Diệp Vấn - bậc thầy Vịnh Xuân là huyền thoại màn bạc

07/01/2016 18:58

Sư phụ Lý Tiểu Long với cuộc đời thăng trầm đã trở thành huyền thoại màn ảnh qua loạt phim ăn khách khắp châu Á.

Cuộc đời thăng trầm theo thời cuộc

Diệp Vấn chào đời năm 1893 ở Phật Sơn (Quảng Đông) trong một gia đình giàu có. Cha mẹ ông có một điền trang lớn và một căn nhà dài bằng một dãy phố ngay ở trung tâm thành phố. Năm 7 tuổi, cậu bé gầy guộc đập vỡ lợn đất lấy ba đĩnh bạc tiết kiệm để bái sư học võ - Trần Hoa Thuận (truyền nhân đời thứ bảy Vịnh Xuân quyền). Lúc này, đại sư đã 70 tuổi nên Diệp Vấn chủ yếu học các kỹ năng từ đệ tử thứ hai của Trần Hoa Thuận - Ngô Trọng Tố. Sau khi Diệp Vấn theo học ba năm thì Trần Hoa Thuận qua đời, Di nguyện cuối cùng của ông là Ngô tiếp tục dạy Diệp bởi cậu bé tỏ ra có tư chất võ.

Năm 16 tuổi, Diệp Vấn rời Đại lục sang Hong Kong học trung học. Trong ký ức của Diệp Vấn, khi ấy ông là học sinh hiếu động, tự phụ và hay gây gổ với các bạn học người Âu ở ngôi trường dành riêng cho con nhà giàu.

Trong các trận so găng, Diệp Vấn nhỏ con thường chiến thắng nhờ giỏi võ. Một trận thua thay đổi cuộc đời ông. Một hôm, một ông già tên Lương tới tìm Diệp Vấn để hỏi han về võ học. Cả hai đi vài đường quyền thuật và Diệp Vấn bị đánh bại. Ông già tiết lộ mình là Lương Bích - sư huynh Trần Hoa Thuận và sư bác của Diệp Vấn. Sau hôm chạm trán, Diệp Vấn học võ từ Lương Bích.

Sư phụ Diệp Vấn.
Sư phụ Diệp Vấn.

Năm 24 tuổi, Diệp Vấn đã tinh thông Vịnh Xuân, trở về quê nhà Phật Sơn và làm sĩ quan cảnh sát. Trong vòng hơn 20 năm từ 1914 đến 1937, Diệp Vấn trở nên nổi danh sau hàng loạt cuộc thư hùng võ thuật. Những lúc rảnh, ông thường giao du và trao đổi với các võ sư khác để nâng cao trình độ. Tuy có dạy võ cho nhiều bạn bè, cấp dưới và họ hàng, Diệp Vấn không mở lò võ - như truyền thống các đời trước của môn phái. Ông cũng không có ý định truyền hết nghề cho hai con trai.

Khi phát xít Nhật chiếm đóng miền Nam Trung Quốc - năm 1937, gia đình Diệp Vấn bắt đầu đi xuống. Từ một cảnh sát, Diệp Vấn không chịu luồn cúi dưới chế độ bù nhìn và ách thống trị ngoại bang nên đã gia nhập nhóm du kích chống Nhật. Trong tám năm, gia đình ông khuynh gia bại sản và nhiều lúc rơi vào cảnh đói khát. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945, Diệp Vấn 52 tuổi phải bỏ nghề võ để đi làm việc kiếm sống trong ba năm. Tới năm 1949, cuộc đời võ sư 55 tuổi sang chương mới khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền. Gia đình ông bị trưng thu toàn bộ gia sản, phải chạy sang Hong Kong.

Sang Hong Kong, Diệp Vấn ban đầu làm việc ở một quán ăn rồi quen dần các huynh đệ trong Hiệp hội võ thuật. Nhờ tài nghệ nức tiếng từ đại lục, đại võ sư mảnh dẻ mở trường dạy võ riêng chỉ sau một năm. Khóa học đầu tiên của ông gồm tám môn sinh làm nhiều ngành nghề. Trong thời gian cuối đời dạy võ ở Hong Kong, Diệp Vấn được nhiều cao thủ đa quốc gia đến từ Nhật hoặc phương Tây tới so găng. Ông đánh bại tất cả và giành được tôn trọng lớn. Năm 1967, Diệp cùng các đại đệ tử của mình thành lập Hội Thể dục Vịnh Xuân quyền Hong Kong, liên kết các môn đệ Vịnh Xuân và quảng bá võ này ra thế giới.

Lý Tiểu Long và sư phụ Diệp Vấn.
Lý Tiểu Long và sư phụ Diệp Vấn.

Mặc dù học trò được đánh giá xuất sắc của Diệp Vấn là Leung Sheung, Lý Tiểu Long được thế giới biết tiếng nhiều hơn cả. Lý Tiểu Long đến xin học Vịnh Xuân quyền với Diệp Vấn khoảng năm 1956 tại võ quán trên phố Linda. Lý là người có năng khiếu võ thuật lại siêng năng tập luyện, tiến bộ rất nhanh, nhưng tiếc là do phải di cư sang Mỹ nên không thể học hết được bài bản Vịnh Xuân.

Năm 1972, Diệp Vấn qua đời vì ung thư phổi, bảy tháng trước khi học trò Lý Tiểu Long mất. Giai đoạn cuối đời, ông được cho là nghiện thuốc phiện.

