Thảo luận tại Đại hội Đảng XII: Đổi mới thể chế kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên
(Baonghean.vn) - Tham luận của đại biểu đã làm sâu sắc thêm những nội dung của văn kiện trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hạ tầng... góp phần khẳng định thêm vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định mọi thành công trên các lĩnh vực.
An ninh, quốc phòng không để bị bất ngờ trong mọi tình huống
Đồng chí Ngô Xuân Lịch |
Tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, 5 năm qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, Đảng bộ quân đội và toàn quân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cũng theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Trong bối cảnh đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, yêu cầu cao và quân đội sẽ tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh; đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ quân đội.
Đồng chí Trần Đại Quang. |
Cùng chung nhận định về bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tham luận của đại diện lực lượng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, an ninh trật tự trong đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, không để bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách, xử lý kịp thời những bất cập, vấn đề nảy sinh.
Phòng ngừa, chống tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc triệt phá các ổ nhóm tội phạm phức tạp, tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới.
Quán triệt những nội dung trong các văn kiện Trung ương, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng CAND đặt ra 5 bài học: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bám sát thực tiễn để đề ra mục tiêu yêu cầu phù hợp; đổi mới gắn với sáng tạo, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, kết hợp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh hệ thống chính trị huy động mọi tầng lớp nhân dân; gắn đổi mới lực lượng công an với xây dựng Đảng, nâng cao năng lực về nghiệp vụ cán bộ, chiến sĩ; mở rộng quan hệ đối ngoại trong phòng chống tội phạm trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
Đổi mới thể chế kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên
Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhìn nhận lại thành tựu, kết quả của đất nước thời gian qua “là rất ấn tượng, nhưng chưa thể thỏa mãn”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: trước đây vị thế kinh tế Việt Nam có thể nói là đứng đầu khu vực, nhưng hiện nay, GDP tính theo đầu người của nước ta chỉ ở mức 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 nước láng giềng Thái Lan.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam còn rất ít thời gian và không nhiều những lợi thế truyền thống như cơ cấu dân số, nguồn tài nguyên, lao động rẻ. Vì vậy, “nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thoát khỏi những hạn chế, yếu kém hiện tại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh góp ý.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mong muốn sự đổi mới, cải cách thể chế, từ chính trị, quản lý Nhà nước và đặc biệt là sự đổi mới thể chế kinh tế phải được coi là ưu tiên, dựa trên 3 trụ cột. Cụ thể là thịnh vượng phải đi đôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tập trung thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tạo sự công bằng và hội nhập bình đẳng cho mọi người, bảo đảm quyền lợi cho những bộ phận yếu thế, dễ tổn thương trong phát triển, coi đây ưu việt của định hướng XHCN; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, các thiết chế phải có sự giám sát của người dân, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, quyền thông tin của người dân.
Đồng chí Đinh La Thăng. |
Với chủ đề phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, coi đây là yếu tố cần đi trước để tháo gỡ ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng có 4 bài học được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Đó là sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải; tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng.
Hữu Nghĩa - Nguyên Sơn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|