Ngành bán lẻ lo "lép vế" trong Cộng đồng kinh tế ASEAN

04/01/2016 07:30

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo bị “lép vế” bởi sức ép cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng mới về đầu tư, thương mại, việc làm... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới là những thách thức về sức ép cạnh tranh hay sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trên sân chơi này.

Một trong những lĩnh vực gặp cạnh tranh lớn nhất khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN là ngành bán lẻ. Nhiều người lo ngại, với thuế suất về 0%, hàng hóa của nước ngoài ồ ạt tràn vào sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam bị “lép vế”.

1
Doanh nghiệp trong nước tung nhiều chương trình khuyến mại để hút khách

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014. Việt Nam hiện nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. Sau hơn 5 năm gia nhập WTO và tiến tới hội nhập sâu với khu vực ASEAN và thế giới với hàng loạt hiệp định Thương mại tự do vừa ký kết cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang từng bước chuyển mình, thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại.

Nhiều dự báo cho rằng, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần, với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều, sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại nhận định, hiện tại thị trường trong nước có 90 triệu dân, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100 triệu dân, với khoảng 15, 20% là trung lưu (thu nhập bình quân khoảng 10.000 USD/người). Rõ ràng, sẽ có một thị trường trong nước rất lớn và hấp dẫn, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn doanh nghiệp nước ngoài.

Tiềm năng là vậy nhưng thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong số các các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau Trung Quốc.

Hiện tại, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, với lợi thế là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN