A đến bờ sông vẫn giữ nguyên ổn định so với bản đồ xã Tràng Sơn được đo đạc năm 2008. Việc xói lở thân kè là hệ quả trong nhiều năm nay.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Tràng Sơn, Bồi Sơn tăng cường kiểm tra việc hoạt động của các doanh nghiệp đúng theo mốc giới được cấp phép. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép (nếu có). Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan khảo sát và có văn bản đề xuất với Chi cục Quản lý đê điều - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có kế hoạch tu bổ, đặc biệt thiết kế lại hệ thống xả nước, không xả trực tiếp vào thân kè.

UBND huyện Đô Lương báo cáo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Biên tập Báo Nghệ An.

UBND huyện Đô Lương

TIN LIÊN QUAN