Nhất đại tông sư sống trên màn ảnh

Sau hồi Diệp Vấn mất, ông trở thành tượng đài về võ thuật ở Hong Kong cũng như Trung Quốc. Các nhà làm phim quan tâm tới việc dựng lại hình tượng ông lên màn ảnh. Năm 1998, hai nhà làm phim Lưu Trấn Vĩ và Thất Tiểu Phúc lên kế hoạch làm phim về cuộc đời Diệp Vấn nhưng hãng phim của họ bị đóng cửa và dự án bị bỏ dở.

Sau đó, nhà sản xuất nổi tiếng Hong Kong - Huỳnh Hạo Nhiên - phát triển câu chuyện riêng về Diệp Vấn. Được đồng thuận từ hai con võ sư, ông đến Phật Sơn nghiên cứu lúc sinh thời của sư phụ và Vịnh Xuân trong thời gian dài. Năm 2007, đạo diễn Viên Hòa Bình được mời thực hiện và Chân Tử Đan đóng chính.

Chân Tử Đan gắn liền tên tuổi với hình tượng Diệp Vấn trên màn ảnh.
Chân Tử Đan gắn liền tên tuổi với hình tượng Diệp Vấn trên màn ảnh.

Hóa thân thành nhân vật lịch sử có thật, Chân Tử Đan thừa nhận: "Đây là vai diễn khó nhất trong sự nghiệp của tôi. Những cảnh tâm lý yêu cầu cao". Chân Tử Đan dành vài tháng chuẩn bị cho vai diễn. Mỗi ngày anh chỉ ăn một bữa cơm, tập luyện Vịnh Xuân và đến nhà các con trai Diệp Vấn để tìm hiểu cuộc đời sư phụ. Trong khi luyện tập cho các cảnh đấu võ, ngôi sao võ thuật bị thương ở mắt trái và bên bả vai phải khiến không nhấc nổi cánh tay vài lần. Trên trường quay, nam diễn viên nhập hồn vào vai diễn tới nỗi sau khi phim đóng máy, anh vẫn giữ lối sống như khi đang đóng Diệp Vấn, mặc áo dài thụng, đi đứng và ăn nói giống hệt nhân vật.

Ra mắt năm 2008, Ip Man (Diệp Vấn) trở thành hiện tượng phim võ châu Á. Phim 11 triệu USD ngân sách thu về 21 triệu USD. Tác phẩm được giới phê bình ca ngợi. Những cảnh võ biến hóa của Chân Tử Đan khiến người xem bị quyến rũ bởi Vịnh Xuân. Hình ảnh nam diễn viên luyện Vịnh Xuân với tượng gỗ hình nhân đi vào lòng người xem. Thành công của phim kéo theo hàng trăm lò võ Vịnh Xuân được mở ra ở Trung Quốc và châu Á. Chân Tử Đan được đánh giá là người có công phổ biến môn võ truyền thống này tới công chúng. Con trai cả của Diệp Vấn là Diệp Chuẩn lên tiếng bày tỏ lòng biết ơn nam diễn viên đã giúp di sản cha anh được truyền bá ra thế giới.

Sau phần một ăn khách, phần hai ra mắt năm 2010 và phần ba vừa trình làng hôm 31/12/2015. Cả hai phần đều gây sốt dù không xuất sắc bằng bản đầu.

Dựa trên cuộc đời Diệp Vấn, bộ ba phim của Chân Tử Đan là tác phẩm bán tiểu sử. Nhiều chi tiết cốt truyện của phim rời xa sự thật nhằm đạt được hiệu quả kịch tính. Trong phần một, phim kể về Diệp Vấn từ lúc gia thế giàu có lâm vào cơ cực vì chiến tranh Trung Nhật. Bộ phim bỏ qua sự thật Diệp Vấn là cảnh sát, còn cảnh phim Diệp Vấn thách đấu tướng Nhật là hư cấu. Phần hai và phần ba tập trung vào giai đoạn Diệp Vấn sang Hong Kong sau năm 1949 và đều khai thác cảnh đánh võ kịch tính nhằm làm mãn nhãn người xem.

Lương Triều Vỹ vào vai Diệp Vấn trong phim
Lương Triều Vỹ vào vai Diệp Vấn trong phim "Nhất đại tông sư".

Bộ ba phim Diệp Vấn khiến nhất đại tông sư ngày xưa thành huyền thoại hôm nay. Ngoài tác phẩm này, nhiều câu chuyện màn bạc khác cũng dựng tượng Diệp Vấn. Năm 2008, series truyền hình The Legend of Bruce Lee có nhân vật Diệp Vấn xuất hiện là sư phụ của Lý Tiểu Long. Năm 2010, phim The Legend Is Born nói về cuộc đời Diệp Vấn. Năm 2013, phim Ip Man: The Final Fight tập trung vào giai đoạn Diệp Vấn ở Hong Kong. Phim có con trai cả sư phụ Diệp đóng một vai nhỏ. Cũng trong năm 2013, series truyền hình về Diệp Vấn lên sóng ở Trung Quốc và được nhiều người quan tâm.

Nếu bộ ba Diệp Vấn là loạt phim thương mại thành công về sư phụ phái Vĩnh Xuân, The Grandmaster (Nhất đại tông sư) của Vương Gia Vệ được coi là phim tác giả ấn tượng về cuộc đời võ sư. Phim có Lương Triều Vỹ vào vai Diệp Vấn, tập trung vào những năm trước chiến tranh Trung Nhật - thời mạt của võ thuật Trung Hoa. So với bộ ba Diệp Vấn của Chân Tử Đan, Nhất đại tông sư ít khai thác các cảnh kịch tính mà đi sâu chất vấn triết lý võ thuật và nhân sinh của đại sư phụ. Tác phẩm được người yêu phim nghệ thuật ưa chuộng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN