Xung quanh việc mua 3 ngân hàng giá 0 đồng

12/11/2015 19:07

(Baonghean) - Từ ngày 5/3/2015 đến 7/7/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp mua lại 3 ngân hàng thương mại (NHTM) với giá 0 đồng. Sự kiện này đã khiến một loạt vấn đề pháp lý được đặt ra, và tại sao NHNN lại mua và mua với giá 0 đồng, mà không phải là duy trì, sáp nhập, giải thể hay phá sản ngân hàng? Sau đây là ý kiến bình luận của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, trọng tài quốc tế...

Nợ xấu rất cao, vốn mất rất lớn

Theo công bố của NHNN thì cả 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) đều là những ngân hàng rất yếu kém, nợ xấu rất cao, nguy cơ mất vốn lớn, giá trị ngân hàng là âm hàng nghìn tỷ đồng và giá trị mỗi cổ phần là bằng 0 đồng, dựa trên cơ sở kết quả thanh tra và kiểm toán.

Về mặt pháp lý, 3 ngân hàng thương mại trên đều rơi vào ít nhất một trong các trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Khoản 3, Điều 146 về “Áp dụng kiểm soát đặc biệt”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Đó là: có nguy cơ mất khả năng chi trả; nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; khi số lũy kế lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán; hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục...

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ảnh minh họa).
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ảnh minh họa).

Hệ quả pháp lý của động thái này cho thấy, sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, NHNN đã quyết định mua lại 3 NHTMCP nói trên với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng TM TNHH một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Cả 3 ngân hàng vẫn được giữ lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng hàng nghìn cổ đông, sở hữu số cổ phiếu mệnh giá hơn chục nghìn tỷ đồng của 3 ngân hàng lập tức chấm dứt tư cách cổ đông, không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, đồng thời cũng không còn chịu bất kỳ nghĩa vụ nào với tư cách cổ đông ngân hàng. Nhìn lại thực tế và chiếu theo lý thuyết, có thể thấy, NHNN có thể lựa chọn giải pháp chấn chỉnh, tái cơ cấu và duy trì ngân hàng TMCP.

Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại và hoạt động, thì các ngân hàng này lại không đáp ứng được yêu cầu về mức vốn điều lệ thực có tối thiểu trong một thời gian dài. Các cổ đông của cả 3 ngân hàng cũng đã không lựa chọn giải pháp tăng vốn, hay nói đúng hơn, đã không đạt được tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% để tăng vốn điều lệ. Nếu NHNN chọn phương án hợp nhất các ngân hàng nói trên với các ngân hàng khác để hình thành một ngân hàng mới theo quy định, điều này đòi hỏi phải có ngân hàng vững mạnh khác tham gia hợp nhất. Theo tôi, giải pháp này là bất khả thi, vì đã không có ngân hàng nào tự nguyện đứng ra hợp nhất. Đồng thời, NHNN đã không lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một ngân hàng đảm nhiệm việc hợp nhất, vì thiếu cơ sở pháp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong trường hợp không sáp nhập ngân hàng, có thể thấy, NHNN có thể chọn phương án sáp nhập các ngân hàng trên vào các ngân hàng khác theo quy định, nhưng điều này cũng đòi hỏi ngân hàng nhận sáp nhập phải là một ngân hàng vững mạnh. Giải pháp này là bất khả thi, vì không có ngân hàng nào tự nguyện đứng ra nhận sáp nhập. Và cũng như trường hợp trên, NHNN cũng đã không lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một ngân hàng đảm nhiệm việc nhận sáp nhập, vì thiếu cơ sở pháp lý. NHNN cũng có thể chọn phương án giải thể 3 ngân hàng trên và chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của chúng nhưng chỉ giải thể được nếu như 3 ngân hàng trên “có khả năng thanh toán hết nợ”.

Còn nếu cho phá sản, dù NHNN có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 3 NHTM nói trên, nhưng do số tiền phải chi trả cho người gửi tiền là rất lớn, không đủ khả năng chi trả cho người gửi tiền ngay lập tức do sự thiếu hụt và phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi được… sẽ dẫn đến tình trạng người gửi rút tiền ồ ạt, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia. Muốn tránh nguy cơ này thì đòi hỏi Nhà nước phải cam kết và có đủ tiền để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân. Chính vì vậy, Quyết định số 254/QĐ-TTg và số 255/QĐ-TTg nói trên chỉ đề cập đến các biện pháp “sáp nhập, hợp nhất, mua lại”, mà không có biện pháp “giải thể, phá sản” NHTM trong giai đoạn hiện nay.

Không phải là quốc hữu hóa tài sản

Bên cạnh các giải pháp trên, việc xử lý 3 ngân hàng trên cũng không cho phép quốc hữu hóa ngân hàng, cũng không được trưng thu, trưng mua tài sản hay mua bán ngân hàng, tài sản của ngân hàng. Và tuy có tới 4 đạo luật đã đề cập đến việc mua bán DN là pháp nhân, nhưng Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng như các Luật DN năm 2005 và 2014 thì lại đều không đề cập đến việc mua pháp nhân nói chung hay việc mua DN là công ty nói riêng. Vì vậy, nếu hiểu theo cách đơn giản, thông thường, là có việc mua bán DN, ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu hiểu một cách phức tạp, sâu xa, thì việc mua, bán DN trong các đạo luật nói trên là việc mua bán DN tư nhân hoặc mua bán một phần hay toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH hoặc một phần hay toàn bộ số cổ phần của công ty cổ phần, do đó, các trường hợp đang xét trên là việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các cổ đông ngân hàng, chứ không phải là việc mua bán ngân hàng. Vì nếu mua bán ngân hàng, thì lập tức sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn bế tắc không thể giải quyết đối với quyền sở hữu cổ phần của cổ đông, hay nói cách khác, nếu như mua bán DN, thì không thể truất quyền sở hữu cổ phần của cổ đông. Cần nói rõ là nếu mua bán tài sản của ngân hàng thì quyền của cổ đông vẫn còn nguyên, cho dù giá trị của cổ phần là trên 0 hay bằng 0 đồng.

Trước việc cấp bách an nguy buộc phải giải quyết số phận pháp lý của các NHTM trên, nhưng lại không thực hiện được theo các giải pháp duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản ngân hàng, cũng không thể thực hiện giải pháp quốc hữu hóa, trưng thu hay trưng mua ngân hàng, thì tất yếu là buộc phải lựa chọn giải pháp khả dĩ nhất là mua lại ngân hàng như đã diễn ra. Vấn đề chỉ còn là các điều kiện, thủ tục pháp lý mua bán và câu chữ thế nào mà thôi.

Theo đúng bản chất pháp lý của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014, thì không có giao dịch mua bán, mà chỉ có giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông (giống như Điều 54 Hiến pháp và Luật Đất đai năm 2013 không gọi là mua bán, mà là chuyển quyền sử dụng đất).

Tuy nhiên, vì không có quy định pháp luật về việc bán đấu giá trong trường hợp này, nên tình huống “phát mại” cổ phiếu đã không xảy ra. Và sự an nguy của hệ thống ngân hàng cũng không thể chờ đợi để có thể thực hiện được việc này. NHNN không cần phải mua lại 100%, mà chỉ cần mua lại 65% tổng số cổ phiếu, là đã có toàn quyền để tự quyết định mọi vấn đề của các NHTM.

Tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống

Các quyết định của NHNN đề dựa trên căn cứ pháp luật, nhằm giải quyết tình thế, là cần thiết, có ý nghĩa sống còn tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời có tác dụng hữu hiệu trong việc chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động ngân hàng. Quá trình xử lý 3 ngân hàng nói trên là một việc làm vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng, vì vậy rất cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng.

Để bảo đảm chắc chắn và rõ ràng về cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu trên, cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý, hoặc cần phải sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008. Trước mắt, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định cho phép NHNN trực tiếp góp vốn và mua cổ phần của các TCTD (mua của chính công ty), cho phép việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp thì mới bảo đảm khớp đúng hoàn toàn quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các TCTD và Luật Chứng khoán.

Hồng Hà

TIN LIÊN QUAN