Miễn dịch trị liệu có thể chữa khỏi ung thư máu giai đoạn cuối

16/02/2016 14:44

(Baonghean.vn) - Hơn nửa số bệnh nhân ung thư máu trong tình trạng nguy kịch tham gia cuộc thử nghiệm một liệu pháp có biểu hiện thuyên giảm hoàn toàn sau thời gian đầu điều trị.

Các nhà khoa học vừa công bố thành công đột phá trong công nghệ biến đổi tế bào điều trị ung thư máu bằng cách sử dụng tế bào T-cell có trong hệ miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư. Nhiều bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối được chẩn đoán chỉ có thể kéo dài sự sống thêm vài tháng sau khi tham gia điều trị thử nghiệm bằng phương pháp sử dụng T-cell đã có kết quả “thành công kỷ lục”.

94% các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL – thể bệnh bạch cầu thường gặp nhất ở trẻ em - người dịch) sau khi được thử nghiệm điều trị bằng phương pháp này đã ko còn phát hiện tế bào ung thư. Đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu dòng khác, tỷ lệ hồi phục là hơn 80%, trong đó hơn 50% đã hồi phục hoàn toàn.

Hình ảnh một tế bào T-cell ở người qua kính hiển vi. “Tế bào T-cell là các viên thuốc sống, có khả năng lưu lại trong cơ thể người trong suốt quãng đời còn lại,” theo lời nhà nghiên cứu Chiara Bonini. Ảnh: Alamy
Hình ảnh một tế bào T-cell ở người qua kính hiển vi. “Tế bào T-cell là các viên thuốc sống, có khả năng lưu lại trong cơ thể người trong suốt quãng đời còn lại,” theo lời nhà nghiên cứu Chiara Bonini. Ảnh: Alamy

Bà Chiara Bonini, bác sỹ chuyên khoa về huyết học tại Trường đại học San Raffaele ở Milan, Ý, lạc quan cho hay bà chưa bao giờ nhìn thấy kết quả phục hồi cao kỷ lục như vậy trong suốt 15 năm nghiên cứu. “Đây thực sự là một cuộc cách mạng”, bà nhấn mạnh.

“Đây là liệu pháp sống”, bà Bonini nói. “Khi được đưa trở lại cơ thể người bệnh, các tế bào T-cell sẽ nhân rộng.”

Để thực hiện liệu pháp, các tế bào miễn dịch sẽ được tách ra từ cơ thể người bệnh, sau đó được gắn thêm các phân tử “cảm ứng” biết tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Cơ chế hoạt động của các tế bào này tương tự như cơ chế tiêu diệt virut cảm cúm hoặc các bệnh lây nhiễm khác. Sau đó các tế bào này sẽ được đưa trở lại vào cơ thể người bệnh.

Hiện thử nghiệm mới chỉ được thực hiện trên một số thể ung thư máu nhất định, các nhà khoa học nhận định còn rất nhiều việc phải làm để tiêu diệt khối u và theo dõi thời gian duy trì sự phục hồi. Trong nhiều trường hợp, các tế bào ung thư có thể “ẩn náu” kĩ đến mức hệ miễn dịch không thể phát hiện ra, hoặc ngược lại, chúng áp đảo và khiến hệ miễn dịch phải làm việc quá tải.

“Có nhiều nguyên nhân để lạc quan, và nhiều nguyên nhân để thận trọng”. Nhà nghiên cứu Stanley Riddell của Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson tại bang Washington cho biết thêm rằng các nhà khoa học hy vọng việc cắt giảm số lượng tế bào T-cell sử dụng trong quá trình điều trị sẽ làm giảm rủi ro do tác dụng phụ gây ra.

Phương pháp điều trị bằng T-cell được xem là biện pháp cứu cánh cuối cùng do việc lập trình lại hệ miễn dịch đi kèm với nhiều rủi ro, ví dụ như Hội chứng giải phóng cytokine (sCRS) và quá tải tế bào miễn dịch. Trong số các bệnh nhân tham gia thử nghiệm, 20 người có triệu chứng sốt, giảm huyết áp và ảnh hưởng tới thần kinh do sCRS, 2 người tử vong sau đó. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, trước đây phương pháp hóa trị đã từng thất bại trên toàn bộ các bệnh nhân tham gia thử nghiệm.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn đặt nhiều hy vọng ở phương pháp miễn dịch trị liệu trong điều trị ung thư, đặc biệt là việc biến đổi bộ nhớ tế bào có thể mang lại hiệu quả lâu dài. Theo đó, khả năng ghi nhớ các tế bào ung thư của tế bào T-cell được lập trình lại có thể lên đến 10 năm và tự động tiêu diệt nếu tế bào ung thư quay trở lại.

Thanh Hiền

(Theo The Guardian)

TIN LIÊN QUAN